Xin kể câu chuyện gia đình mình qua một ngày thường nhật. 6 giờ sáng, tôi uể oải ra khỏi giường, những cốc bia, ly rượu tối qua vẫn còn hành hạ, tập qua quýt bài thể dục rồi vệ sinh, mặc đồ đi thẳng ra quán ăn nhẹ, uống ly cà phê.
Vợ tôi không ăn sáng, cô ấy dành tất cả thời gian đầu giờ cho việc tập thể dục nhịp điệu, trang điểm và lựa chọn cái váy nào, đôi giày và cái túi xách nào cho phù hợp với ngày hôm nay. Cậu con trai thì khác, chuông báo thức đổ ít nhất 2 lần mới lồm ngồm dậy, vệ sinh, mặc đồ rồi phóng đến trường.
Cả ba thành viên làm việc và học tập không xa nhà nhưng buổi trưa tất cả đều ăn tập thể hoặc tự lo những bữa ăn nhanh, thôi thì thời gian buổi trưa không dài, đi lại vất vả lại, còn hôm mưa, hôm nắng, ăn ở nơi học tập và làm việc cũng là sự lựa chọn của nhiều gia đình. Riêng bữa tối là lúc quần tụ mọi thành viên nên phải cố gắng duy trì.
Thật tiếc! Đó chỉ là ý tưởng tốt đẹp thôi, còn thực tiễn diễn ra rất khác. Bản thân tôi chưa gương mẫu, chiều hay bỏ cơm nhà vì khách khứa, tiệc tùng, bình thường thì cũng hay tạt té quán bia để bù khú bạn bè nên rất hay bỏ bữa tối cùng vợ con, có ngồi vào mâm cũng chỉ gọi là ngồi lấy lệ.
Vợ tôi - một người phụ nữa nấu ăn rất ngon, tôi yêu và cưới một phần vì cái nết ấy nhưng mấy năm trở lại đây cô vợ tôi bỗng… ngại vào bếp. Lý do thì có nhiều, trong đó có những chuyện như cô ấy ăn kiêng để giữ dáng, chiều đến cô phải tập trung cho việc tập thể dục, đi mua sắm hoặc thăm thú bạn bè. Vợ tôi còn tỏ ra rất tâm đắc với lời khuyên trên truyền hình và mạng xã hội rằng: "Phụ nữ đừng có lao vào bếp, phải biết buông bỏ và vượt lên”.
Thay vì vào bếp chế biến món ngon cho cả gia đình, cô ấy chuyển sang mua đồ ăn sẵn, duy trì tuần hai buổi qua siêu thị mua một loạt về cho vào tủ lạnh là xong. Bữa cơm tối là thời điểm đầm ấm nhất nhưng phần lớn người ăn trước, người ăn sau, có ngồi vào cùng nhau thì mỗi người cái điện thoại để trả lời tin nhắn, đang dở cuộc trò chuyện với bạn bè…
Nhân thể nói thêm về cái điện thoại và những công dụng của nó. Đúng là điện thoại thông minh vô cùng tiện ích. Nó thu hẹp mọi khoảng cách về địa lý nhưng cũng đẩy người ngồi sát gần, nằm chung gối, đắp chung chăn ra rất xa.
Có lẽ giống như rất nhiều gia đình khác, các thành viên trong gia đình tôi ít trò chuyện với nhau ngay cả lúc ngồi ăn cơm, ngồi quây quần bên bàn trà, thậm chí là lên giường rồi vẫn facebook, zalo… chỉ buông điện thoại ra khi mắt không thể mở được nữa, thậm chí tay còn cầm chiếc điện thoại trong lúc ngủ.
Vào ngày nghỉ, lẽ ra nên có những buổi sinh hoạt chung cho đầm ấm nhưng có vẻ như những buổi cùng tập trung lau dọn nhà, chung sức làm mấy món ngon hoặc đưa nhau đi về quê, tới khu du lịch nào đó đã bắt đầu trở nên xa xỉ.
Chủ nhật là ngày ngủ bù của các thành viên, là ngày mẹ đi mua sắm, làm đẹp, là thú vui xem mấy bộ phim Hàn Quốc, phim bom tấn trên kênh HBO của con và chương trình thể thao của bố… May sao, nhà có đến 3 cái ti vi, nếu không thì chưa biết chia sẻ bằng cách nào.
Cũng chỉ vì cách sinh hoạt như đã kể trên mà cả ông bà hai bên nội ngoại chẳng bao giờ lên ở chơi với gia đình tôi quá đến một ngày. Khi có việc, cả nhà phải về quê thì mọi người đều rất… ngại.
Thuở bé, con trai tôi rất thích về quê để câu cá, trèo ổi, hái dưa… Giờ bắt nó về quê, nó phụng phịu, kiếm đủ mọi cớ. Vợ tôi vốn là người hiếu thảo với cha mẹ nhưng mỗi lần có việc về quê, tôi biết trong lòng kém vui. Tặng nhiều quà cho ông bà vui, cô ấy không tiếc nhưng phải nấu ăn, nhất là ngủ lại thì chắc hẳn cô ấy không muốn.
Tôi không phải là người cổ hủ, tôi cũng chưa già nua gì, tôi cũng không ủng hộ gia đình truyền thống… nhưng tôi nhận ra là gia đình tôi không còn là mái ấm, tổ ấm nữa, nó đã là "tổ nguội” từ lâu rồi. Biết làm sao đây? Tôi đang theo đuổi dòng suy nghĩ thì điện thoại tinh tinh báo tin nhắn: "Tối nay, anh có ăn cơm nhà thì chủ động nhé, em đi dưỡng da mặt về muộn, con cũng không ăn đâu, nó ăn quà rồi đi học thêm luôn – vợ yêu”.
Ngẩng lên, thấy căn nhà trống vắng quá, chưa biết trả lời vợ thế nào thì điện thoại lại đổ chuông: "Alo! Tối nay quán cây bàng nhé! Thằng Béo vừa đi nghỉ mát về, có món đặc biệt”.
Tấn Đạt