Toàn tỉnh hiện quản lý trên 75.000 hồ sơ đối tượng chính sách ưu đãi NCC. Trong đó, có trên 5.000 hồ sơ liệt sĩ, trên 4.000 thương binh, trên 1.300 bệnh binh, trên 1.500 người hưởng chế độ chất độc hóa học, trên 53.000 người hoạt động kháng chiến được tặng thưởng huân, huy chương, trên 8.200 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, 13 Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gần 100 người hoạt động kháng chiến bị bắt tù đày, gần 100 cán bộ lão thành cách mạng, trên 400 cán bộ tiền khởi nghĩa và NCC với nước, trên 100 bà mẹ đủ điều kiện phong tặng, truy tặng Danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng".
Công tác quản lý và thực hiện chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước đối với NCC với cách mạng đã được các địa phương trong tỉnh thực hiện đảm bảo đúng chế độ, chính sách quy định. Nổi bật trong Phong trào "Đền ơn đáp nghĩa", chăm sóc đời sống vật chất, tinh thần của các gia đình NCC với cách mạng trong những năm qua là phong trào xây dựng Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" đã được các lực lượng vũ trang, nhân dân hăng hái ủng hộ, thực hiện tốt và vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra và bình quân mỗi năm thu được trên 2 tỷ đồng trở lên.
Phong trào làm nhà ở cho gia đình chính sách được tỉnh đặc biệt quan tâm với Đề án hỗ trợ nhà ở cho các gia đình người có công khó khăn về nhà trong giai đoạn 2013 - 2019. Đến nay, toàn tỉnh làm được 2.755 nhà cho NCC; trong đó, làm mới 2.215 nhà, sửa chữa 540 nhà, với tổng kinh phí 98.950 triệu đồng và kinh phí Trung ương hỗ trợ 71.740 triệu đồng, kinh phí địa phương 5.180 triệu đồng; từ nguồn vận động xã hội hóa trên 22 tỷ đồng, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống các gia đình chính sách.
Tuy nhiên, theo số liệu rà soát, thống kê về thực trạng hộ gia đình NCC khó khăn về nhà ở, hiện nay, toàn tỉnh vẫn còn 517 hộ NCC khó khăn về nhà ở; trong đó, nhu cầu làm mới 334 hộ; nhu cầu sửa chữa nhà là 183 hộ, tổng kinh phí dự toán cần hỗ trợ nhà ở theo chính sách tại Quyết định số 22 của Thủ tướng Chính phủ là 17.020 triệu đồng.
Đồng chí Phạm Tuấn Chung - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cho biết: hầu hết là những nhà ở mới phát sinh ngoài Đề án đã được thẩm tra và số hộ phát sinh là do nhà ở truyền thống như nhà sàn, nhà gỗ... đến thời kỳ hỏng hóc, nhà của các đối tượng NCC mới được công nhận nên cuộc sống còn nhiều khó khăn...
Để thực hiện mục tiêu nâng cao đời sống NCC theo Chỉ thị số 14-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng; Chương trình hành động số 89-CTr/TU của Tỉnh ủy Yên Bái với mục tiêu đến hết năm 2020 tỉnh phấn đấu cơ bản không còn hộ gia đình NCC với cách mạng thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo.
Hoàn thành cơ bản công tác hỗ trợ cải thiện nhà ở cho NCC khó khăn về nhà ở theo Đề án đã được phê duyệt, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội đã tham mưu, đề xuất với UBND tỉnh kiến nghị với các bộ, ngành của Trung ương, Chính phủ xem xét tiếp tục bố trí kinh phí Trung ương hỗ trợ làm nhà ở cho NCC theo chính sách tại Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, tham mưu với tỉnh bố trí ngân sách và huy động sự vào cuộc của cả cộng đồng, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm cùng chung tay chia sẻ, giúp đỡ hỗ trợ làm nhà ở cho NCC đối với những nhà mới phát sinh ngoài Đề án đã được thẩm tra để tiếp tục hỗ trợ hoàn thành việc làm nhà trong năm 2020.
Đồng thời, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo ở tỉnh Yên Bái; trong đó, ưu tiên thoát nghèo cho những hộ nghèo, cận nghèo là NCC, Sở Lao động - Thương Binh và Xã hội cũng đã tham mưu, đề xuất với tỉnh ban hành chính sách về chế độ trợ cấp hàng tháng đối với NCC thuộc diện hộ nghèo năm 2020 từ nguồn ngân sách địa phương, đối với các đối tượng hiện không có lương, chế độ mất sức lao động, trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hàng tháng đã hết tuổi lao động... Qua đó, thể hiện truyền thống đạo lý "Uống nước nhớ nguồn”, sự quan tâm của các cấp, ngành đối với các đối tượng NCC trên địa bàn tỉnh.
Đức Toàn