Lễ phát động chiến dịch phòng, chống đuối nước cho trẻ em tỉnh Yên Bái năm 2019 là một trong những hoạt động truyền thông nhằm thay đổi, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng, chống đuối nước trẻ em.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em tỉnh Yên Bái cho biết, thời gian qua, Sở LĐTB&XH đã đẩy mạnh phối hợp với các sở, ngành tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình Ngôi nhà an toàn, Trường học an toàn và Cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích nhằm loại bỏ các nguy cơ đuối nước cho trẻ em.
"Chúng tôi sẽ tổ chức các chiến dịch truyền thông, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động các gia đình thường xuyên quan tâm, giám sát trẻ em, đặc biệt là trong thời gian nghỉ hè, mùa mưa, bão; phổ biến rộng rãi kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước, kỹ năng sơ cấp cứu trẻ em bị đuối nước cho mạng lưới y tế cơ sở và đội ngũ cộng tác viên phòng, chống tai nạn, thương tích tại cộng đồng” - bà Hà nói.
Năm 2019, thực hiện Quyết định số 1536 của Bộ LĐTB&XH phê duyệt tổng thể Dự án "Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng chống đuối nước cho trẻ em tại Việt Nam”, theo đề nghị của Sở LĐTB&XH tỉnh Yên Bái, UBND tỉnh đã xây dựng kế hoạch Dự án Hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng chống đuối nước cho trẻ em tại tỉnh Yên Bái.
Theo đó, trẻ em thuộc 15 xã của 3 huyện Văn Yên, Lục Yên và Yên Bình sẽ được phòng ngừa, can thiệp về phòng chống đuối nước. Đặc biệt, trẻ em dưới 5 tuổi được giám sát an toàn, trẻ em từ 6 đến dưới 15 tuổi sẽ được học bơi và nâng cao kỹ năng an toàn trong môi trường nước.
Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em trên địa bàn toàn tỉnh hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn. Hàng năm, Yên Bái có khoảng 20 vụ trẻ em tai nạn đuối nước thương tâm.
Chia sẻ về công tác phòng, chống tai nạn đuối nước cho trẻ em huyện Yên Bình, ông Đặng Thanh Hải – Trưởng phòng LĐTB&XH huyện cho biết: "Việc phòng, chống tai nạn đuối nước ở các địa phương, nhất là các xã vùng ven hồ Thác Bà của huyện gặp nhiều khó khăn. Dù đã tuyên truyền vận động rất nhiều nhưng do địa hình, tập quán, điều kiện kinh tế hạn chế, thời tiết khí hậu lại ngày một nóng lên nên vẫn còn tồn tại tình trạng trẻ em tắm suối, ao, hồ”.
Hiện nay, nhận thức của các gia đình, cộng đồng với công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em chưa đầy đủ, phần nào còn xem nhẹ; một bộ phận xã hội chưa thật sự quan tâm nhiều đến trẻ em và các hoạt động trợ giúp chưa thật sự mang tính xã hội hóa cao; một số nơi vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số mọi hoạt động tắm, giặt… của trẻ em đều diễn ra trên các con sông, suối.
Trong khi đó, nhiều phụ huynh do tập trung vào công việc nên buông lỏng việc quản lý, để các em tự do vui chơi nên khi xảy ra tai nạn đuối nước thường không nhận được sự ứng cứu kịp thời. Mặt khác, việc thiếu các điểm vui chơi giải trí cho trẻ em, nhất là vào dịp hè cũng là một khó khăn…
Thực trạng này đòi hỏi các cấp chính quyền cần có biện pháp quyết liệt hơn nhằm nâng cao ý thức bảo vệ, chăm sóc trẻ. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành cần có sự chung tay của toàn xã hội; phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa gia đình, nhà trường và chính quyền, đoàn thể, địa phương để góp phần hạn chế tai nạn thương tâm cho trẻ em.
Lê Thương