Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 228.353 trẻ em dưới 16 tuổi; trong đó, 97.707 trẻ dưới 6 tuổi; 3.796 trẻ có hoàn cảnh đặc biệt; trong đó, 1.793 trẻ khuyết tật, 1.891 trẻ bị bỏ rơi và trẻ mồ côi không nơi nương tựa, 65 trẻ bị nhiễm HIV/AIDS.
Ngoài ra, còn có trên 60.000 trẻ sống trong hộ nghèo, trên 2.000 trẻ bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS. Từ 2015 đến nay, số trẻ bị xâm hại là 50 em. Các loại hình thức xâm hại: xâm hại tình dục; bạo lực thân thể; bạo lực tinh thần, bỏ rơi...
Độ tuổi trẻ bị xâm hại từ 1-16 tuổi. Các phương thức, thủ đoạn thường là lợi dụng mối quan hệ thân quen hoặc sự thiếu hiểu biết của trẻ, dùng hành vi ép buộc dọa dẫm hoặc dụ dỗ, tặng quà tạo dựng mối quan hệ thân thiết với trẻ.
Nhiều vụ trẻ em bị xâm hại dẫn đến suy giảm về sức khỏe sa sút trong việc học hành, bị bạn bè kỳ thị, xa lánh dẫn đến lo âu và rối loạn tâm thần. Địa bàn xảy ra thường tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, những gia đình ít quan tâm đến con em...
Nguyên nhân do sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận dân cư; sự tác động của thông tin, truyền thông, văn hoá phẩm, trò chơi bạo lực, khiêu dâm; những áp lực về tâm lý và kinh tế trong đời sống gia đình, xã hội.
Trước thực trạng trên, thời gian qua, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản hướng dẫn công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và phòng, chống xâm hại trẻ em nói riêng.
Để công tác này đạt hiệu quả cao, tỉnh đã lồng ghép các mục tiêu về trẻ em vào các nghị quyết của HĐND và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Đồng thời, chỉ đạo các sở, ngành tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật phòng, chống xâm hại trẻ em. Qua đó, giúp các bậc phụ huynh và trẻ em nắm cơ bản kiến thức pháp luật về quyền trẻ em, đặc biệt là quyền được bảo vệ của trẻ.
Sở Thông tin - Truyền thông đã phối hợp cơ quan liên quan định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, bảo vệ trẻ em trên địa bàn; phát hành tờ rơi; tuyên truyền người dân khi phát hiện thì thông báo, tố giác kịp thời trường hợp trẻ bị bạo hành.
Hội phụ nữ các cấp cũng tổ chức tuyên truyền về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phối hợp Sở Tư pháp tổ chức trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật, truyền thông lưu động về các luật liên quan đến trẻ em tại các điểm dân cư trên địa bàn tỉnh, phối hợp các trường học tổ chức truyền thông phòng, chống xâm hại cho học sinh...
Ngoài ra, các hội đoàn thể trên địa bàn còn xây dựng nhiều mô hình, câu lạc bộ phòng chống bạo lực gia đình, thu hút đông hội viên tham gia như: "Gia đình không có người thân vi phạm pháp luật”, "Nuôi dạy con tốt”, "Phòng chống bạo lực gia đình”...
Sở LĐ-TB&XH cùng các cơ quan, đơn vị trong tỉnh tích cực tổ chức những buổi tập huấn, diễn đàn, tuyên truyền pháp luật liên quan đến các vấn đề của trẻ em như: Diễn đàn "Trẻ em với vấn đề phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em”, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Trẻ em...
Đồng thời, các đơn vị còn tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, dạy các kỹ năng giúp các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong những tình huống khi bị xâm hại.
Tuy nhiên, tình trạng xâm hại trẻ em trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây diễn biến phức tạp. Xâm hại trẻ em không chỉ diễn ra trong cộng đồng mà còn diễn ra ngay tại gia đình. Đối tượng bạo lực, xâm hại trẻ em thuộc nhiều thành phần, lứa tuổi. Nguyên nhân chủ yếu là do nhận thức pháp luật của một số người dân còn hạn chế.
Môi trường xã hội còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phát sinh hành vi, việc tố giác, báo tin về các hành vi xâm hại trẻ em thường chậm nên công tác điều tra, thu thập chứng cứ gặp nhiều khó khăn. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trẻ em ở một số địa phương chưa thực sự được coi trọng, hiểu biết về pháp luật và kỹ năng tự bảo vệ của trẻ em một số bộ phận người dân còn thấp.
Ảnh hưởng của một số thông tin xấu trên Internet cũng là một trong những nguyên nhân... Thời gian tới, cùng với sự phát triển của xã hội và công nghệ công tác phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em sẽ ngày càng khó khăn.
Do vậy, các cấp, các ngành, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật về trẻ em, xử lý nghiêm minh những hành vi xâm hại trẻ em nhằm răn đe và ngăn chặn việc vi phạm pháp luật về trẻ em, tạo môi trường sống an toàn, lành mạnh cho trẻ em trong nhà trường, gia đình và xã hội.
Tháng 6 hàng năm được chọn là Tháng hành động vì trẻ em. Nhiều hoạt động thiết thực, ý nghĩa hướng về trẻ em sẽ được tổ chức trong tháng này. Từ đó, nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em, đặc biệt là công tác phòng, chống xâm hại trẻ em. "Chung tay bảo vệ trẻ em, phòng, chống xâm hại trẻ em” là chủ đề của Tháng hành động vì trẻ em năm nay.
Sở LĐ-TB&XH vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em các cấp để hỗ trợ trẻ em các xã thuộc khu vực miền núi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn toàn tỉnh nhằm cải thiện tình trạng sức khỏe, dinh dưỡng của trẻ em thông qua khám chữa bệnh, hỗ trợ bữa ăn dinh dưỡng cho trẻ em lứa tuổi mầm non, tiểu học; hỗ trợ trẻ em được tham gia hoạt động văn hóa, vui chơi, giải trí...
Đồng thời, tăng cường công tác phối hợp liên ngành kiểm tra việc thực hiện chính sách pháp luật về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; tăng cường công tác quản lý nhà nước về trật tự, an toàn xã hội, chủ động nắm tình hình, diễn biến hoạt động của tội phạm xâm hại trẻ em và có kế hoạch phòng ngừa, ngăn chặn; kiểm tra, rà soát, phát hiện kịp thời các khu vực có nguy cơ xảy ra tai nạn đuối nước, tai nạn giao thông để có biện pháp chủ động phòng ngừa, bảo đảm an toàn cho trẻ em trong mùa mưa, đảm bảo trẻ em được sống trong môi trường an toàn, lành mạnh.
Tháng hành động vì trẻ em năm 2020 cấp tỉnh, huyện và xã được thực hiện từ ngày 25/5 đến 30/6, Yên Bái sẽ tập trung tuyên truyền phổ biến Luật Trẻ em, pháp luật về thực hiện các quyền trẻ em, bảo vệ trẻ em, các chính sách, chương trình về bảo vệ, chăm sóc trẻ em; kiến thức: phòng chống xâm hại, phòng chống tai nạn thương tích, đuối nước, phòng chống dịch bệnh có nguy cơ lây nhiễm cao trong cộng đồng Covid-19.
Tổ chức các hoạt động truyền thông tại cộng đồng về phòng chống tảo hôn, phòng chống tình trạng trẻ em bỏ học, bảo vệ trẻ em, thông tin, tố cáo hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em, phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; truyền thông về tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em số 111, tổng đài bảo vệ trẻ em của Yên Bái 18001776; truyền thông tư vấn kỹ năng làm cha mẹ, kỹ năng sống cho trẻ em, đặc biệt kỹ năng phòng chống xâm hại trẻ em thông qua các kênh truyền thông báo chí, mạng xã hội, các tài liệu, sản phẩm truyền thông về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em.
|
Thu Hiền