Năm 2009, công trình cấp nước sinh hoạt xã Y Can, huyện Trấn Yên đã được đưa vào khai thác, sử dụng phục vụ cấp nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho 880 hộ gia đình và 18 điểm dùng nước công cộng, trong đó có 2 trường tiểu học, 1 trường mầm non, 1 trạm y tế, 1 bưu điện, 1 trụ sở UBND xã và 12 nhà văn hóa thôn. Công trình được đặt tại thôn An Hòa và nguồn nước lấy từ khe nước Vàng.
Những năm đầu, công trình hoạt động khá tốt, đáp ứng đủ nhu cầu sử dụng nước sạch của nhân dân địa phương. Người dân nơi đây rất vui mừng khi các cấp, các ngành quan tâm, đầu tư xây dựng công trình phục vụ nhu cầu dùng nước sạch của họ.
Ông Trần Đình Lâm nhà ở ngay chân đồi nơi có công trình cấp nước hợp vệ sinh cho biết: "Khi nước sạch được dẫn về nhà, không chỉ riêng gia đình tôi mà nhiều hộ dân ở các thôn ai cũng vui mừng, bởi không còn phải vất vả đi bộ vài cây số vào tận các khe nước, khe suối kéo nước về nhà mà vẫn không đủ dùng”.
Thế nhưng, niềm vui ấy của người dân địa phương chỉ tồn tại trong vài năm thì nước sạch trở nên hiếm hoi và bắt đầu chảy nhỏ giọt. Từ năm 2016 đến nay, hoạt động cấp nước của xã không đảm bảo thông suốt, liên tục, gây nhiều khó khăn cho người dân.
Trong đó, vào thời điểm mùa nắng nóng, khô hạn và những ngày mưa kéo dài, lượng nước cung cấp cho người dân bị thiếu hụt.
Nguyên nhân do công trình cấp nước tại xã xây dựng lâu năm, hệ thống ống dẫn nước đặt ngầm dưới đất xuống cấp, nhiều chỗ rò rỉ nước, một số đoạn ống bị vỡ, tắc nghẽn dẫn đến việc nước không thể kéo được tới các hộ dân. Không còn được sử dụng nước hợp vệ sinh, ngoài cách dẫn nước truyền thống, bà con đành tiết kiệm, vay mượn nhau mua ống nhựa tự kéo nước từ các khe nước, khe suối về, tự xây bể chứa nước.
Một số gia đình chọn cách khoan giếng để lấy nước. Tuy nhiên, những nguồn nước này không qua xử lý, lắng lọc nên bị ô nhiễm. Nước từ giếng khoan thì màu ố vàng, có cặn vôi và mùi tanh. Vẫn biết nguồn nước không đảm bảo nhưng họ không còn lựa chọn nào khác, bởi nhu cầu nước cần thiết cho từng ngày.
Trước tình hình đó, UBND xã Y Can đã đề xuất với tỉnh xin xây dựng công trình sửa chữa cấp nước sinh hoạt và được UBND tỉnh phê duyệt vào ngày 26/10/2017. Công trình được khởi công từ ngày 5/3/2018 và hoàn thành ngày 5/3/2019 với tổng mức đầu tư trên 10,5 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng là trên 8,2 tỷ đồng, chi phí thiết bị là 107 triệu đồng, còn lại là các chi phí khác.
Nguồn vốn đầu tư từ vốn vay Ngân hàng Thế giới (WB), vốn đối ứng từ ngân sách địa phương, vốn huy động của nhân dân và các nguồn vốn hợp pháp khác. Công trình cấp nước mới có công suất nước 320 m³/ngày, đêm, gấp đôi so với công trình cũ, đường ống dẫn nước chính dài 15 km, kéo xa hơn so với thiết kế cũ 5 km. Công trình nước sinh hoạt hợp vệ sinh của xã hoạt động trở lại giúp các hộ gia đình tại 12 thôn vơi bớt mối lo tìm nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
Ông Nguyễn Thanh Tuyến - Phó Chủ tịch UBND xã Y Can cho biết: "Trước kia, tại các thôn, kinh phí đóng góp của người dân sử dụng nước không thu được đều và địa phương cũng không có kinh phí hỗ trợ nên công tác duy tu, bảo dưỡng công trình cấp nước không được thực hiện kịp thời. Để khắc phục tình trạng này và tìm ra hướng đi mới cho hoạt động cấp nước nông thôn, bắt đầu từ năm nay, xã đã mạnh dạn thay đổi hình thức cấp nước từ bể chứa tập trung sang trụ vòi có lắp đồng hồ. Bên cạnh đó, xã tổ chức các lớp tập huấn cho tổ quản lý vận hành công trình; xuống từng hộ dân lấy ý kiến về mức thu, chi, quản lý, vận hành, trách nhiệm cá nhân và thống nhất mức chi, ký hợp đồng sử dụng nước đối với từng hộ cụ thể với mức thu 3.300 đồng/m3 nước”.
Đến thời điểm hiện tại, sau 1 tháng thu tiền sử dụng nước, xã đã có gần 80% hộ dân chấp hành nộp đúng thời hạn, đó cũng là bước tiến lớn so với thời gian đầu.
Việc nâng cấp sửa chữa hệ thống cấp nước của xã Y Can đã góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân trên địa bàn. Tính đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ người dân nông thôn trên toàn xã được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đã đạt khoảng 99%.
Hải Hà