Yên Bái: Phân luồng học sinh - nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

  • Cập nhật: Thứ năm, 18/4/2019 | 1:53:37 PM

YênBái - Bên cạnh ôn luyện chuẩn bị kỳ thi THPT quốc gia, công tác hướng nghiệp cũng đang được các nhà trường đẩy mạnh. 

Giờ thực hành điện ở Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. (Ảnh: Minh Huyền)
Giờ thực hành điện ở Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái. (Ảnh: Minh Huyền)

Phân luồng học sinh để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, giảm tình trạng thừa "thầy” thiếu "thợ”, đảm bảo an ninh lao động việc làm, tránh tình trạng thất nghiệp là mục tiêu mà Đảng, Nhà nước ta hướng tới nhiều năm qua. 

Tỉnh Yên Bái đã xây dựng Đề án giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông trên địa bàn giai đoạn 2018 – 2025 với nhiều mục tiêu, giải pháp nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Những ngày này, cùng với trên 6.700 học sinh lớp 12 trong toàn tỉnh, 307 học sinh khối lớp 12 của Trường THPT Lý Thường Kiệt, thành phố Yên Bái đang gấp rút ôn luyện cho kỳ thi THPT quốc gia. Bên cạnh ôn luyện cho các em thì công tác hướng nghiệp cũng được nhà trường đẩy mạnh. Các thầy cô giáo chủ nhiệm khối lớp 12 tranh thủ các giờ sinh hoạt hoặc ngoài giờ lên lớp để hướng dẫn học sinh làm hồ sơ và chọn trường, chọn nghề phù hợp. 

Thầy giáo Nguyễn Đức Cường – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Thời điểm này, nhà trường liên tục làm công tác hướng nghiệp cho học sinh, các thầy cô chủ nhiệm căn cứ vào điểm thi thử, quá trình giảng dạy để đánh giá năng lực của từng em, từ đó tư vấn cho các em. Đối với các em học lực khá, giỏi, các thầy cô động viên các em đăng ký vào các trường đại học, cao đẳng. Đối với các em có học lực kém hơn thì các thầy cô động viên các em chọn các trường nghề. Hàng năm, nhà trường có từ 60 -70% số học sinh theo học các trường đại học, cao đẳng, số còn lại học trung cấp nghề hoặc các nghề ngắn hạn như làm đẹp, nấu ăn, sửa chữa xe máy hoặc xây dựng... Vừa qua, nhà trường đã tạo điều kiện cho nhiều trường đại học, cao đẳng, các trường nghề đến nhà trường làm công tác tư vấn nghề cho các em học sinh”. 

Là đơn vị đào tạo nghề hàng đầu của tỉnh, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đã đến hầu hết các trường THPT trên địa bàn tỉnh, trong đó có Trường THPT Lý Thường Kiệt để tư vấn nghề cho các em học sinh. 

Ông Lê Anh Tuấn – Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái cho biết: "Các đoàn công tác đến các trường tư vấn cho các em chủ yếu về xu hướng phát triển của nghề nghiệp hiện nay, giới thiệu chương trình đào tạo của nhà trường trong đó có kết nối với doanh nghiệp, học sinh sau khi tốt nghiệp sẽ có việc làm ra sao, chế độ chính sách cho học sinh theo học tại nhà trường, giải đáp các thắc mắc về nghề nghiệp của học sinh”. 

Hiện nay, Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái đang đào tạo 16 nghề trung cấp đang có nhu cầu cao trên thị trường lao động như công nghệ ô tô, điện dân dụng, điện tử công nghiệp, máy lạnh và điều hòa không khí, vận hành máy thi công mềm...

Đặc biệt, nhà trường có kết nối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đảm bảo đầu ra cho các sinh viên sau đào tạo.

Có thể thấy, nhiều năm gần đây, cơ cấu lao động đã thay đổi nhiều, nhu cầu lao động đặc biệt là lao động qua đào tạo tăng nhanh trong các lĩnh vực dịch vụ, du lịch, kỹ thuật..., nhu cầu lao động trong các cơ quan hành chính sự nghiệp giảm... 

Do đó, không chỉ trước mỗi kỳ thi THPT quốc gia, mà ngay từ cấp THCS, tỉnh đã có nhiều giải pháp phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS và THPT với hàng loạt các văn bản chỉ đạo điều hành, các chính sách học nghề cho con em vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng nông thôn. 

Các cơ sở giáo dục tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn; thực hiện tốt công tác tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh, tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; tập trung tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phân tích, làm rõ yêu cầu và sự cần thiết của việc phân luồng. 

Qua đó, giúp phụ huynh và học sinh có nhận thức rõ, đúng đắn hơn việc học tập và cơ hội học tập, làm việc; giúp học sinh tự đánh giá đúng khả năng học tập của bản thân, xem xét nhu cầu lao động xã hội và hoàn cảnh gia đình để chọn hướng đi cho phù hợp. Đặc biệt, trên cơ sở chương trình phổ thông hiện hành, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) chỉ đạo phòng GD-ĐT, các nhà trường thực hiện nghiêm túc chương trình, nội dung giáo dục hướng nghiệp, dạy nghề phổ thông ở cấp THCS theo quy định của Bộ. 

Đồng thời, chú trọng việc triển khai các hoạt động giáo dục khởi nghiệp cho học sinh các trường THCS và THPT. Bước đầu giúp học sinh tiếp cận với hoạt động khởi nghiệp kinh doanh bằng các hoạt động cụ thể: đăng ký tham gia Kênh ươm tạo sáng kiến xã hội (SOIN) của Trung tâm Hỗ trợ sáng kiến phục vụ cộng đồng; tham gia cuộc thi tìm hiểu và định hướng nghề nghiệp. Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường THCS xây dựng chương trình phù hợp với đối tượng học sinh và đặc điểm tình hình kinh tế xã hội của địa phương. 

Tại thị xã Nghĩa Lộ và huyện Mù Cang Chải, một số trường nội dung chương trình giáo dục hướng nghiệp gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của địa phương như hoạt động du lịch cộng đồng (thị xã Nghĩa Lộ, huyện Mù Cang Chải), trồng và chế biến sản phẩm từ quả sơn tra (huyện Mù Cang Chải), du lịch sinh thái hồ Thác Bà (huyện Yên Bình), trồng và chế biến các sản phẩm từ cây quế (huyện Văn Yên), khai thác và chế tác các sản phẩm từ đá tự nhiên (huyện Lục Yên và Văn Chấn), mô hình trang trại trồng chè, cam (huyện Văn Chấn). 

Hình thức tổ chức hoạt động hướng nghiệp cho học sinh của các nhà trường phong phú và đa dạng, như tổ chức phổ biến, tuyên truyền thông qua các buổi hoạt động ngoài giờ lên lớp, các buổi sinh hoạt tập thể; các hoạt động ngoại khóa, trải nghiệm sáng tạo,.... 

Bên cạnh đó, công tác giáo dục hướng nghiệp còn được các nhà trường thực hiện lồng ghép thông qua dạy học các môn văn hoá và các hoạt động giáo dục. Qua đó, công tác dạy nghề phổ thông: có 72,4 % số trường THCS với 68,4% học sinh tham gia học nghề phổ thông; trong đó: 32,2% số học sinh học tại trường THCS. 

Với những giải pháp cụ thể, mục tiêu đảm bảo phân luồng học sinh sau THCS đi học nghề khoảng 20% và sau THPT đi học nghề và hệ thống cao đẳng chuyên nghiệp đạt trên 40% theo Chương trình hành động 144 của Tỉnh ủy sẽ tạo bước đột phá về chất lượng giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương, đáp ứng nhu cầu nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực quốc gia, hội nhập khu vực và quốc tế.

Thanh Ba

Tags Yên Bá phân luồng học sinh

Các tin khác
Đoàn công tác Hội CCB tỉnh Ninh Thuận tham quan gian trưng bày hiện vật lịch sử giải đoạn 1954 - 1975 tại Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Trong hành trình về nguồn tại các tỉnh phía Bắc nhân dịp kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/154 - 7/5/2014) và 49 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024), chiều 19/4, đoàn công tác Hội Cựu chiến binh (CCB) tỉnh Ninh Thuận đã tham quan Bảo tàng tỉnh Yên Bái.

Lò đốt rác Đông Cuông chính thức hoạt động trờ lại vào ngày 19/4

Sáng 19/4, Lò đốt chất thải rắn sinh hoạt xã Đông Cuông, huyện Văn Yên đã chính thức vận hành trở lại sau thời gian tạm dừng hoạt động để xử lý sự cố kỹ thuật và lấy mẫu quan trắc khí thải tại khu vực lò đốt và khu vực dân cư lân cận.

Ảnh minh họa

Nghị định 40/2024/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở 2023 nêu rõ chế độ, chính sách, của lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở chính thức được áp dụng từ 1/7 tới.

Phụ nữ thôn Hợp Nhất, xã Thịnh Hưng, huyện Yên Bình tham gia vệ môi trường đường làng, ngõ xóm sạch đẹp.

Hiện toàn tỉnh Yên Bái có hơn 900 tổ tự quản do Mặt mặt trận Tổ quốc chủ trì thành lập. Các tổ đã vận động thành viên vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tuyến đường sáng, xanh, sạch đẹp; vệ sinh đồng ruộng; trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng, cây xanh, đường hoa….

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục