Theo báo cáo của Trung tâm KSBT tỉnh, tính đến hết ngày 30/11, Yên Bái có 41 ca bệnh SXH là người có hộ khẩu thường trú ở Yên Bái nhưng đang sinh sống và làm việc tại các tỉnh khác, còn ở địa phương không ghi nhận ca bệnh tại chỗ.
Để phòng chống bệnh SXH, Sở Y tế tỉnh đã có công văn chỉ đạo các đơn vị y tế về việc tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh SXH, Chikungunya và Zika.
Ngành yêu cầu các cơ sở y tế trong tỉnh tích cực tuyên truyền vận động người dân thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống bệnh SXH, triển khai chiến dịch diệt loăng quăng, diệt muỗi bằng các biện pháp truyền thống và phun hóa chất tại gia đình, khu dân cư, công trường xây dựng, đặc biệt tại các khu vực tập trung đông người, nơi điều kiện vệ sinh kém; yêu cầu người dân khi có dấu hiệu bệnh SXH phải đến ngay các cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị kịp thời.
Ngoài ra, các cơ sở y tế cần tổ chức tập huấn cho cán bộ y tế về công tác chẩn đoán, điều trị bệnh SXH; làm tốt các biện pháp dự phòng, tư vấn, chuẩn bị đầy đủ kinh phí, thuốc, phương tiện, vật tư, trang thiết bị nhằm đảm bảo sẵn sàng tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời nếu xuất hiện nhiều ca bệnh và lây lan thành dịch.
Cùng đó, các trạm y tế thường xuyên chú trọng hoạt động giám sát, phòng chống dịch bệnh chặt chẽ tại cơ sở; tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh của xã, phường; treo băng rôn, phát tờ rơi cho người dân về các biện pháp diệt véc tơ truyền bệnh SXH...
Theo Bác sĩ Trần Thị Tuyết - Trưởng khoa Ký sinh trùng, côn trùng - Trung tâm KSBT tỉnh cho biết: "Hiện nay, bệnh SXH chưa có vắc xin hay thuốc điều trị đặc hiệu. Nếu không kịp thời phòng, chống phát hiện sớm, xử lý triệt để, ổ dịch bệnh sẽ lây lan ra diện rộng ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của người dân, mặc dù trên địa bàn tỉnh không xuất hiện ca mắc SXH. Nhưng chúng ta không được chủ quan, lơ là mà phải chủ động tự giác phòng bệnh vì sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng”.
Để chủ động phòng, chống bệnh SXH hiệu quả, người dân cần theo dõi những dấu hiệu bệnh sớm như: sốt cao, nôn mửa, xuất hiện các đốm nhỏ, lở loét da, chán ăn… phải đến ngay các cơ sở y tế khám, tư vấn và điều trị kịp thời. Nhờ được tuyên truyền nâng cao nhận thức về bệnh SXH mà người dân cũng đã có ý thức cao chủ động phòng bệnh.
Chị Nguyễn Thị Bích Hảo ở phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Bản thân tôi luôn ý thức việc vệ sinh môi trường, vệ sinh nơi ở, phun thuốc diệt muỗi, gián... không để các loại côn trùng gây bệnh sinh sản, xâm nhập làm hại đến sức khỏe gia đình".
Quyết tâm không để dịch bệnh SXH xảy ra trên địa bàn, thời gian tới, các đơn vị y tế tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp như: Đẩy mạnh tuyên truyền cách phát hiện và phòng, chống SXH; tổ chức chiến dịch vệ sinh môi trường, loại trừ nơi sinh sản của muỗi và bọ gậy; giám sát khoanh vùng khu vực có nguy cơ cao; quản lý chặt chẽ việc sử dụng hóa chất và việc phun hóa chất ở tất cả các địa phương trong tỉnh.
Các bệnh viện, cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo tốt công tác thu dung, khám sàng lọc bệnh nhân, phát hiện sớm ca bệnh; phối hợp với Trung tâm KSBT lấy máu chẩn đoán và điều trị bệnh kịp thời, không để bệnh nhân biến chứng nặng và tử vong khi mắc SXH...
Cùng nỗ lực của ngành y tế, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh như: ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt ngay cả ban ngày; đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; hằng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, tích cực phối hợp với ngành y tế phun hóa chất diệt côn trùng...
Bùi Minh