Giảm nghèo ở Văn Chấn

  • Cập nhật: Thứ hai, 19/10/2020 | 8:06:16 AM

YênBái - Huyện Văn Chấn có 14 xã đặc biệt khó khăn và có 23 dân tộc thiểu số (DTTS) cùng chung sống. Nhờ sự hỗ trợ từ các dự án, chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước và nỗ lực của đồng bào các dân tộc, bộ mặt nông thôn, miền núi ở Văn Chấn đã có nhiều khởi sắc.

Người dân xã An Lương, huyện Văn Chấn thu hoạch quế.
Người dân xã An Lương, huyện Văn Chấn thu hoạch quế.

Xã Nghĩa Sơn có gần 940 ha đất sản xuất thì đất lâm nghiệp chiếm gần 865 ha, còn lại là đất ruộng lúa hai vụ, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 15 triệu đồng/năm. Đồng bào dân tộc Khơ Mú hiện chiếm hơn 72% số dân của xã, đời sống rất khó khăn. 

Theo bà Phạm Thị Tuyết - Trưởng phòng Dân tộc huyện, để giúp các hộ dân thoát nghèo, huyện đã thực hiện nhiều chính sách ưu đãi như: hỗ trợ bò giống sinh sản, nông cụ sản xuất; làm mới 31 nhà ở cho hộ nghèo; vận động người dân tham gia trồng mới 25 ha quế, tận dụng đồng cỏ chăn thả đại gia súc. 

Ngoài ra, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện còn thẩm định, giải ngân cho vay lãi suất thấp hơn 11 tỷ đồng, để người dân có vốn mua con giống, vật tư, phân bón phát triển sản xuất. 

Chủ tịch UBND xã Nghĩa Sơn Lường Văn Si chia sẻ: Trên diện tích đất lâm nghiệp thuộc xã quản lý, Công ty Cao su Yên Bái đang kinh doanh trồng cây cao su với diện tích 200 ha, thu hút 37 lao động là người địa phương tham gia. 

Năm nay, cây cao su đã cho thu hoạch mủ, cho thu nhập bình quân đạt khoảng 6 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, xã còn vận động, nhiều thanh niên DTTS tham gia học các lớp đào tạo nghề, hết khóa đào tạo, nhiều thanh niên đã rời gia đình đi làm ăn xa mong có thu nhập cao, tiết kiệm tiền về xây dựng nhà ở cho gia đình để thoát nghèo. 

Bằng nhiều cách làm cụ thể, Nghĩa Sơn đã giảm số hộ nghèo từ 79% năm 2015, còn 23% năm 2020. Bên cạnh phát triển kinh tế, xóa đói nghèo, người dân trong xã tiếp tục phục dựng, bảo tồn nét văn hóa truyền thống dân tộc Khơ Mú như: Lễ cầu mùa, lễ cúng cơm mới, nhằm lưu giữ nét đẹp cho đời sau…

Bên cạnh đó, huyện Văn Chấn luôn coi trọng, quan tâm đến đội ngũ già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng, bởi đây chính là "cánh tay nối dài" của cấp ủy, chính quyền đến từng thôn, bản ở vùng sâu, vùng xa. 

Hiện nay, các chính sách dành cho 163 người có uy tín ở các bản luôn được quan tâm đầy đủ, một số người có uy tín tiêu biểu được tham quan, học tập tại các địa phương có phong trào sản xuất tốt, qua đó về vận động đồng bào trong bản học tập làm theo. 

Điển hình như anh Triệu Văn Lý - Trưởng thôn Vàng Ngần, xã Suối Quyền là một tấm gương về vận động quần chúng, làm dân hiểu, nói dân nghe. Nhận thấy cây quế ở vùng cao Văn Chấn phù hợp thổ nhưỡng sinh trưởng tốt, hiệu quả kinh tế cao, từ năm 2006, anh Lý cùng gia đình quyết định chuyển sang trồng quế. 

Đến nay, gia đình anh có hơn 10 ha quế. Nhờ có kinh nghiệm sản xuất, thu hoạch hạt quế ở những cây đủ tiêu chuẩn và ươm gieo quế giống hữu cơ, anh đã hướng dẫn các hộ dân khác cùng tham gia trồng được hơn 350 ha quế, giúp nhiều hộ dân trong bản cùng thoát nghèo. 

Để có quỹ chi tiêu các công việc của bản, anh Triệu Văn Lý đề xuất phát triển đồi quế chung, hàng năm trồng mới và trồng thay thế từ 3 - 5 ha, đến nay, diện tích tăng lên được 35 ha quế, mỗi năm thu hơn 150 triệu đồng từ bán lá, cành và một số sản phẩm khác. 

Số tiền này được sử dụng chủ yếu hỗ trợ các hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, hay đau ốm; cho vay không tính lãi đối với các hộ mua vật tư, con giống phát triển sản xuất; khen thưởng các cháu học sinh giỏi, cá nhân tiêu biểu gương mẫu trong thôn. 

Nhờ làm tốt công tác dân vận, người dân đã tự góp công sức làm mới được 12 km đường đất dân sinh rộng 3,5 m, đủ cho xe tải đi qua. 

Tháng 5/2020, được UBND huyện Văn Chấn hỗ trợ 170 triệu đồng mua vật liệu làm đường bê tông, anh Lý đã vận động người dân trong bản làm 1,7 km đường đoạn dốc cao nhất, giúp cho mọi người đi lại dễ dàng. 

Chú trọng chuyển đổi giống, cây trồng và vật nuôi theo hướng hàng hóa ở vùng đồng bào DTTS, huyện Văn Chấn đã phối hợp Viện Chiến lược và Chính sách dân tộc (Học viện Dân tộc) đưa vào trồng 4,5 ha mận tam hoa, giúp 20 hộ đồng bào Mông xã Suối Giàng có điều kiện cải thiện thu nhập, nhất là khi Suối Giàng được đầu tư trở thành điểm du lịch nghỉ dưỡng, khám phá của tỉnh Yên Bái. 

Đồng thời, đưa cây na vào trồng trên diện tích hàng chục ha tại xã Suối Bu, một xã vùng cao có địa hình núi đá vôi hiểm trở, khí hậu thổ nhưỡng tương đồng với vùng núi đá huyện Chi Lăng (Lạng Sơn). 

Đáng chú ý, huyện đã triển khai trồng 5 ha cây mắc ca trên đất chè, mật độ 150 cây/ha tại xã Gia Hội và Nậm Búng. Đây là hướng đi mới, bởi cây mắc ca sau 4 năm trồng cho thu hoạch quả với giá trị cao. 

Theo Bí thư Huyện ủy Văn Chấn Mai Mộng Tuân, 5 năm qua, huyện đã đầu tư hơn 330 tỷ đồng xây dựng kết cấu hạ tầng thiết yếu; hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo cho hơn 7.200 hộ với kinh phí hơn 18 tỷ đồng, qua đó giúp hơn 3.000 hộ thoát nghèo. 

Đồng bào DTTS sống phân tán ở vùng đặc biệt khó khăn được tiếp cận tốt hơn các dịch vụ về y tế, giáo dục, được hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, vay vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất. 

Thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách của Đảng, Nhà nước hỗ trợ đồng bào DTTS là nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, chính quyền huyện Văn Chấn trong thời gian qua cũng như trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo tiền đề để Văn Chấn bứt phá đi lên nhanh hơn.

Mỹ Sinh

Tags Văn Chấn Nghĩa Sơn Suối Quyền giảm nghèo dân tộc thiểu số

Các tin khác

Theo quy định hiện hành, việc chi trả lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng bắt đầu từ ngày 2 của tháng. Vì vậy, dự kiến lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội tháng 5/2024 sẽ được chi trả sau dịp nghỉ lễ.

Ảnh minh hoạ.

Cục Hàng không Việt Nam áp dụng biện pháp kiểm soát an ninh hàng không tăng cường cấp độ 1 tại các cảng hàng không, sân bay dịp lễ 30/4 - 1/5.

Hai anh em Hà Mạnh Hùng và Hà Duy Minh - Trường Tiểu học Kim Đồng, thành phố Yên Bái nhận quà của nhà tài trợ.

Với mong muốn hỗ trợ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập và cuộc sống, thời gian qua, Thành đoàn Yên Bái đã tích cực phối hợp triển khai nhiều phong trào, hoạt động ý nghĩa, trong đó nổi bật là hoạt động “Nâng cánh ước mơ - cùng em tôi đến trường”.

Ngày 24/4, Tỉnh đoàn Yên Bái - Hội Liên hiệp Thanh niên (LHTN) Việt Nam tỉnh tổ chức khánh thành công trình tu bổ Khu di tích lịch sử quốc gia đèo Lũng Lô tại xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Dự chương trình có đồng chí Vũ Thị Hiền Hạnh - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục