Bằng cách quan sát, nói chuyện, chia sẻ thông tin, tư vấn và tháo gỡ khó khăn, mô hình vãng gia đã và đang giúp đỡ cho 114 trẻ có nguy cơ bị tổn thương được can thiệp, tiếp cận các dịch vụ phù hợp, tạo môi trường sống tốt hơn để trẻ được chăm sóc và bảo vệ.
Chị Cầm Thị Cỏn ở thôn Thiêng Đình, xã Hạnh Sơn vốn là người chậm chạp, kinh tế gia đình khó khăn, 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào tiền làm thuê ít ỏi từ chồng. Bởi vậy, 3 đứa trẻ luôn trong tình trạng thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tình cảm và sự dạy dỗ. Nắm được hoàn cảnh, cán bộ vãng gia đã đến thăm hỏi, lắng nghe, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của gia đình, đặc biệt là trẻ nhỏ về những khó khăn, nhu cầu.
Cháu Ngọc Thị Luân - con gái lớn của chị Cỏn tâm sự: "Được các cô chú lắng nghe ý kiến, nguyện vọng của mình, con vui lắm. Vốn dĩ con chỉ dám ước mơ thôi nhưng giờ đây, những điều ước ấy đã thành sự thật. Gia đình con được giúp đỡ làm căn nhà mới và 1 con trâu, bố con đã uống ít rượu, không mắng chửi mẹ con con nữa. Con còn được mua đồ dùng phục vụ học tập, trong bữa ăn hàng ngày đã có thêm thịt, cá”.
Được biết, qua rà soát năm 2018, xã Hạnh Sơn có khoảng 1.500 trẻ dưới 16 tuổi, trong đó có 52 trẻ có nguy cơ hoặc đang bị tổn thương. Đến nay, sau khi mô hình vãng gia tiếp cận vào địa phương, trên 30 trẻ đã được giải quyết, thoát khỏi nguy cơ bị tổn thương; những trẻ còn lại sẽ tiếp tục được mô hình kết nối trợ giúp trong thời gian tới.
Mô hình vãng gia thực chất là trực tiếp thăm hỏi từng hộ gia đình với mục đích làm quen, tạo sự tin cậy, tìm hiểu thu thập thông tin chi tiết về các thành viên, đặc biệt là trẻ em trong gia đình từ điều kiện kinh tế, môi trường sống cho đến những vướng mắc mà trẻ và gia đình đang gặp phải, xây dựng kế hoạch giải quyết.
Trước đó, những cuộc khảo sát riêng rẽ giữa người lớn và con trẻ ở từng thôn được triển khai nhằm tìm ra vấn đề, những mối nguy hiểm, khó khăn mà từng đối tượng đang gặp phải. Từ đó, các chuyến trực tiếp thăm hỏi của cán bộ hướng dẫn là cán bộ lao động - thương binh và xã hội, hội phụ nữ cấp xã, cán bộ vãng gia (trưởng thôn, nhân viên y tế thôn, bản) và trưởng ban bảo vệ trẻ em cấp xã được tổ chức định kỳ.
Anh Hoàng Văn Hải - Phó Chủ tịch UBND xã Phúc Sơn cho biết: "Những buổi tiếp cận đầu tiên với các gia đình, đa phần trẻ em bị động trong các mối quan hệ, giao tiếp như: hỏi thì trả lời, không dám thể hiện cảm xúc, ý kiến về quyền lợi của mình. Sau nhiều lần tiếp xúc, trẻ và gia đình trẻ đã dần tin tưởng, mạnh dạn hơn, dám nói về cảm xúc và mong muốn của riêng mình. Từ đó, có những sự can thiệp, kết nối trợ giúp trực tiếp hoặc gián tiếp phù hợp”.
Đó có thể là được trợ giúp thụ hưởng chính sách trợ giúp xã hội, được nhận bảo trợ hàng tháng tại cộng đồng, được kết nối làm nhà ở, hỗ trợ sinh kế, cải thiện điều kiện sống, cung cấp kiến thức chăm sóc, bảo vệ trẻ…
Hiện nay, 100% các thôn, bản tại 3 xã Dự án "Chấm dứt bạo lực ở trẻ em” ở Văn Chấn đã có mạng lưới vãng gia với tổng số 28 cán bộ. Với cách tổ chức bài bản, mỗi cán bộ vãng gia ở thôn, bản đã trở thành một nhân viên công tác xã hội chuyên nghiệp. Nếu mô hình được nhân rộng tại các thôn, bản trên địa bàn huyện, sẽ góp phần xây dựng mạng lưới cộng tác viên công tác xã hội rộng khắp, lan tỏa sứ mệnh giảm thiểu những rào cản, những bất công và sự bất bình đẳng giữa con người, trao quyền cho họ để tiến đến công bằng xã hội.
Hoài Anh