Chia sẻ của những người tiểu thương nơi khu chợ này hầu như chả có gì khác nhau, đến cả những tiếng thở dài cũng giống nhau…
Chị bán thịt gần hai mươi năm, lúc lãi nhiều, lúc lãi ít cũng chuyện thường tình theo nỗi vui buồn, thăng trầm với con lợn.
Đúng một năm sau sự xuất hiện không mong muốn của dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh cũng vừa tròn từng đó thời gian sự buôn bán không như mong muốn của những tiểu thương như chị.
Khan hiếm nguồn cung ứng, giá lợn hơi tăng cao, người tiêu dùng tiết kiệm, người bán hàng loay hoay.
Dịch bệnh được khống chế, chẳng riêng chị mong buôn bán sẽ phục hồi mà người tiêu dùng cũng vậy để cuộc sống thoải mái hơn.
Cũng không hề mong muốn, Covid-19 bất thình lình ập tới khiến mọi chuyện khó thêm khó. Mười lăm ngày giãn cách xã hội như một mỏ neo găm sâu trong ký ức của cả xã hội, nhất là với những người mưu kế sinh nhai hàng ngày. Lúc giãn cách, chị chỉ mong hết giãn cách. Hết giãn cách, chị vẫn chưa thể vui hơn.
Người đi chợ đã bình thường như trước đây. Người đi chợ đã tiết kiệm hơn trước đây. Covid-19 mang đến nhiều trải nghiệm và thay đổi đối với mỗi con người, mỗi gia đình, trong đó có thói quen tiêu dùng và thói quen sinh hoạt. Điều đó được quyết định bởi thu nhập của họ.
Ngày thứ Bảy, Chủ nhật hàng tuần, với giá thịt lợn như trước, nhiều người mua hàng cân sườn, cân thịt… nên chỉ bán nửa ngày đã hết hàng. Khác hẳn giờ, họ giảm lượng mua rất lớn, dè dặt chỉ hai lạng, ba lạng… vì giá thịt lợn đã tăng lên gần hai trăm ngàn đồng một cân.
Cân đối bữa ăn, cân đối chi phí sinh hoạt hàng ngày đương nhiên được các bà nội trợ tính toán kỹ lưỡng để không thể thâm hụt ví tiền. Chị bảo, mình cũng là người giữ tiền trong nhà, cảm giác đó đều thấu hiểu hết cả. Nhưng ở vị trí người bán hàng, như bây giờ, quả là khó! Ngày trước bán cả con, giờ chỉ còn nửa con.
Ở nhà thì không biết làm gì, đi chợ cũng còn có đồng tiền. Hôm may mắn, ngồi cả ngày bán hết hàng, lãi được gần hai trăm ngàn đồng. Buổi kém hơn, hàng không bán hết thì lãi cũng đương nhiên chả là bao.
Từ ngày thực hiện giãn cách xã hội đến nay, chị chịu khó xem ti vi hơn vì cứ mong có những tin tức tốt lành từ Chính phủ, nghĩa là sẽ có cả mình trong đó.
Mới rồi nghe tin, Chính phủ sẽ cho phép nhập lợn sống để điều tiết giá thịt lợn, ổn định cuộc sống nhân dân. Chị bảo, mong quá là mong, giá lợn về như xưa, người tiêu dùng dễ thở hơn, chị cũng thu nhập cao hơn. Tất cả sẽ đều vui. Vậy nên, mong mỏi không riêng ai…
Nguyễn Thơm