Căn cứ buộc tội cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang

  • Cập nhật: Thứ sáu, 18/10/2019 | 2:29:37 PM

Viện Kiểm sát hôm nay công bố nhiều tin nhắn của cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Triệu Thị Chính để phản bác lời chối tội của bị cáo này.

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang.
Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Hà Giang.

Sáng 18/10, phiên sơ thẩm xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT 2018 bước vào ngày làm việc thứ năm với phần tranh luận.

Bà Triệu Thị Chính (cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) cùng ba luật sư bào chữa đã tranh luận hơn hai giờ với hai vị đại diện VKS. Trong phiên tòa này, bà Chính bị VKS đề nghị phạt hai năm đến hai năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng với người khác để trục lợi, điều 358 Bộ luật Hình sự 2015.

Theo cơ quan công tố, ngày 28/6-1/7/2018, bà Chính (khi đó là Phó chủ tịch Hội đồng thi, Trưởng ban chấm thi kỳ thi THPT quốc gia 2018) gặp Nguyễn Thanh Hoài (Trưởng phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng giáo dục) và đưa tờ giấy ghi thông tin của 13 thí sinh để nhờ nâng điểm môn Ngữ văn. Ông Hoài đồng ý nhưng quá trình chấm thi vẫn chưa thể can thiệp nâng điểm vì ngày 7/7/2018 Vũ Trọng Lương (Phó phòng Khảo thí) bị phát hiện vận chuyển bài thi trắc nghiệm sai quy chế, khiến thanh tra giám sát chặt chẽ hơn trong quá trình ghép phách.

Kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) thể hiện trong điện thoại của bà Chính có nội dung tin nhắn với một số người đã nhờ giúp đỡ thí sinh. Cơ quan chức năng cho biết, ngoài căn cứ nêu trên, hành vi phạm tội của cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang còn được chứng minh bằng lời khai của những người có liên quan, dữ liệu điện tử trong hồ sơ vụ án.

Sáng nay, bà Chính cùng nhóm luật sư đã đưa ra nhiều lập luận chứng minh bà chỉ nhận xem điểm cho 13 thí sinh, không có khả năng thực hiện việc gian lận, nâng điểm thi.

Cầm tài liệu, tay vung theo nhịp điệu, bà Chính: "Hôm nay, tôi đứng đây, dù toà tuyên tội tôi như thế nào, tôi cũng ngẩng cao đầu nói với toàn nước Việt Nam: Tôi không phạm tội. Tôi sai, tội chịu. Tôi tin tưởng vào sự phán quyết của tòa, ở các cơ quan pháp luật của tỉnh".

Cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị Viện Kiểm sát chỉ rõ tất cả ai đã nhắn tin nhờ bà giúp đỡ, theo căn cứ cáo buộc. "Tôi không liên hệ với bất kỳ người nào, tin nhắn có chỗ nào thể hiện tôi nhận hoặc đòi lợi ích vật chất hoặc phi vật chất? Nếu cơ quan tố tụng không chứng minh được điều này, sao lại buộc tội tôi?".

Ba luật sư cũng cho rằng không có đủ chứng cứ vật chất để kết tội thân chủ. Các luật sư cùng bà Chính đều đề nghị cơ quan công tố chứng minh lợi ích phi vật chất mà bị cáo có thể nhận từ những người nhờ giúp.

Tuy nhiên, đại diện VKSND tỉnh Hà Giang lại đưa ra nhiều căn cứ để chứng minh điều ngược lại. VKS cho hay căn cứ công văn do Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam cung cấp cùng kết luận giám định của Viện Khoa học hình sự, từng tin nhắn đi đến giữa bà Chính và một số phụ huynh có con nằm trong danh sách 13 thí sinh đều diễn ra trước kỳ thi, hoặc trong thời gian chấm thi.

Công tố viên đọc nội dung tin nhắn đầu tiên gửi đến vào chiều 29/6/2018: "Bạn à, mình là Nga ở Sở Tài chính, mình có đứa cháu vừa thi 12. Bạn giúp mình với nhé". Tin nhắn tiếp theo của bà Nga gửi là tên, số báo danh, phòng thi, môn thi của thí sinh, số chứng minh thư...

Tiếp tục trong chiều hôm đó, bà Nga nhắn: "Bạn thông cảm nhé, mình biết đang chấm thi căng thẳng nên không dám gọi điện, chỉ dám nhắn tin. Cảm ơn bạn nhiều".

Trong tin nhắn hồi 8h30 ngày 1/7/2018, bà Chính trả lời: "Hôm nay em mới đọc tin nhắn. Vâng chị ơi em đang làm thi, tối cũng phải ăn cơm cùng đoàn thanh tra Bộ... Em sẽ cố gắng xem xét môn thi tự luận. Khó khăn lắm chị ạ. Thương các cháu Hà Giang mình. Nhưng quy chế chặt chẽ, thanh tra giám sát liên tục, lại chấm bằng máy nữa... có gì chị thông cảm cho em nhé".

15 phút sau, bà Nga tiếp tục gửi tin: "Chị cám ơn nhé. Em cứ xem xét, giúp được đến đâu hay đến đó. Chị biết mà". 8h57 bị cáo Chính trả lời: "Dạ em cảm ơn chị. Em sẽ cố gắng trong khả năng".

Căn cứ tiếp được Viện Kiểm sát nêu là nội dung tin nhắn của ông Lương Tiến Dũng (Phó bí thư Huyện ủy Bắc Quang). 7h22 ngày 24/6/2018 số điện thoại của ông Lương Tiến Dũng gửi tin: "Chị ơi, con gái em thi Học viện Tư pháp, em nhờ chị giúp cháu nó với nhé. Cả năm lớp 12 cháu đều đạt học sinh giỏi, vừa rồi thi học sinh giỏi văn cấp tỉnh cháu đạt giả ba. Nhưng em vẫn chưa an tâm lắm nên em nhờ chị giúp được không chị?".

14h19 ngày 26/6/2018 ông Dũng nhắn thông tin về tên, số báo danh, phòng thi... cho bà Chính với nội dung: "Nếu có thể chị giúp em với nhé". Hơn 15h ngày 26/6/2018 bị cáo Chính trả lời: "Chị nhận được thông tin rồi. Chị sẽ cố gắng trong khả năng". 15h59 ông Dũng viết: "Vâng ạ. Đề thi năm nay oái oăm quá. Chị giúp con gái em với nhé". 18h12 ông Dũng nhắn tiếp: "Cháu thi tổ hợp xã hội nhưng chỉ để xét tốt nghiệp thôi chị nhé"...

Sau khi công bố, công tố viên nói: "Với nội dung tin nhắn này, các luật sư hiểu là chỉ nhờ xem điểm hay thế nào? Còn chúng tôi khẳng định: Đây không phải nhờ xem điểm đâu mà là nhờ nâng điểm".

Trước đó, Viện Kiểm sát đề nghị phạt bà Triệu Thị Chính từ hai đến hai năm 6 tháng tù về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điều 358 Bộ luật Hình sự 2015.

Ở tội Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ, theo điều 356 Bộ luật Hình sự 2015, bị cáo Nguyễn Thanh Hoài bị đề nghị 8-9 năm tù, mức án cao nhất trong vụ án. Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng) bị đề nghị 7-8 năm tù.

Với tội Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, theo điều 366, ông Phạm Văn Khuông (cựu Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Giang) được đề nghị án tù treo với mức phạt từ một năm tới một năm 6 tháng tù, thử thách 2-3 năm. Lê Thị Dung (cựu cán bộ Phòng An ninh Chính trị nội bộ, Công an Hà Giang) bị đề nghị từ hai năm đến hai năm 6 tháng tù giam.

Các bị cáo Khuông, Chính, Hoài, Lương còn bị đề nghị phạt bổ sung bằng việc cấm đảm nhiệm chức vụ ngành giáo dục 1-3 năm sau khi chấp hành hình phạt tù.

(Theo VnExpress)

Các tin khác
Hội nghị tuyên truyền về an toàn giao thông cho đoàn viên, công nhân khu công nghiệp.

Hình thức tuyên truyền, vận động được các cấp công đoàn Yên Bái đổi mới, linh hoạt, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh thực tiễn; kết hợp giữa hình thức trực quan và ứng dụng công nghệ thông tin. Qua đó, kịp thời tuyên truyền sâu rộng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến người lao động trong tỉnh.

Nhiều người dân chỉ lựa chọn thực phẩm có nguồn gốc rõ ràng.

Xuất phát từ nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng về một cuộc sống khỏe mạnh, xu hướng sử dụng thực phẩm sạch, rõ nguồn gốc đã trở thành một điểm nhấn quan trọng trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày. Đây không chỉ là một trào lưu tạm thời, mà là một cách tiếp cận mới đáp ứng nhu cầu an toàn, bền vững và chất lượng của con người. Những nỗ lực của cộng đồng người tiêu dùng ở Yên Bái đã tạo ra những thay đổi tích cực trong lựa chọn thực phẩm hàng ngày, đồng thời góp phần thúc đẩy sự phát triển bền vững và gắn kết trong cộng đồng.

Chương trình ngoại khoá với chủ đề

Nhằm lan tỏa thông điệp về bảo vệ môi trường, phòng chống rác thải nhựa cho học sinh, thời gian qua, các trường học trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động ngoại khoá ý nghĩa với chủ đề trình diễn thời trang tái chế, bảo vệ môi trường.

Hiện xã Sơn A, thị xã Nghĩa Lộ đã đặt 57 thùng chứa vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật tại các cánh đồng.

Vừa qua, Hội Nông dân (HND) thị xã Nghĩa Lộ đã triển khai mô hình điểm "Thu gom bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng, tăng cường quản lý chất thải nhựa trong trong hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư thông qua các tổ tự quản” tại xã Sơn A. Từ hiệu quả mô hình, HND thị xã đã nhân rộng ra tất cả các cơ sở Hội trên địa bàn.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục