Quân chủng Phòng không Không quân Việt Nam và Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) sáng nay khởi động dự án xử lý dioxin tại sân bay Biên Hòa, điểm nóng ô nhiễm dioxin lớn nhất còn lại tại Việt Nam, nhằm tẩy độc tại những khu vực có nguy cơ cao trong vòng 10 năm tới.
Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Thứ trưởng Quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh, giám đốc USAID Việt Nam Michael Greene, Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink và đoàn thượng nghị sĩ Mỹ đang thăm Việt Nam đã tham dự lễ khởi động dự án.
Sân bay Biên Hòa từng là căn cứ chủ chốt của quân đội Mỹ, dùng để chứa chất diệt cỏ và phục vụ chiến dịch phun rải chất độc hóa học tại chiến trường miền nam Việt Nam. Từ tháng 12/1969 đến tháng 3/1970, nơi đây đã xảy ra 4 vụ tràn chất độc hóa học từ các bể chứa với 2.500 lít chất trắng và 25.000 lít chất da cam rò rỉ ra bên ngoài.
Giới chuyên gia đánh giá khu vực này là nơi nhiễm chất độc dioxin nặng nhất, lâu nhất và lớn nhất trên thế giới. Ước tính hơn 52 hecta diện tích với khối lượng 515.000 m3 đất bị ô nhiễm và quá trình xử lý sẽ mất ít nhất 10 năm.
Chi phí dự kiến để xử lý ô nhiễm dioxin tại đây là 390 triệu USD, nguồn vốn từ hỗ trợ của Chính phủ Mỹ và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.
Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và Quân chủng Phòng không - Không quân đã ký hợp tác cho Dự án tổng thể xử lý triệt để dioxin tại sân bay Biên Hòa. Giai đoạn một dự kiến sẽ xử lý 150.000 m3 đất từ nay đến năm 2025, với khoản hỗ trợ 183 triệu USD từ chính phủ Mỹ và 110 tỷ đồng vốn đối ứng của Việt Nam.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, cho biết dự án tẩy độc sân bay Biên Hòa là một trong những dự án quy mô nhất thế giới và các đơn vị thực hiện sẽ gặp phải nhiều khó khăn, thách thức về khoa học công nghệ, quy trình và nguồn vốn. "Dự án sẽ cần sự hợp tác kiên trì, bền bỉ, khoa học để xử lý triệt để," Thượng tướng phát biểu tại buổi lễ.
Tuy nhiên, với kinh nghiệm xử lý dioxin tại sân bay Đà Nẵng, cả hai phía Mỹ và Việt Nam đều tự tin về khả năng hoàn thành dự án mới.
Dự án tại sân bay Đà Nẵng hoàn thành cuối năm ngoái, xử lý và cô lập 140.000 m3 đất trên diện tích 32,8 hecta. Dự án tại Biên Hoà dự kiến sẽ dùng lại phương pháp khử hấp thụ nhiệt.
Thượng Nghị sĩ Patrick Leahy, người cùng Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh khởi động dự án Đà Nẵng năm 2012, cho rằng việc tẩy rửa dioxin tại Biên Hoà sẽ có các thử thách mới. "Nhưng dù gặp bất kỳ khó khăn nào, các nhà khoa học của Mỹ và Việt Nam sẽ vượt qua được," ông nói.
Đại sứ Mỹ Daniel Kritenbrink cũng tin vào viễn cảnh thành công của dự án, nhờ cam kết mạnh mẽ của hai nước. Ông đánh giá dự án thể hiện một "nỗ lực lịch sử" của hai cựu thù nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh.
Dự án được khởi động sau khi Tổng thống Donald Trump khẳng định cam kết hỗ trợ trong chuyến thăm Việt Nam vào tháng 11/2017. Ông James Mattis, khi đó là Bộ trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ, cũng có chuyến thị sát sân bay tháng 10 năm ngoái nhằm báo cáo về khả năng thực hiện dự án.
Cũng trong sáng nay tại Đồng Nai, đoàn chín Thượng nghị sĩ Mỹ đã tham gia lễ ký bản ghi nhận ý định với mục tiêu cải thiện chất lượng cuộc sống cho người khuyết tật ở 7 tỉnh mục tiêu tại Việt Nam là Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam, Bình Định, Đồng Nai, Bình Phước và Tây Ninh.
Trong năm năm tới, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) và Văn phòng Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn và chất độc hóa học sau chiến tranh ở Việt Nam (Văn phòng 701) sẽ phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế, và các tỉnh nói trên để cung cấp các dịch vụ chăm sóc trực tiếp, tăng cường năng lực cho hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng và phát triển các dịch vụ xã hội ở cấp cộng đồng.
Đoàn Thượng nghị sĩ Mỹ trong tuần cũng đã đến thăm Hà Nội, Huế và dự kiến gặp Bí thư Thành uỷ TP HCM Nguyễn Thiện Nhân.
(Theo VnExpess)