Thực hiện Nghị quyết số 48 của Bộ Chính trị về "Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, thời gian qua, Ban Cán sự đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo các sở, ngành chức năng, UBND cấp huyện quán triệt, triển khai thực hiện nghị quyết nghiêm túc, có hiệu quả tới 100% các tổ chức cơ sở đảng và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
Để việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 48 phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương, đơn vị, các sở, ngành chức năng và UBND các huyện, thị, thành phố đã tập trung vào việc nâng cao chất lượng xây dựng văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL), tổ chức thi hành pháp luật (THPL); củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đổi mới phương pháp và cải tiến lề lối làm việc; tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) cho cán bộ, đảng viên và nhân dân…
Giai đoạn 2005 - 2015, UBND tỉnh đã trình HĐND tỉnh ban hành 7 VBQPPL quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật; ban hành quy chế phối hợp trong công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL trên địa bàn tỉnh; ra quyết định bãi bỏ 10 VBQPPL do UBND tỉnh ban hành.
Giai đoạn 2005 - 2019, HĐND, UBND 3 cấp trong tỉnh đã ban hành 5.407 VBQPPL, gồm: 3.639 nghị quyết, 1.276 quyết định, 942 chỉ thị. Hầu hết các VBQPPL do HĐND, UBND các cấp ban hành có phạm vi điều chỉnh trên lĩnh vực quản lý nhà nước nên đã đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh tại địa phương; bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp và tính thống nhất, đồng bộ, minh bạch của hệ thống pháp luật.
Thực hiện công tác rà soát, hệ thống hóa VBQPPL, từ năm 2005 đến nay, UBND tỉnh đã chỉ đạo tổ chức hơn 30 đợt rà soát, trong đó tập trung chủ yếu vào việc rà soát các văn bản do UBND tỉnh ban hành như: quy định về kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh; các VBQPPL do HĐND, UBND tỉnh ban hành về bán đấu giá tài sản, đấu giá quyền sử dụng đất, cho thuê đất có thu tiền sử dụng đất; về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, phòng chống tham nhũng... Đặc biệt, đến nay, công tác áp dụng pháp luật đã được tỉnh quan tâm triển khai đồng bộ.
Việc thực hiện cơ chế "một cửa” và giải quyết thủ tục hành chính từ tỉnh đến cơ sở đều được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định. Bộ thủ tục hành chính đã được công khai trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh và niêm yết công khai tại các cơ quan, đơn vị và UBND các cấp.
Đối với việc tăng cường năng lực của các thiết chế xây dựng và thi hành pháp luật, UBND tỉnh đã đầu tư trang bị cơ sở vật chất và giao bổ sung biên chế, kiện toàn tổ chức bộ máy cơ quan tư pháp các cấp; kiện toàn, nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ luật sư, giám định viên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cải cách tư pháp. Hiện, toàn tỉnh có 52 giám định viên tư pháp, 15 luật sư, 10 công chứng viên, 5 đấu giá viên, 8 trợ giúp viên pháp lý.
Thực hiện công tác tuyên truyền PBGDPL cho nhân dân, từ năm 2010, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 06 phê duyệt Đề án "Tăng cường công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010 - 2015”; năm 2017 tiếp tục ban hành Quyết định số 10 phê duyệt Đề án "Nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2018 - 2021”.
Theo đó, UBND các cấp đã chỉ đạo cơ quan tư pháp cùng cấp phối hợp thực hiện phát hành gần 60 số Bản tin Tư pháp với số lượng gần 44.000 cuốn; 5 số Bản tin chuyên đề về an toàn giao thông và phòng, chống bạo lực gia đình; phát hành 108 tờ rời pháp luật; 14 bộ sách hỏi - đáp pháp luật; phát hành bổ sung trên 2.800 đầu sách pháp luật cho "Tủ sách pháp luật” của các sở, ngành, đoàn thể và UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Toàn tỉnh đã tổ chức trên 29.000 buổi tuyên truyền PBGDPL cho trên 2,5 triệu lượt người.
Với những kết quả đạt được, đây sẽ là nền tảng để việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam luôn bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai và minh bạch.
Hồng Oanh