Cùng với đó, huyện vận động các nhà hảo tâm nhận đỡ đầu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK), trẻ mồ côi không nơi nương tựa. UBND huyện xây dựng Quỹ Bảo trợ trẻ em được gần 200 triệu đồng/năm để có thêm kinh phí chăm lo cho các cháu vào dịp tết Trung thu, năm học mới, khi ốm đau bệnh tật…
Hiện nay, toàn huyện có 14.425 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó gần 8.000 trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK; 66 trẻ em khuyết tật, tàn tật; 29 trẻ em mồ côi không nơi nương tựa. Những năm gần đây là công tác chăm sóc sức khỏe trẻ em trên địa bàn được thực hiện nghiêm túc, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp thẻ bảo hiểm y tế; 98% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng; 97% trẻ từ 0 đến 36 tháng tuổi được uống VitaminA…; hàng năm, trẻ em khuyết tật, tàn tật được khám, tư vấn sức khỏe.
Công tác giáo dục trẻ em được quan tâm: trẻ em từ 3 đến 5 tuổi học mẫu giáo, đạt trên 95%; trẻ em 6 tuổi vào lớp 1 đạt 100%; trẻ em bậc THCS đúng độ tuổi được đến trường đạt trên 98%. Công tác vệ sinh môi trường, cảnh quan trường, lớp học được đảm bảo xanh, sạch, đẹp, có nước sạch, nhà tiêu hợp vệ sinh.
Ngoài ra, các hoạt động vui chơi, giải trí và thực hiện quyền tham gia của trẻ em được triển khai với nhiều nội dung phong phú, phù hợp với từng lứa tuổi tạo sự phát triển toàn diện của trẻ.
Ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện cho biết: Là cơ quan Thường trực của huyện trong công tác BVCSGDTE, hàng năm, Phòng đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức Diễn đàn Quyền trẻ em ở các cấp với trên 5.000 lượt trẻ em tham gia.
Bên cạnh những nỗ lực trong công tác BVCSGDTE, huyện cũng thường xuyên nhận được nhiều tấm lòng sẻ chia của các công ty, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm dành cho với trẻ em địa bàn bằng nhiều phần quà, tiền mặt, sách vở, áo ấm.
Năm 2019 vừa qua, Bộ LĐ-TB&XH đã hỗ trợ 150 suất quà gồm chăn ấm, áo rét cho học sinh Trường TH&THCS xã Túc Đán, trị giá 75 triệu đồng; Trường Đại học Y Thái Bình tặng quà, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí cho học sinh Trường TH&THCS xã Bản Công, trị giá 186 triệu đồng… Số tiền mặt và hiện vật các đoàn trao tặng trị giá gần 2 tỷ đồng/năm…
Các dự án BVCSGDTE dựa vào cộng đồng những năm gần đây cũng được Trạm Tấu đặc biệt quan tâm thực hiện. Huyện đã chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền các địa phương tổ chức Diễn đàn "Hãy lên tiếng để phòng, chống xâm hại, bạo lực phụ nữ và trẻ em”; tổ chức truyền thông nâng cao nhận thức của cộng đồng để tăng cường việc tiếp cận với hệ thống bảo vệ trẻ em ở cộng đồng trên hệ thống phát thanh của các xã, thị trấn vào ngày 25 hàng tháng.
Duy trì Câu lạc bộ Cha, mẹ và trẻ em ở thị trấn Trạm Tấu và xã Hát Lừu; xây dựng điểm Mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em… Qua đó, giúp cho các gia đình và trẻ em nâng cao kiến thức về phòng, chống xâm hại, bạo lực và các hành vi vi phạm quyền trẻ em…
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, công tác BVCSGDTE của huyện vẫn còn một số hạn chế như: một số chính quyền cơ sở chưa thường xuyên quan tâm đến công tác BVCSGDTE; đội ngũ cán bộ chuyên trách cơ sở còn thiếu, chủ yếu là kiêm nhiệm, chế độ thấp; tình trạng trẻ em bị tai nạn thương tích còn cao; kinh phí đầu tư cho các điểm vui chơi giải trí chưa có nên đời sống văn hóa tinh thần cho trẻ em chưa đạt được đúng mục tiêu kế hoạch đề ra…
Thời gian tới, huyện Trạm Tấu tiếp tục tăng cường các giải pháp cụ thể, hoạt động thiết thực bằng việc huy động sự vào cuộc của các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở và toàn xã hội; tiếp tục tham gia và thực hiện tốt công tác BVCSGDTE "Vì cuộc sống an toàn, phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em”, vì hạnh phúc của mỗi người, mỗi gia đình, vì tương lai tốt đẹp của đất nước.
Thạch Phong