Ngay từ đầu năm học, ngành giáo dục và đào tạo (GD&ĐT) huyện đã chỉ đạo các nhà trường xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học gắn với lồng ghép thực hiện nghiêm túc các cuộc vận động, các phong trào thi đua có quy mô, sức lan tỏa sâu rộng; tăng cường đổi mới phương pháp dạy học, kết hợp triển khai thực hiện chặt chẽ việc kiểm tra - đánh giá - xếp loại học sinh theo chuẩn kiến thức kỹ năng; tổ chức tốt các hoạt động ngoài giờ lên lớp; triển khai các chế độ chính sách đối với học sinh bán trú; tăng cường tiếng Việt cho trẻ người dân tộc thiểu số...
Đồng thời, động viên, khuyến khích các thầy cô giáo đổi mới phương pháp dạy học, sáng tạo trong các tiết dạy phù hợp với nhận thức, tập quán của các em vùng dân tộc. Phòng GD & ĐT thường xuyên quan tâm, kiểm tra việc thực hiện dạy học 2 buổi/ngày ở các trường PTDTBT, chỉ đạo các nhà trường tích cực đổi mới phương pháp dạy học trong buổi 2, chú trọng đổi mới các tiết tăng cường; chỉ đạo các đơn vị thực hiện các giải pháp đổi mới để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo công tác ở vùng dân tộc thiểu số; đổi mới nâng cao chất lượng giáo dục đặc thù trong các trường chuyên biệt và các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số, miền núi bằng nhiều giải pháp như: tiếp tục làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ nhà giáo, tăng cường công tác quản lý giáo dục dân tộc; khuyến khích cán bộ, giáo viên các trường PTDTNT, PTDTBT và các trường ở vùng dân tộc, miền núi tham gia các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc để góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ giáo dục học sinh dân tộc.
Bên cạnh đó, việc dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số theo hướng tích hợp vào các môn học, các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp đã tạo môi trường giao tiếp tiếng Việt cho học sinh. Nhiều trường đã có những cách làm hay sáng tạo, như tại Trường Mầm non Suối Giàng các cô giáo thường xuyên lồng ghép, tổ chức hoạt động sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt kết hợp với văn hóa dân tộc, nghe kể chuyện dân gian, đọc thơ, ca dao.
Đặc biệt, nhà trường còn tổ chức hội thi, ngày hội đọc sách, tổ chức hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ... Nhiều đơn vị nhà trường dạy theo chương trình của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT ban hành có phân phối chương trình cụ thể cho tiếng Mông như Trường TH&THCS Sùng Đô, TH&THCS Suối Bu, PTDTBT TH&THCS Suối Giàng.
Đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên được củng cố cả về số lượng và chất lượng, góp phần nâng cao hiệu quả dạy và học vùng dân tộc. Chế độ chính sách đối với các em học sinh đã từng bước đáp ứng và giải quyết được những khó khăn đối với học sinh dân tộc thiểu số, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có nơi ăn, chốn ở, góp phần củng cố, nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc.
Các nhà trường đã xây dựng nền nếp, nếp sống văn minh trong khu bán trú; tổ chức hướng dẫn, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh bán trú thông qua các hoạt động giao lưu, trồng, chăm sóc rau, tăng gia lao động sản xuất; tổ chức nấu ăn 3 bữa/ngày cho học sinh bán trú; công khai khẩu phần ăn từng bữa của học sinh, chỉ đạo việc ký kết hợp đồng cung cấp thực phẩm đảm bảo an toàn; xây dựng kế hoạch chăm sóc nuôi dưỡng và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với đặc điểm thực tế của trường và tâm sinh lý của học sinh. Do đó, không xảy ra vụ việc nào liên quan đến công tác vệ sinh an toàn thực phẩm…
Đến nay, 100% trường nội trú, bán trú, trường có học sinh bán trú đã tổ chức, hướng dẫn học sinh biết trồng và chăm sóc rau, tăng gia sản xuất để góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày; hướng dẫn học sinh biết tự bảo vệ bản thân, tự chăm sóc sức khỏe khi xa nhà, biết tạo lập mối quan hệ bạn bè các dân tộc, yêu thương, gần gũi, giúp đỡ nhau trong học tập, cuộc sống và một số kỹ năng cơ bản khác...
Với những giải pháp cụ thể, thiết thực, chất lượng giáo dục dân tộc ở Văn Chấn đã được nâng lên. Kết thúc học kỳ I vừa qua, gần 85% số học sinh nội trú đạt khá, giỏi; trên 92% số học sinh cấp tiểu học đạt hoàn thành trở lên đối với môn Toán và trên 91% đối với môn Tiếng Việt; cấp THCS trên 23% học sinh đạt khá, giỏi.
Minh Tư