Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các cấp Hội nông dân trong tỉnh đã phối hợp với các ngành, doanh nghiệp tạo điều kiện cho hội viên vay vốn, cung ứng vật tư phân bón trả chậm, tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT), xây dựng các mô hình ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị đảm bảo an toàn thực phẩm gắn với bảo vệ môi trường, tăng giá trị kinh tế trên diện tích đất canh tác.
HND các huyện, thị xã, thành phố đã hình thành một số vùng sản xuất tập trung với quy mô lớn như: trồng dưa hấu, cỏ ngọt, ớt tại xã Thanh Lương; nuôi trồng thủy sản tại xã Phù Nham; nuôi dê tại xã Phúc Sơn; trồng nấm rơm tại phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ; trồng khoai sọ tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Hát Lừu…, huyện Trạm Tấu; trồng lúa chất lượng cao tại: Yên Phú, Đại Phác, An Thịnh, huyện Văn Yên; nuôi vịt cổ xanh tại các xã: Việt Hồng, Hồng Ca, huyện Trấn Yên…
Từ đầu năm 2021 đến nay, các cấp Hội đã tổ chức được trên 500 lớp tập huấn kỹ thuật về chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh trên cây lúa, ngô, cây ăn quả và phòng chống đói, rét cho gia súc, gia cầm với gần 20.000 lượt hội viên tham gia.
Điển hình như: HND huyện Trạm Tấu đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ, hỗ trợ nông nghiệp huyện trồng mới 3 ha cây sâm Hoàng Shin Cô tại xã Xà Hồ. Trồng thử nghiệm giống bơ 034; giống hồng giòn không hạt FUJU MC1 của Nhật Bản; trồng 6 ha cây lê vàng và chăm sóc 4 ha măng sặt… tại các xã: Túc Đán, Tà Xi Láng, Phình Hồ, Bản Công. HND huyện Trấn Yên vận động nhân dân trồng mới 125 ha tre măng Bát độ, theo mô hình chuỗi giá trị từ trồng, chăm sóc, tiêu thụ sản phẩm tại các xã: Hồng Ca, Kiên Thành, Hưng Khánh…
Ông Giàng A Câu - Chủ tịch HND tỉnh cho biết: "Hiện nay, Hội ủy thác với hệ thống Ngân hàng Chính sách Xã hội, thông qua 633 tổ tiết kiệm và vay vốn, tạo điều kiện cho 22.179 hội viên vay số tiền trên 946 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho 5.517 hộ vay vốn với số tiền gần 500 tỷ đồng.
Ngoài ra, chúng tôi còn sử dụng hiệu quả Quỹ Hỗ trợ nông dân trên 21 tỷ đồng; trong đó, nguồn Trung ương Hội ủy thác trên 7 tỷ đồng; nguồn kinh phí của tỉnh trên 6,5 tỷ đồng; huyện trên 8,2 tỷ đồng. Nguồn vốn trên đã triển khai 121 dự án với 636 hộ vay vốn.
Điển hình như 3 dự án nuôi bò sinh sản tại xã Hưng Thịnh, huyện Trấn Yên với 15 hộ vay số tiền 750 triệu đồng; dự án nuôi trâu sinh sản tại xã Mông Sơn, huyện Yên Bình với 15 hộ vay số tiền 750 triệu đồng; mô hình trồng quế tại xã Đại Phác, huyện Văn Yên với 10 hộ, kinh phí 300 triệu đồng… Việc quản lý sử dụng vốn vay đúng đối tượng, đúng mục đích nên không có tình trạng nợ quá hạn”.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về XDNTM, Hội đã xây dựng kế hoạch, văn bản hướng dẫn chỉ đạo các cấp Hội vận động hội viên thực hiện các tiêu chí NTM; tham gia hiến công, hiến đất, tích cực tham gia bê tông hóa đường giao thông nông thôn, tu sửa, nạo vét kênh mương nội đồng, làm nhà văn hóa thôn, bản…
Từ đầu năm 2021 đến nay, hội viên đã hiến 22.252 m2 đất, ủng hộ trên 40.000 ngày công lao động, tu sửa, phát dọn, nạo vét, mở mới và bê tông hóa 1.219 km đường giao thông nông thôn; khơi thông gần 400 km kênh mương nội đồng phục vụ cho sản xuất; nâng cấp 4 cầu, sửa chữa, làm mới gần 50 nhà văn hóa...
Các công trình điện, đường, trường, trạm, thông tin, nước sạch, vệ sinh môi trường được đầu tư theo phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm, Nhà nước hỗ trợ và nhân dân làm là chính”, tạo bước đột phá làm thay đổi diện mạo nông thôn từ vùng thấp đến vùng cao, góp phần đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện.
Tiếp tục phát huy vai trò tiên phong trong phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, thời gian tới, HND các cấp tiếp tục đẩy mạnh Phong trào "Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, tập trung sản xuất, kinh doanh thực phẩm an toàn; đẩy mạnh xây dựng mô hình hợp tác xã, hội nghề nghiệp; phối hợp với các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để quảng bá và tiêu thụ sản phẩm…, xây dựng tổ chức Hội trong sạch, vững mạnh.
Thạch Phong