Ma túy - cuộc chiến chưa hồi kết - Bài 1: Nỗi đau chẳng của riêng ai

  • Cập nhật: Thứ năm, 29/7/2021 | 1:54:28 PM

YênBái - Mù Cang Chải - vùng đất nổi tiếng với những thửa ruộng bậc thang đẹp đến nao lòng cùng những con người hiền lành, chân chất. Song, đằng sau vẻ đẹp rất đỗi bình yên đó, biết bao gia đình ly tán, những đứa trẻ bỗng chốc thành không cha, không mẹ bởi ma túy. Cuộc chiến với ma túy nơi đây vẫn chưa có hồi kết.

Vì ma túy những đứa trẻ người Mông này ở Mù Cang Chải dù còn cả cha, mẹ mà bỗng chốc bơ vơ như trẻ mồ côi.
Vì ma túy những đứa trẻ người Mông này ở Mù Cang Chải dù còn cả cha, mẹ mà bỗng chốc bơ vơ như trẻ mồ côi.

Ma túy - cuộc chiến cam go, dai dẳng không còn của riêng hệ thống chính trị, lực lượng công an nhân dân, các ngành chức năng mà còn là của mỗi người dân, mỗi gia đình và toàn xã hội. Cuộc chiến ấy càng kéo dài bao nhiêu thì hệ lụy của nó càng nặng nề bấy nhiêu. Ở nơi được coi là "điểm nóng” nhất về ma túy của Yên Bái - huyện Mù Cang Chải, tận mắt chứng kiến những mảnh đời bất hạnh do ma túy gây nên, chúng tôi mới cảm nhận được tận cùng nỗi đau do ma túy mang lại.

Sau cuộc điện thoại của đồng chí công an viên xã Mồ Dề, em Mùa A Pủa, (sinh năm 2007), ở bản Háng Sung mướt mải mồ hôi chạy về mở cửa đón chúng tôi vào nhà. 14 tuổi nhưng trông A Pủa bé hơn nhiều so với các bạn cùng trang lứa. Em vừa xuống huyện để nhận tiền hỗ trợ bảo vệ rừng nhưng chưa đến lượt nên đành quay về để chiều đi tiếp. Vậy là hôm nay, bữa trưa của mấy chị em Pủa vẫn chẳng có gì ngoài cơm trắng và rau luộc. 

Kê mấy chiếc ghế gỗ ra hè ngồi, tôi chưa kịp hỏi gì, Pủa đã òa khóc, nghẹn ngào nói đúng một câu "Cháu nhớ mẹ quá cô ơi!” rồi cứ thế những giọt nước mắt lăn dài trên khuôn mặt. Bố em - Mùa A Dê, sinh năm 1983, nghiện ma túy nhiều năm, đợt này đi cai cũng đã đến lúc sắp được về. Thế nhưng ngày vui gia đình đoàn tụ chưa kịp đến thì chỉ hơn 1 tháng trước, mẹ em là Sùng Thị Vang, sinh năm 1987 đã bị bắt vì tội mua bán trái phép chất ma túy ngay tại nhà. Từ ngày mẹ bị bắt, chị gái Pủa là Mùa Thị Súa, sinh năm 2006 vốn bị câm bẩm sinh, suốt ngày chỉ đứng bên hàng rào khóc vì nhớ mẹ. 

Dưới Pủa còn 1 em trai, sinh năm 2011, thấy bảo hôm sau sẽ được cậu đón sang bà ngoại tận bên xã Dế Xu Phình. Trong ngôi nhà mà "chạy từ đằng trước qua đằng sau chẳng vướng đồ đạc gì”, 3 chị em Mùa A Pủa chỉ biết trông chờ vào vài trăm nghìn đồng tiền trợ cấp trẻ khuyết tật của chị gái. Số tiền hỗ trợ bảo vệ rừng đợt này được lĩnh theo hương ước của bản, em cũng phải đóng góp gần hết để xây dựng tuyến đường bê tông hóa. Cuộc sống đã thiếu vắng cha giờ thêm cả mẹ khiến 3 đứa trẻ ấy vô cùng khốn khó, lao đao.

Những hoàn cảnh éo le, những mảnh đời bất hạnh, nỗi đau, mất mát do ma túy dường như vượt quá sức chịu đựng của những đứa trẻ trên vùng cao Mù Cang Chải này. Con đường vào thôn Pú Vá, xã Chế Tạo khiến chúng tôi - những phóng viên hay đi vùng cao mà vẫn "tim đập, chân run”. 

Dốc cao dựng đứng, đường toàn đá hộc, nhiều đoạn người ngồi sau phải xuống đẩy xe máy cho người kia cầm lái. Con đường gần 20 km mà phải mất gần 2 giờ đồng hồ mới tới nơi. Ở tận sâu bên trong vùng lõi rừng phòng hộ, cuộc sống của những người dân nơi đây cũng đang phải gánh chịu biết bao hệ lụy ma túy để lại. 

Không có nhiều diện tích canh tác, ngoài trông chờ vào 3 thửa ruộng, 3 con trâu, nhà của Sùng A Thề, sinh năm 1999 vốn đã nghèo khó lại càng khốn khó hơn vì cả bố, mẹ và anh trai đều đang đi cai nghiện ma túy. 

Sùng A Thề tâm sự: "Nhà neo người, bố tôi nghiện đã lâu năm, ở gần bố nên mẹ tôi cũng nghiện theo. Anh trai tôi trước đây cũng chăm chỉ làm ăn lắm, mà rồi vẫn không thể cưỡng lại cám dỗ của ma túy. Giờ mình tôi ở nhà, có thời gian, nhớ mọi người trong gia đình, tôi cố gắng đến trung tâm cai nghiện để thăm, động viên cả bố mẹ, cả anh trai. Tôi chỉ mong bố mẹ và anh sớm cắt cơn, từ bỏ hẳn được "cái chết trắng” để về đoàn tụ với nhau”. 

Ngay trên nhà Sùng A Thề là nhà của Sùng Sấu Sủ, sinh năm 1978 cũng không hơn gì. Sủ cùng đi cai nghiện với anh trai của Thề hồi tháng 6 vừa rồi, để lại vợ với 8 đứa con (3 gái, 5 trai). Đứa lớn nhất sinh năm 1999, đã lấy chồng nhưng ở xa, những đứa trên 10 tuổi thì cả ngày theo mẹ lên nương, còn đứa bé nhất 3 tuổi cùng hai anh chị quanh quẩn ở nhà tự chơi với nhau. Những đứa trẻ thiếu vắng sự dạy dỗ của cha, không có sự chăm sóc của mẹ nên bé nhỏ, gầy còm, lấm lem. Có lẽ vì thế mà ở thôn Pú Vá này, cái đói nghèo, lạc hậu cứ mãi đeo bám người Mông từ đời này qua đời khác. 

"Thôn Pú Vá, xã Chế Tạo có 74 hộ dân, hơn 300 nhân khẩu, có tới 27 hộ nghèo, toàn xã có hơn 60 người nghiện ma túy. Trong khi, cuộc chiến nhằm ngăn chặn và chống lại tội phạm ma túy ngày càng khốc liệt thì số người nghiện và liên quan đến ma túy không ngừng tăng lên thật sự khiến chính chúng tôi cũng vô cùng lo ngại” - đồng chí Sùng A Vàng - Bí thư Chi bộ thôn Pú Vá trăn trở. 

Một thực tế khác đang tồn tại ở Mù Cang Chải chính là việc đối tượng phạm tội về ma túy là phụ nữ người dân tộc thiểu số đang có dấu hiệu gia tăng. Thống kê của Công an huyện Mù Cang Chải cho thấy, năm 2019, Công an huyện bắt và khởi tố 39 vụ/ 45 đối tượng liên quan đến ma túy, trong đó, có 23 đối tượng nữ, chiếm 51%. Năm 2020, con số này là 24 vụ/ 25 bị can liên quan đến ma túy, trong đó có 15 đối tượng nữ, chiếm 60%. 

Riêng 6 tháng năm 2021, Công an huyện đã bắt và khởi tố 20 vụ/ 23 bị can, trong đó có 14 đối tượng nữ, chiếm 60%. Đây chính là lý do khiến cho những đứa trẻ vùng cao đáng lẽ phải được sống trong đầy đủ tình yêu thương của bố mẹ, thì giờ thành không cha, không mẹ. Nhiều ông bố, bà mẹ chỉ khi ngồi sau song sắt nhà tù, "vứt bỏ” lại những đứa con và cả tương lai của chúng mới thấy ăn năn, hối cải, để rồi những giọt nước mắt hối hận muộn màng chỉ biết chảy dài theo thời gian. 

