Đồng chí Phạm Xuân Sơn - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Văn Yên cho biết: "Chúng tôi luôn xác định phải thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước đối với giáo viên, nhất là ở vùng đặc biệt khó khăn; chú trọng xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia, duy trì chuẩn kiến thức trong giảng dạy và tập trung nâng cao chất lượng đào tạo mũi nhọn; đầu tư cơ sở, vật chất, trang thiết bị dạy và học; đổi mới phương pháp, nội dung giảng dạy, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng sư phạm cho đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý”.
Đối với bậc tiểu học, Phòng GD&ĐT huyện tiếp tục giao quyền chủ động cho các đơn vị trường học xây dựng và thực hiện kế hoạch giáo dục; chủ động điều chỉnh nội dung dạy học hợp lý nhằm đáp ứng yêu cầu, mục tiêu giáo dục tiểu học phù hợp đối tượng học sinh; từng bước thực hiện đổi mới nội dung, phương pháp dạy học theo hướng phát triển năng lực của học sinh…
Thầy giáo Nguyễn Trọng Hiệp - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lâm Giang chia sẻ: "Chúng tôi đã tổ chức hiệu quả sinh hoạt chuyên môn tại các tổ, khối trong trường và các trường tiểu học trên địa bàn huyện. Trong đó, chú trọng đổi mới nội dung và hình thức thông qua hoạt động dự giờ, nghiên cứu bài học; tổ chức dạy học minh họa để phục vụ cho việc góp ý, trao đổi kinh nghiệm và đưa ra giải pháp cải tiến nội dung và hình thức tiết học, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường”.
Riêng khối THCS, Phòng GD&ĐT huyện tăng cường đổi mới hình thức, phương pháp, kỹ năng dạy học và kiểm tra, đánh giá theo định hướng phát triển năng lực học sinh; đổi mới cơ chế quản lý chuyên môn; sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn; tăng cường điều kiện bảo đảm chất lượng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học; tổ chức hoạt động nghiên cứu khoa học và tham gia các cuộc thi.
Đồng thời, chú trọng giáo dục đạo đức, rèn luyện kỹ năng sống, hiểu biết xã hội, thực hành pháp luật; tổ chức các hoạt động giúp học sinh vận dụng kiến thức liên môn vào giải quyết các vấn đề thực tiễn. Đơn cử, Trường THCS An Thịnh, nhờ tích cực đổi mới và áp dụng các hình thức tổ chức dạy học tiên tiến như hoạt động giáo dục và tổ chức, quản lý lớp học theo mô hình VNEN; phương pháp "Bàn tay nặn bột”; dạy học Mỹ thuật theo phương pháp Đan Mạch… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, kích thích đam mê, tìm tòi, khám phá của học sinh.
Văn Yên hiện có 64 trường với 1.024 nhóm, lớp và 31.824 học sinh. Trong đó, 24 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 39,3% tổng số trường học trên địa bàn huyện; tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn về trình độ chuyên môn là 84,5%...
Năm học 2019 - 2020, Phòng GD&ĐT huyện tiếp tục thực hiện Đề án sắp xếp quy mô, mạng lưới trường, lớp đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông giai đoạn 2016 - 2020 một cách phù hợp; quy mô trường lớp ở các cấp học tiếp tục được rà soát, sắp xếp lại.
Đồng chí Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết: huyện Văn Yên đã và đang quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư cho GD&ĐT, đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục; tăng cường các giải pháp đẩy mạnh thu hút các nguồn tài trợ từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư vào giáo dục; tập trung mọi nguồn lực để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia ở các cấp học theo lộ trình; xây dựng được đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục có năng lực, trình độ chuyên môn đạt chuẩn và có phẩm chất đạo đức tốt. Đồng thời, giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ và thực hiện tốt công tác kiểm định chất lượng, gắn với xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia...
Trần Ngọc