Trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn thách thức, song lĩnh vực lao động - việc làm - giáo dục nghề nghiệp của tỉnh năm qua tiếp tục thu được nhiều kết quả, góp phần quan trọng vào việc hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2018.
Cùng với thực hiện tuyển mới đào tạo nghề cho 16.825 người, đạt 106,5% so với kế hoạch năm, các địa phương đã tăng cường các giải pháp giải quyết việc làm cho người lao động (NLĐ) qua định hướng cho NLĐ học nghề, tìm việc làm, tự tạo việc làm phù hợp; gắn tạo việc làm với xây dựng nông thôn mới và gắn tạo việc làm với chuyển dịch cơ cấu lao động để NLĐ có việc làm bền vững, thu nhập ổn định; đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, trong năm, toàn tỉnh đã có hơn 140 doanh nghiệp được thành lập, nâng tổng số trên địa bàn tỉnh là 1.855 doanh nghiệp... Vì vậy, năm 2018, đã có 18.350 lao động trong tỉnh được giải quyết việc làm, đạt 101,94% kế hoạch.
Bên cạnh đẩy mạnh đào tạo nghề và giải quyết việc làm, việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của NLĐ tiếp tục được tăng cường. Với vai trò, chức năng của mình, ngành lao động - thương binh và xã hội đã phối hợp với các ngành chức năng đôn đốc các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc; hướng dẫn các đơn vị, doanh nghiệp thực hiện mức lương tối thiểu vùng từ ngày 01/01/2018...
Trong đó, đã phối hợp với Sở Tài chính tham gia thẩm định quyết toán kinh phí hỗ trợ tổ chức, đơn vị sử dụng lao động là người dân tộc thiểu số năm 2017 theo Quyết định 42/2012/QĐ-TTg; thẩm định quỹ tiền lương thực hiện năm 2017 của NLĐ và người quản lý các công ty TNHH một thành viên do UBND tỉnh làm chủ sở hữu, các lâm trường, công ty cổ phần có vốn góp của Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ,
Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư và 4 công ty lâm nghiệp (Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Ngòi Lao, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Việt Hưng, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Thác Bà, Công ty TNHH Một thành viên Lâm nghiệp Yên Bình) rà soát thực trạng hoạt động của các công ty để làm cơ sở triển khai công tác cổ phần hóa.
Đến nay, 4 công ty lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt giá trị doanh nghiệp và đang trong quá trình hoàn thiện phương án cổ phần hóa trình UBND tỉnh phê duyệt, số tiền trợ cấp dôi dư đối với 35 NLĐ của 4 công ty được thẩm định, tính toán là 2,938 tỷ đồng.
Ngành còn phối hợp với Hội đồng giải thể Công ty TNHH Kinh doanh khai thác và quản lý Chợ Mường Lò hoàn thiện phương án giải thể, tính toán tiền trợ cấp dôi dư đối với 17 NLĐ (trong đó có 01 người quản lý và 16 lao động) với số tiền dự kiến là 581.766.330 đồng...
Trong năm 2018, cùng với đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lĩnh vực lao động việc làm, về quyền lợi NLĐ..., ngành lao động - thương binh và xã hội đã mở 6 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật lao động cho 301 lãnh đạo, cán bộ quản lý lao động - tiền lương trong các doanh nghiệp đóng trên địa bàn tỉnh.
Tiếp nhận và giải quyết 25 đơn thư của công dân về chế độ chính sách lao động - tiền lương - BHXH; giải quyết chế độ bảo hiểm thất nghiệp cho 2.323 người, với tổng số tiền 21,517 tỷ đồng; hỗ trợ học nghề cho 107 người với tổng số tiền 374 triệu đồng; tư vấn giới thiệu việc làm cho 2.249 NLĐ. Đồng thời, tổ chức Lễ phát động Tháng hành động về An toàn, vệ sinh lao động; thăm, tặng quà cho người bị tai nạn lao động...
Năm 2019, tỉnh đề ra mục tiêu giải quyết việc làm cho 18.000 lao động (từ phát triển kinh tế xã hội 11.100 lao động, vay vốn Quỹ quốc gia về giải quyết việc làm 1.500 lao động, xuất khẩu 900 lao động, đi làm việc ở tỉnh ngoài 4.500 lao động); tuyển mới đào tạo nghề cho 16.000 người, nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo toàn tỉnh đến hết năm 2019 đạt 57%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận kết quả đào tạo đạt 29,4%...
Để hoàn thành mục tiêu trên, giải pháp đề ra trong năm là đẩy mạnh thông tin thị trường, đổi mới phương thức hoạt động tư vấn giới thiệu việc làm, dạy nghề; triển khai các giải pháp đẩy mạnh việc đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, tập trung vào những thị trường có thu nhập cao như: Hàn Quốc, Nhật, Trung Đông….
Đồng thời, tăng cường nguồn vốn cho quỹ phát triển việc làm, tạo thuận lợi trong việc tiếp cận vốn, giải ngân nhanh cho NLĐ, tăng hiệu quả nguồn vốn vay giải quyết việc làm; xây dựng chính sách khuyến khích chuyển dịch cơ cấu lao động nông nghiệp sang phi nông nghiệp; đẩy mạnh giải pháp nâng cao chất lượng đào tạo nghề… góp phần vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Nguyễn Đình