PHÁT HUY NỘI LỰC CỘNG ĐỒNG
Để hiểu rõ hơn về phương thức triển khai thực hiện, hoạt động của các mô hình TTQ, THT do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) chủ trì thực hiện, phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm - Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh về nội dung này.
P.V: Xin bà cho biết mục đích, ý nghĩa của việc thành lập các mô hình TTQ, THT ở cộng đồng dân cư?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Việc thành lập các mô hình TTQ, THT ở cộng đồng dân cư là nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng dân cư, các hộ gia đình, đặc biệt là phát huy vai trò của ban công tác mặt trận, các chi hội đoàn thể nhân dân, trưởng thôn (bản), tổ dân phố trong việc giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng nếp sống văn minh, trật tự công cộng ở các địa phương, góp phần xây dựng con người Yên Bái tự tôn, tự trọng, nhân ái, nghĩa tình, thân thiện, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Các mô hình TTQ, THT hoạt động dựa trên nguyên tắc "tự nguyện, tự giác, tự chủ, tự chịu trách nhiệm, lấy khu dân cư làm địa bàn triển khai thực hiện”.
Theo đó, phát huy tinh thần đoàn kết, quyền làm chủ của nhân dân. Đồng thời, huy động tiềm năng, nguồn lực của người dân, cộng đồng trong việc tham gia quản lý xã hội, đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động do Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, địa phương phát động, điển hình như Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” do Ủy ban MTTQ chủ trì triển khai thực hiện.
P.V: Bà có thể cho biết những kết quả của việc triển khai thực hiện mô hình TTQ và THT?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Những năm qua, cùng với vận động nhân dân đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, MTTQ tỉnh Yên Bái luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng các mô hình TTQ, THT tại các khu dân cư, thôn (bản), tổ dân phố trên địa bàn tỉnh.
Các mô hình này đã phát huy hiệu quả trong việc tuyên truyền, vận động, giáo dục các thành viên trong tổ và nhân dân địa phương thực hiện tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; nội quy, quy chế của địa phương; quản lý tốt tài sản trong gia đình, tài sản cộng đồng; đẩy lùi các hủ tục; đoàn kết giúp nhau trong phát triển kinh tế, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội.
Một số mô hình TTQ, THT tiêu biểu phải kể đến là: mô hình THT "Nuôi bò giống” ở xã Đồng Khê, huyện Văn Chấn; mô hình THT "Nuôi cá lồng trên hồ Thác Bà” ở huyện Yên Bình; mô hình TTQ "Đào hố rác bảo vệ môi trường” ở huyện Văn Yên; mô hình tự quản không tảo hôn, không hôn nhân cận huyết thống, không sinh con thứ 3 trở lên ở thôn Bản Lềnh, thị trấn Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn.
Qua kiểm tra, đánh giá, các mô hình TTQ, THT được thành lập, đưa vào hoạt động đều hợp với "ý Đảng, lòng dân”, phù hợp với đặc điểm địa lý, phong tục tập quán, nếp sống của nhân dân nên thực sự phát huy hiệu quả.
Năm 2019, thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh được phân công nhiệm vụ chủ trì thành lập tối thiểu 2 TTQ/1 tổ dân phố, thôn ở vùng thấp; 50% thôn (bản) ở vùng cao xây dựng được TTQ do Ủy ban MTTQ quản lý.
Theo đó, Ủy ban MTTQ tỉnh đã ban hành hướng dẫn các xã, phường, thị trấn triển khai xây dựng các mô hình TTQ ở thôn (bản), tổ dân phố với 7 nội dung tự quản, gồm: nhân khẩu, hộ khẩu; tài sản; trật tự trị an; vệ sinh môi trường; an toàn giao thông; trật tự công cộng.
Hết năm 2019, ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh đã thành lập mới 2.381 TTQ và 49 THT. Các mô hình TTQ, THT đã phát huy nội lực của cộng đồng dân cư, đẩy mạnh các phong trào thi đua rộng khắp, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương.
P.V: Để tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình TTQ, THT mang lại hiệu quả, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có giải pháp gì, thưa bà?
Bà Nguyễn Thị Bích Nhiệm: Thực hiện Chương trình hành động số 190 của Tỉnh ủy, Ủy ban MTTQ tỉnh tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động các mô hình TTQ, THT ở cộng đồng dân cư, phấn đấu có ít nhất 30% trở lên TTQ đạt tiêu chí mô hình TTQ tiêu biểu.
Để việc xây dựng các mô hình TTQ, THT tiếp tục đạt hiệu quả, thời gian tới, Ủy ban MTTQ các cấp trong tỉnh sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc tham gia các mô hình tự quản; đoàn kết, hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng địa bàn dân cư lành mạnh, an toàn.
Phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; xây dựng lực lượng nòng cốt có khả năng tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương
Xây dựng các mô hình tự quản trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, hoạt động theo quy chế, hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích cho người dân, được người dân đồng tình, ủng hộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Ngoài ra, Ủy ban MTTQ cũng sẽ tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng đối với những mô hình hoạt động tốt, những cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các hoạt động tự quản; chú trọng xây dựng các mô hình tự quản mới phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng đối tượng và sát với thực tế; tranh thủ những người có uy tín, nhiệt tình, trách nhiệm để làm hạt nhân trong công tác xây dựng mô hình…
P.V: Xin trân trọng cảm ơn bà!
--------------
ĐIỂM SÁNG TUY LỘC
Không chỉ là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái còn là điểm sáng trong xây dựng các mô hình tự quản. Xã có 6 thôn nhưng có tới gần 20 tổ tự quản (TTQ) do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) và tổ chức đoàn thể trong xã phụ trách. Các TTQ đã phát huy hiệu quả trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sống "sáng - xanh - sạch - đẹp”.
Ông Nguyễn Đình Hiệp - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã Tuy Lộc cho biết: Nhằm phát huy tính tự chủ, tự quản và trách nhiệm của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước, Ủy ban MTTQ xã đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình TTQ trên nhiều lĩnh vực như: đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh…
Đến nay, hoạt động của các TTQ đã đi vào nề nếp, có sức lan toả rộng khắp, trở thành phong trào tự nguyện, tự giác của người dân.
Minh Long là một trong những thôn đông dân cư của xã, trước đây, người dân trong thôn thường chỉ tập trung vệ sinh quét dọn khu vực xung quanh nhà và trước cổng, ngõ nên các tuyến đường trong thôn thường có nhiều cỏ rác, lá cây, bụi đất.
tuy nhiên, kể từ khi thành lập TTQ vệ sinh môi trường, thực trạng trên không còn. Vào thứ 7, Chủ nhật hàng tuần, các thành viên trong tổ đều tự nguyện vệ sinh quét dọn đường làng, ngõ xóm, trồng hoa; đồng thời, tranh thủ tuyên truyền, vận động các hộ dân cùng tham gia thực hiện.
Các thành viên tổ tự quản thôn Minh Long vệ sinh tuyến đường trong thôn.
Bà Nguyễn Thị Hải - người dân thôn Minh Long tâm sự: "Nhờ có các thành viên TTQ tuyên truyền mà ý thức bảo vệ vệ sinh môi trường của người dân nâng lên rõ rệt. Chúng tôi hiểu ô nhiễm môi trường không chỉ ảnh hưởng tới môi trường sống mà còn có thể gây ra các loại dịch bệnh như: dịch tả, sốt xuất huyết, tay chân miệng, lở mồm long móng... nên mọi người tự bảo nhau giữ vệ sinh sạch sẽ, làm chuồng trại; không vứt, đổ rác tùy tiện ra đường làng, ngõ xóm, sông, suối; tích cực trồng cây xanh và tập kết rác đúng nơi quy định”.
Hiện tại, không chỉ ở Minh Long mà đến nay, phong trào bảo vệ môi trường lan tỏa tới từng hộ trong xã. Công tác bảo vệ môi trường thực sự trở thành trách nhiệm của cả cộng đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Thanh - Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Tuy Lộc khẳng định: "Ngoài việc làm tốt công tác bảo vệ môi trường, các TTQ còn phát huy tốt vai trò trong việc tự quản về: nhân khẩu, hộ khẩu, tài sản, trật tự trị an, an toàn giao thông, trật tự công cộng. Do đó, tạo điều kiện thuận lợi cho xã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ bảo vệ an ninh - chính trị, phòng ngừa, đấu tranh chống các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm hình sự nguy hiểm có tính tổ chức và tội phạm ma túy”.
Được biết, nhiều năm qua, tình hình an ninh - chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn xã Tuy Lộc cơ bản ổn định. 100% các hộ gia đình, trường học, chi bộ trong xã đều ký cam kết thi đua không có tệ nạn xã hội. Hàng năm, nhân dân trong xã chủ động cung cấp cho lực lượng công an nhiều nguồn tin có giá trị về an ninh trật tự.
Theo đó, nhiều vụ, việc đã được phát hiện ngay từ cơ sở và giải quyết dứt điểm, không để phát sinh thành "điểm nóng” và các mâu thuẫn kéo dài. Đời sống nhân dân ổn định, nhân dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương, tích cực thi đua lao động sản xuất, phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới.
TIẾNG NÓI TỪ CƠ SỞ
Ông Hoàng Văn Biên - Chủ tịch UBND xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên:
Các mô hình tổ tự quản, tổ hợp tác trên địa bàn xã đã khơi dậy được tinh thần đoàn kết, tự nguyện, tự giác trong nhân dân. Bà con nhân dân đã chủ động liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; nâng cao ý thức trong việc chấp hành pháp luật, bảo vệ môi trường, giữ gìn an ninh trật tự trị an, góp phần xây dựng địa phương ngày càng phát triển toàn diện.
Ông Nguyễn Trọng Duệ - Bí thư Chi bộ tổ dân phố Cầu Đền, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái:
Kể từ khi tổ dân phố thành lập được tổ tự quản, công tác phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn ngày càng được phát huy.
Ngoài việc tham gia giữ gìn an ninh trật tự, hòa giải các vụ việc mẫu thuẫn tại cơ sở, các thành viên trong tổ tự quản còn thường xuyên tuyên truyền tới các hộ dân về việc nêu cao tinh thần cảnh giác, tự bảo quản tốt tài sản của mình, không để các đối tượng xấu lợi dụng sơ hở để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật; chấp hành tốt Luật Giao thông đường bộ; khai báo khi có người thân tạm trú, tạm vắng… Qua đó, góp phần thúc đẩy Phong trào "Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” ngày càng phát triển sâu rộng.
Bà Đỗ Thị Lý - người dân tổ dân phố 1, phường Nguyễn Thái Học, thành phố Yên Bái:
Thực tế thời gian qua, hoạt động của các mô hình tự quản đã phát huy tinh thần sáng tạo, đoàn kết, gắn bó trong cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, theo tôi được biết, bên cạnh những mặt đạt được thì các hoạt động tự quản, mô hình tự quản còn những tồn tại, hạn chế như: một số mô hình tự quản còn hình thức, chồng chéo, trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ, hoạt động không có kế hoạch, chưa có sức lan tỏa, sức hút đối với nhân dân tham gia… nên các cấp, các ngành chức năng cần nghiên cứu, xem xét, đưa ra giải pháp phù hợp để tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả các mô hình tự quản trên địa bàn tỉnh. |
Hồng Oanh