Là trung tâm của các hoạt động dịch vụ - du lịch trải nghiệm, thu hút đông đảo du khách cả trong và ngoài nước, nếu tình hình an ninh trật tự ở Mù Cang Chải không được bảo đảm, trong đó có sự hoành hành của tệ nạn ma túy, chắc chắn sẽ ảnh hưởng rất lớn tới hình ảnh một xứ sở Mù Cang yên bình và "ngành công nghiệp không khói” đầy triển vọng nơi đây. Những đứa trẻ đang tuổi vị thành niên thiếu vắng đi sự giáo dục của cha mẹ, từng chứng kiến bố lên cơn nghiện vật vã, mẹ mua bán ma túy bị bắt ngay tại nhà sẽ ăn sâu vào tiềm thức và tương lai của chúng. 

Trước tình hình dịch bệnh Covid-19, đời sống nhân dân người Mông vốn đã khốn khó lại càng trở nên khó khăn hơn. Lợi dụng tình trạng đó cũng như sự thiếu hiểu biết kiến thức pháp luật của đồng bào, các đối tượng xấu lợi dụng, lừa đảo dễ dàng đưa người dân vào con đường mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy cho chúng. Đó là chưa kể đến nguy cơ gia tăng các loại tội phạm ma túy, trộm cắp, cướp giật và tệ nạn xã hội khác…

Suốt quãng đường trở về trung tâm huyện, hình ảnh 2 đứa trẻ bơ vơ, ốm yếu, ngồi cúi mặt khóc ở bản Háng Sung, xã Mồ Dề cứ mãi ám ảnh và bóp nghẹt trái tim tôi. Chẳng biết khi nào mới xóa bỏ hết được những hình ảnh ấy khi mà cuộc chiến với ma túy còn chưa có hồi kết nơi vùng cao này. 

Mai Linh - Anh Dũng
Bài 2: Chống ma túy - trách nhiệm của toàn dân
(Tác phẩm dự thi Vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân)

Tags Ma túy cuộc chiến ruộng bậc thang điểm nóng Yên Bái tội phạm ma túy

Các tin khác
Lãnh đạo xã Khánh Thiện tặng hoa chúc mừng Ban Chấp hành Hội LHTN Việt Nam xã nhiệm kỳ 2024 - 2029.

Tính đến ngày 26/4, 24/24 Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam (LHTN) Việt Nam các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Lục Yên đã tổ chức thành công đại hội cấp cơ sở theo đúng tiến độ, kế hoạch của Ủy ban Hội LHTN Việt Nam huyện đề ra.

Yên Bái tăng cường phổ biến kiến thức pháp luật cho thanh niên.

UBND tỉnh Yên Bái vừa ban hành Kế hoạch số 96/KH-UBND ngày 24/4/2024 về triển khai thực hiện Chương trình phòng, chống ma túy trong thanh, thiếu niên trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Các đồng chí cán bộ Đoàn, đoàn viên thanh niên, huyện Trấn Yên tham gia công trình mở đường Tà Xi Láng, huyện Trạm Tấu tham dự buổi gặp mặt.

Gần 200 ĐVTN huyện Trấn Yên đã tham gia chiến dịch mở đường lên Tà Xi Láng với trên 3.000 công lao động. Kết thúc chiến dịch, đã có 5 ĐVTN của huyện được kết nạp Đảng, 2 đồng chí được khen thưởng vì những đóng góp cho công trình; đặc biệt, đã có 2 cặp đôi nên duyên vợ chồng; nhiều đồng chí hôm nay đang là cán bộ chủ chốt từ cấp Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã, thị trấn...

Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương bấm nút Khai mạc tháng ATVSLĐ và tháng Công nhân

Sáng nay (26/4), tại Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt – Xô diễn ra Lễ phát động Tháng hành động An toàn vệ sinh lao động và Tháng công nhân năm 2024. Sự kiện do Ban Chỉ đạo Tháng hành động về An toàn vệ sinh lao động Trung ương phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tổ chức.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục