Khi vụ cháy lớn ở Công ty cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông Hà Nội xảy ra không chỉ gây thiệt hại lớn về kinh tế mà còn để lại hậu quả không nhỏ về môi trường khi một lượng lớn thủy ngân (một loại hóa chất cực kỳ độc hại với sức khỏe con người đã bị phát tán ra ngoài) hay vô số những nhà máy phát thải độc hại ra môi trường đặt ngay trong nội thị trở thành nỗi khốn khổ của người dân xung quanh tại rất nhiều thành phố trên cả nước thì người dân Yên Bái mới dần hiểu rằng chúng ta đã rất may mắn vì tỉnh nhà đã đi trước một bước trong việc di chuyển các nhà máy sản xuất ra khỏi nội thị, sớm quy hoạch các khu công nghiệp tập trung… để thành phố ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp.
Đứng giữa khu đô thị đông vui, sạch đẹp thuộc phố Hồng Tiến, phường Hồng Hà (tổ 46 cũ) thành phố Yên Bái, lớp trẻ thuộc thế hệ 9x ở thành phố Yên Bái sẽ chẳng hình dung được khu đất này trước kia tồn tại một nhà máy chè đen công suất hàng chục tấn sản phẩm mỗi ngày. Ống khói đen ngòm phun lên trời xanh; bờ tường, mái tôn, hàng rào cũ kỹ bám đầy bụi bặm; xỉ than bừa bãi khắp nơi; tiếng ồn thâu đêm suốt sáng… nhất là khi chính vụ chè xanh.
Cách Nhà máy Chè Yên Bái không xa là một cơ sở sản xuất bia vi sinh - nơi nước thải lẫn tạp chất lên men ngày đêm mặc sức chảy ra cống rãnh, tạo thành một thứ mùi tổng hợp chua, tanh, hôi thối…
Một người dân kể lại: "Sống ở khu vực này, tôi hiểu rõ nỗi khổ của người dân nơi đây. Cửa kính đóng im ỉm 24/24 giờ mà không thoát khỏi bụi bặm và hôi thối. Giờ thì khác rồi, đường phố sạch sẽ, cây xanh ngả bóng, nhà cửa tươi mới mọc lên, chiều chiều trẻ già bách bộ trong tiếng chuông nhà thờ ngân nga”.
Những năm 1990 và đầu những năm 2000, Yên Bái là tỉnh nghèo, kém phát triển nhưng nhờ những "cái đầu” biết nghĩ xa nên tỉnh đã sớm có chủ trương di chuyển các nhà máy sản xuất, chế biến ra khỏi khu dân cư.
Có thể điểm tên rất nhiều nhà máy, công ty, xí nghiệp trước đây nằm ngay trong nội thị, giờ đã di chuyển tới khu công nghiệp hoặc đã bị giải tỏa như Công ty Chè Yên Bái đặt tại phường Hồng Hà, Công ty Chè Yên Ninh, Công ty Cơ khí và Xây lắp công nghiệp đặt tại phường Nguyễn Phúc, trước đó là Xí nghiệp Nhựa ở khu vực Km 4 thuộc phường Minh Tân và mới đây nhất là Công ty cổ phần Yên Sơn với ngành nghề gia công sản xuất giấy vàng mã cũng thuộc phường Minh Tân, thành phố Yên Bái.
Câu chuyện lớn ở đây chính là bài toán quy hoạch gắn liền với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội được cụ thể hóa bằng việc xây dựng các khu, cụm công nghiệp Đầm Hồng, Phía Nam, Âu Lâu… diện tích từ vài chục đến vài trăm héc-ta, đi kèm với nó là hạ tầng kỹ thuật như đường giao thông, đường điện và thu gom, xử lý chất thải.
Phải nói rằng, lĩnh vực chế biến khoáng sản, đặc biệt là nghiền bột đá vôi trắng canxi cacbonat thực sự là mũi nhọn trong sản xuất công nghiệp của Yên Bái nhờ lợi thế nguồn nguyên liệu lớn và được xác định là vào loại tốt nhất thế giới, nếu không có các khu công nghiệp thì chắc chắn sẽ chẳng bao giờ có các nhà máy chế biến của Mông Sơn, Nhựa Châu Âu, Nhựa An Phát, Khoáng sản Yên Bái… với tổng công suất và sản lượng hàng trăm nghìn tấn mỗi năm ra đời.
Cũng phải nói thêm rằng, không ít doanh nghiệp Yên Bái đã vì lợi ích chung của cả cộng đồng mà quên đi lợi ích của mình khi chấp nhận từ bỏ những khu "đất vàng” di chuyển nhà máy, văn phòng ra ven đô, về khu công nghiệp. Khi cái chung và cái riêng cùng hòa quyện vì mục đích lớn lao, vì tương lai tươi đẹp thì thành phố mới có những khu dân cư, khu đô thị sầm uất, những vườn hoa, công viên tươi xanh.
7 giờ sáng một ngày trung tuần tháng 9, người viết bài này chứng kiến một lượng người đông đảo đang ùn ùn qua cầu Yên Bái (thời điểm này mặt cầu Yên Bái đang sửa chữa, người và phương tiện chỉ được phép đi hai bên lan can) về phía Hợp Minh, Âu Lâu, phần lớn trong số họ là những nam, nữ công nhân đang làm việc tại Khu công nghiệp Âu Lâu, phía ngược lại chỉ lác đác, có lẽ chỉ bằng 1/10 số người từ ngoại vi vào nội thị. Hình ảnh ấy thật sự khác biệt so với bất kỳ đô thị nào trong nước nếu không muốn nói là khác xa tất cả các thành phố của các nước đang phát triển trên thế giới.
Yên Bái - thành phố đang phát triển từng ngày, sáng - xanh - sạch - đẹp là cảm nhận của du khách thập phương đến với Yên Bái và đó cũng là niềm tự hào của người dân thành phố miền núi này. Niềm tự hào ấy có được bởi nhiều nguyên nhân, trong đó có chủ trương thu hút các nhà đầu tư vào khu công nghiệp và từng bước di chuyển các nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở sản xuất ra khỏi nội thị.
Lê Phiên