“Làm lại cuộc đời” nhờ thuốc thay thế Methadone

  • Cập nhật: Thứ hai, 26/8/2019 | 8:16:42 AM

YênBái - Được triển khai đưa vào hoạt động từ cuối năm 2013, đến nay, Dự án triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại Yên Bái được đánh giá mang lại hiệu quả. Dự án đã đem lại hy vọng làm lại cuộc đời, hòa nhập cộng đồng cho những người nghiện ma tuý, mang lại niềm hạnh phúc cho nhiều gia đình, đáp ứng sự mong chờ của xã hội.

Bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.
Bệnh nhân điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone.

Cơ sở điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone thành phố Yên Bái đặt tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh. 7 năm nay, từ 7 giờ sáng hàng ngày, đội ngũ nhân viên y tế tại đây đón tiếp, điều trị cho người nghiện. 

Bệnh nhân được khám và theo dõi sức khỏe trước và sau khi uống thuốc, được tư vấn các việc nên làm, không nên làm trong quá trình điều trị. Đa số các bệnh nhân tham gia điều trị đều thực hiện đúng nội quy: không uống rượu, bia trước khi đến uống Methadone, không sử dụng các loại ma túy trong quá trình điều trị, tuân thủ uống thuốc đúng giờ và giữ trật tự ở điểm phát thuốc.

Anh Nguyễn Văn M, 50 tuổi ở phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái tham gia điều trị tại cơ sở Methadone thành phố Yên Bái chia sẻ: "Tôi nghiện ma túy nhiều năm, thử nhiều phương pháp cai nghiện nhưng đều không hiệu quả. Được tuyên truyền về tác dụng cai nghiện bằng Methadone, tôi đã làm hồ sơ đăng ký tham gia với hy vọng từ bỏ được ma túy. Đến cơ sở uống Methadone thành phố Yên Bái, tôi được cán bộ y tế làm các thủ tục xét nghiệm, tư vấn, phát thuốc rất nhiệt tình, chu đáo. Uống Methadone, tinh thần tôi tỉnh táo, thoải mái, tăng cân và dứt hẳn không sử dụng ma túy nữa. Được gia đình, anh em giúp đỡ, sẵn nghề sửa chữa xe máy trong tay, tôi mở một của hàng sửa chữa nhỏ kiếm nhu nhập, làm lại cuộc đời”. 

3 năm nay, sáng nào anh Lê Văn T, ở thị trấn Mậu A, huyện Văn Yên cũng có mặt tại cơ sở điều trị Methadone An Bình, huyện Văn Yên để uống Methadone. Gần chục năm nghiện ma túy, từng vật vã cai nghiện nhiều lần, anh T vẫn không thể thoát được ma lực của hêrôin. Tuy nhiên, sau một thời gian điều trị bằng Methadone, anh T đã cắt được cơn nghiện. 

Anh T chia sẻ: "Nếu nói Methadone đã cứu cuộc đời tôi thì cũng không quá. Nghiện ma tuý nhiều năm, cứ cai lại nghiện, từng vào tù ra tội vì trộm cắp, đã có những ngày sống bất cần. Lấy dấu mốc năm 2017, tôi như được sinh ra lần thứ hai, được các cán bộ cơ sở điều trị Methadone An Bình, huyện Văn Yên tuyên truyền, động viên tôi tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone. Sau khi điều trị, tôi không còn cảm giác thèm ma túy, thấy khỏe hơn nhiều. Hiện nay, tôi đang chạy xe ôm kiếm tiền tự nuôi sống bản thân. Trước đây, cai nghiện là một bài toán khó đối với bản thân tôi, nhưng nhờ có Methadone không chỉ tôi, mà hàng ngàn con người đã tìm được lời giải cho cuộc đời mình”. 

Đó chỉ là 2 trong số hơn 1.000 trường hợp tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỉnh Yên Bái. Khởi liều điều trị cho gần 30 bệnh nhân, đến nay, toàn tỉnh có 1.033 bệnh nhân tham gia điều trị, đạt 86% chỉ tiêu được giao. 

Trong hai năm đầu, toàn tỉnh chỉ có một cơ sở điều trị tại thành phố Yên Bái, khiến cơ sở này luôn trong tình trạng quá tải và nhiều người bệnh gặp khó khăn về đi lại để điều trị, khiến cho bệnh nhân bỏ liều. 

Thực hiện sự chỉ đạo của UBND tỉnh và Sở Y tế, hiện toàn tỉnh đã xây dựng thêm 7 cơ sở điều trị Methadone tại các huyện, thị xã, thành phố tạo điều kiện cho người bệnh yên tâm điều trị. Với sự vào cuộc, nỗ lực của các cấp các ngành, của đội ngũ cán bộ quản lý, những cán bộ làm công tác điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tại cơ sở đã mang lại hiệu quả là người nghiện giảm và tiến tới dừng sử dụng ma túy, không còn nhu cầu bức bách kiếm tiền để mua ma túy nên giảm được tội phạm và giảm bạo lực gia đình, họ có khả năng lao động và tạo thu nhập, sống hòa nhập với gia đình và cộng đồng. 

Trước khi tham gia điều trị, 100% người nghiện sử dụng hêrôin, sau điều trị tỷ lệ sử dụng giảm còn 15,87%. Trước khi điều trị, hầu hết bệnh nhân có tần suất sử dụng rất cao với 48,5% bệnh nhân sử dụng 5 lần/ngày, 45,1% bệnh nhân sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ 6,3% bệnh nhân sử dụng với tần suất 1-2 lần/ngày. Sau điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng 2 lần/ngày trở lên và tần suất sử dụng trong nhóm bệnh còn tiếp tục sử dụng chỉ còn 2-3 lần/tháng, có trường hợp ngưng hẳn sử dụng hêrôin. 

Bệnh nhân cũng giảm đáng kể các hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV do giảm số lần sử dụng bơm kim tiêm. Điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone trên địa bàn tỷ lệ bệnh nhân có hành vi vi phạm pháp luật đã giảm từ 40,8% xuống còn 1,34%. Mâu thuẫn trong gia đình, xã hội cũng giảm mạnh khi tỷ lệ bệnh nhân có các hành vi bán, cầm cố đồ đạc để có tiền sử dụng ma túy giảm từ 90,3% trước điều trị xuống còn 2,27%. Từ chỗ có tới 90% bệnh nhân không có việc làm khi tham gia điều trị, tỷ lệ bệnh nhân có việc làm đạt 40%...

Bác sỹ chuyên khoa II Phan Duy Tiêu - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone tỉnh khẳng định: "Dự án điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone triển khai mang lại hiệu quả. Bệnh nhân đã giảm tần suất sử dụng ma túy dẫn đến giảm các hành vi tội phạm liên quan đến ma túy; giảm tỷ lệ tử vong do dùng ma túy quá liều, đồng thời giúp tăng hiệu quả điều trị HIV bằng thuốc kháng virút ARV, giảm nguy cơ lây nhiễm HIV. Dự án đã góp phần đảm bảo trật tự, an toàn xã hội”.

Thu Hiền

Các tin khác
Màn trống hội mở màn đêm giao lưu nghệ thuật.

Tối 25/8, Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái tổ chức đêm giao lưu nghệ thuật chào mừng thành công Đại hội Hội LHTN Việt Nam tỉnh Yên Bái khóa V, nhiệm kỳ 2019 – 2024 với chủ đề “Khát vọng tuổi trẻ”.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Lịch - Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy, Dương Văn Tiến - Phó chủ tịch UBND tỉnh tặng hoa chúc mừng nhà trường.

Sáng nay- 25/8, Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên đã tổ chức kỷ niệm 20 năm thành lập (1999-2019).

Nhiều chuyên gia, diễn giả đồng tình với việc đưa môn khoa học

Khoa học nghiên cứu về hạnh phúc tại Việt Nam đến nay hầu như còn bỏ trống. PGS. TS Lê Ngọc Văn (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam) bày tỏ tham vọng xây dựng môn khoa học có tên "Hạnh phúc" đưa vào các trường đại học, học viện ở Việt Nam.

Thầy trò Trường THPT Hồng Quang, huyện Lục Yên trong ngày hội trường. Ảnh Thanh Chi

Với phương châm hành động: “Đoàn kết, dân chủ, kỷ cương, chất lượng, đổi mới, yêu thương, an toàn, tôn trọng”, Trường THPT Hồng Quang trở thành ngôi trường chất lượng, đào tạo ra những học sinh tốt về đạo đức, giỏi về trí lực, mạnh khỏe về thể chất, có kỹ năng sống tốt; là nơi chắp cánh ước mơ cho học sinh, nơi giáo viên luôn có khát vọng vươn lên trong giai đoạn tới.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục