Cụm từ này cứ vậy nhanh chóng đi vào cuộc sống người dân, lan truyền tận Trung ương, được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, giới truyền thông cho là tiêu chí "độc đáo”, là triết lý phát triển của Yên Bái. Thực tế, tất cả các mục tiêu đều xuyên suốt, tất cả hoạt động của hệ thống chính trị đều cùng hướng đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc của người dân - đơn giản là thế.
Từ góc nhìn ở cộng đồng dân cư, từ các địa phương cơ sở, bà con ta dường như không ai nhận thấy hạnh phúc bằng mức độ hài lòng hay các tiêu chí rành rọt. Nhưng mắt thấy tai nghe, phần đa người dân đang hưởng cuộc sống khá đàng hoàng, đang sung sướng trong đời sống tinh thần.
Có lẽ bởi mục tiêu xóa đói giảm nghèo theo kế hoạch của tỉnh nhanh chóng được các cấp ngành, đoàn thể vào cuộc triển khai với nhiều hành động cụ thể.
Sự quan tâm của tỉnh đối với các hộ nghèo, cùng đó là tinh thần tương thân, tương ái tạo động lực để các hộ vươn lên theo kịp bước tiến của cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Nhờ thế mà tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn đạt gần 7,6%; đã có gần 11.000 lao động được giải quyết việc làm, thu nhập cho người dân được nâng cao.
Lại phải kể đến phong trào giúp đỡ các xã đỡ đầu của các ban, ngành đoàn thể! Giúp đỡ đến người dân khó khăn ở tận thôn khó khăn về nhà ở, công cụ sản xuất, giống cây con. Mỗi lần về với địa bàn được giao phụ trách là một lần chia sẻ với bà con dân bản vùng cao, vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; là một lần để mỗi cán bộ, công chức, viên chức cảm nhận hạnh phúc bản thân mà có thêm nhiệt huyết hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trong tâm tư, tình cảm, người dân ở nhiều thôn bản thì không ít người cảm nhận được hạnh phúc khi thấy cán bộ cấp trên xuống lao động với bà con. Ngày cuối tuần cùng dân trở thành phong trào trong hệ thống chính trị các cấp, cán bộ xắn tay làm đường bê tông, cùng góp sức xây nhà văn hóa, gặt lúa, vệ sinh môi trường… Cứ như người nhà, gần gũi thế làm sao dân không vui, sao dân không hạnh phúc?
Cùng làm, cùng chia sẻ, niềm vui không dừng, chẳng ai bảo ai, bà con cứ coi việc xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn là việc của mình vậy.
Chung sức làm đường, chung sức xây dựng nông thôn mới trở thành phong trào, con số thống kê của chính quyền cơ sở về số người hiến đất làm đường, xây nhà văn hóa cứ vậy tăng lên. Các công trình phục vụ đi lại, sản xuất, sinh hoạt cộng đồng của bà con ngày càng hoàn thiện. Nhiều người được khen thưởng, có nơi chính quyền còn dựng bia cảm ơn người dân đã hiến đất xây dựng kết cấu hạ tầng. Trước đây, dân cảm ơn Nhà nước, giờ được Nhà nước cảm ơn người dân, chắc hẳn dân ta hạnh phúc thật rồi!
Màn trình diễn quảng bá du lịch Yên Bái thông qua dự Hội thi dân vũ trực tuyến của phụ nữ Công an tỉnh Yên Bái.
Khoan hãy nhắc đến những khó khăn của 2 năm vừa qua, chúng ta đã thực hiện chỉ số "hạnh phúc” trong điều kiện phòng chống dịch là tình cảnh chung của đất nước và thế giới! Nhưng dân Yên Bái tự hào mình sống ở địa bàn "vùng xanh” lâu nhất, là 1 trong những địa phương cuối cùng có ca nhiễm COVID-19. Có phải vì thế mà Yên Bái trở thành nơi đáng sống theo suy nghĩ của không ít người dân trong và ngoài tỉnh.
Tự hào thế nên người dân không nề hà đóng góp, tích cực chung tay trang hoàng phố phường, thôn bản mỗi dịp lễ tết. Những cuộc trao giải chỉnh trang đường phố, cổng thôn, tổ dân phố đẹp, nhà văn hóa khang trang khẳng định sự đồng thuận của bà con trong phong trào xây dựng địa bàn sáng, xanh, sạch đẹp và tất cả người dân hạnh phúc về điều đó.
Có những xã thành lập hàng chục câu lạc bộ dân vũ luyện tập hàng ngày hay các đội thi đấu thể thao thường xuyên thi đấu. Con số trên 1.300 đội văn nghệ quần chúng, trên 500 câu lạc bộ thể dục thể thao, 40,6% tổng dân số của tỉnh tham gia tập luyện thể dục thể thao thường xuyên tạo nên không khí sôi nổi ở cơ sở.
Hạnh phúc hiển hiện trên gương mặt các cụ ông cụ bà chung bài tập dưỡng sinh, bạn trẻ say xưa rèn luyện mỗi sáng ở từng nhánh phố, nơi sân trường, công viên, thôn xóm. Có tổ chức đoàn thể ở một số địa phương thì hình thành các câu lạc bộ gia đình hạnh phúc, làm nơi để các thành viên giao lưu, sinh hoạt, tạo chuẩn mực gia đình văn hóa, thúc đẩy gắn kết cộng đồng, xây dựng thôn - tổ hạnh phúc.
Theo Kế hoạch số 63-KH/TU của Tỉnh ủy đã ban hành từ đầu năm 2022 về nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân Yên Bái, chúng ta tiếp tục gắn kết hài hòa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa - xã hội; chú trọng thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, nhất là đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Các phong trào xây dựng "Gia đình hạnh phúc", "Thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc"; tiêu chí tạm thời đánh giá "Xã, phường, thị trấn hạnh phúc", tiêu chí "Ứng xử trong gia đình" được áp dụng sẽ góp phần xây dựng nền tảng gia đình hạnh phúc, nâng cao chất lượng mối quan hệ gia đình và xã hội… Và ở góc nhìn cơ sở, mục tiêu đã trở thành phong trào, câu chuyện về hạnh phúc sẽ hiện hữu ở Yên Bái trong nay mai.
■ Bà Giàng Thị Ninh - xã Hồ Bốn, huyện Mù Cang Chải:
Đồng bào Mông chúng tôi rất phấn khởi khi được Nhà nước quan tâm nâng cao đời sống để người dân hạnh phúc. Cùng với sự quan tâm của chính quyền các cấp, người dân trong xã tự giác nêu cao trách nhiệm, cùng nhau chung sức, đồng lòng, tham gia phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới. Ai cũng đều thấy vui khi cuộc sống ngày càng được cải thiện.
■ Ông Nguyễn Văn Thái - phường Hồng Hà, thành phố Yên Bái:
Tôi nghĩ rằng, gia đình hạnh phúc thì xã hội mới ngày càng tốt đẹp, văn minh hơn. Chính vì vậy, các thành viên trong gia đình tôi luôn sống vui vẻ, biết quan tâm và chia sẻ với nhau mọi công việc trong cuộc sống. Đó cũng chính là động lực để tuổi già chúng tôi sống vui, sống khỏe và sống có ích, tham gia nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống tinh thần và lan tỏa niềm vui, niềm hạnh phúc tới mọi người xung quanh.
■ Bà Phùng Thị Tuyến - xã Quy Mông, huyện Trấn Yên:
Hạnh phúc với tôi không chỉ đơn giản là việc có cuộc sống đủ đầy mà tôi muốn chia sẻ điều ấy tới mọi người xung quanh. Tôi cùng các chị em trong xã đã liên kết, thành lập Hợp tác xã Miến đao Việt Hải Đăng chuyên sản xuất miến, tiêu thụ sản phẩm bột đao cho người dân, mang lại việc làm, thu nhập cho chị em phụ nữ. Giờ đây, HTX của chúng tôi đã xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, giúp chị em có thêm thu nhập, góp phần nâng cao đời sống vật chất, xây dựng cuộc sống gia đình hạnh phúc.
■ Ông Vàng A Dinh - xã Suối Bu, huyện Văn Chấn:
Nghe cán bộ giải thích, gia đình chúng tôi thấy việc xây dựng gia đình hạnh phúc, thôn, bản, tổ dân phố hạnh phúc rất hay, ý nghĩa và thiết thực. Điều nay giúp tôi cùng các thành viên trong gia đình cùng nhìn lại cách ứng xử, mối quan hệ trong gia đình, hàng xóm, anh em, bạn bè, bà con hàng xóm sao cho phù hợp. Những điều đơn giản đó sẽ giúp chúng ta đều cảm thấy hài lòng và hạnh phúc với cuộc sống của mình. |
CẦU MƠ HẠNH PHÚC
Qua thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh - vùng đất bưởi nổi tiếng của huyện Yên Bình không chỉ bắt mắt, ấn tượng bởi những vườn bưởi trĩu quả mà ai cũng phải thốt lên: Nơi đây thật đáng sống!
Đi cùng tôi đến mua loại quả đặc sản của vùng đất này, mấy người bạn như bị mê hoặc. Một ngôi nhà thấp thoáng trong những tán bưởi, trước sân nhà được bao quanh là hoa, người bạn không khỏi trầm trồ, xuýt xoa "Đẹp thấy mê”… rồi xin phép "check in” cảnh đẹp nơi này.
Đó là bức họa làng quê xanh, sạch, đẹp, yên bình, xe bốn bánh chạy bon bon, cây xanh, hoa hai bên đường như bức họa đẹp mắt cùng nhiều tiện nghi khác khiến Cầu Mơ đang trở thành nơi nhiều người "muốn đến, muốn trở về”.
Trong giọng nói không giấu được niềm tự hào, chị Nguyễn Thị Vân - chủ nhà cho hay: "Từ khi xã xây dựng nông thôn mới, cuộc sống của người dân trong thôn như sang trang mới. Mỗi người, mỗi gia đình đều đoàn kết, tích cực lao động sản xuất vươn lên làm giàu chính đáng. Chúng tôi cũng tự bảo nhau, trước hết phải tự làm đẹp cho ngôi nhà của mình, làm hàng rào cây xanh, rồi trồng hoa nơi mình ở làm đẹp cảnh quan chung, cùng tham gia các hoạt động của địa phương. Ai nấy đều vui vẻ, cảm thấy hạnh phúc và hài lòng hơn với cuộc sống”.
Luôn nỗ lực đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao của xã, người dân thôn Cầu Mơ đang nỗ lực, phát huy thành quả, tiếp tục xây dựng quê hương thành "miền quê đáng sống”.
Bước trên những con đường bê tông phẳng phiu, được tô điểm bởi những cây hoa cảnh rực rỡ, tận mắt thấy những ngôi nhà khang trang, Internet, các thiết bị nghe nhìn, vật dụng tiện nghi trong sinh hoạt gia đình đủ đầy, có thể thấy rõ nếp sống mới của người dân nơi đây.
Ông Trần Văn Hiệp - Bí thư Chi bộ thôn Cầu Mơ cho hay: "Thôn hiện có 167 hộ với trên 600 nhân khẩu. Với sự nỗ lực cố gắng của chính quyền, sự quan tâm đầu tư của Nhà nước và sự chung sức đồng lòng, mỗi gia đình không chỉ tập trung phát triển kinh tế mà còn quan tâm chăm chút cho mái nhà, mảnh vườn, khoảnh sân gọn gàng, sạch đẹp. Khi thấy được lợi ích của các phong trào xây dựng quê hương giàu đẹp mang lại, ai cũng tích cực tham gia, tự nguyện học theo, làm theo để nơi mình sống trở nên hạnh phúc hơn”.
Cuộc sống thanh bình của người dân thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh, huyện Yên Bình.
Những ngày tháng qua, nhân dân trong thôn đã tích cực tham gia hiến công, hiến đất để mở rộng đường giao thông, kênh mương nội đồng; đóng góp ngày công, kinh phí để nâng cấp, xây mới nhà văn hóa thôn; thực hiện trồng, chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường…
Nổi bật lên là màu xanh mát mắt của những nhà vườn trái sai trĩu cành hứa hẹn vụ bội thu. Những năm qua, lợi thế về đất nông nghiệp đã được người dân sử dụng rất hiệu quả để phát triển vùng sản xuất chuyên canh cây ăn quả có múi, giúp cho bà con có mức thu nhập ổn định khoảng 45 triệu đồng/người/năm.
"Được lựa chọn để xây dựng thôn hạnh phúc của xã, của huyện, Chi bộ Cầu Mơ đang nỗ lực vận động đảng viên và nhân dân đồng lòng để tiếp tục mở rộng 500 m đường và hoàn thành xây dựng nhà đa năng để tổ chức các sự kiện của thôn và là nơi giao lưu, kết nối bà con trong thôn” - Bí thư Chi bộ Trần Văn Hiệp hào hứng cho biết thêm.
Sự hài lòng trước cuộc sống hiện tại hiện rõ trên gương mặt, nụ cười, trong những câu chuyện đầy yêu thương của người dân quê Cầu Mơ hiền lành, chất phác - nơi đó, nếp sống văn hóa, văn minh, các giá trị văn hóa tốt đẹp được bồi đắp trong từng gia đình; đời sống tinh thần của người dân nâng lên rõ rệt từ các phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao… Tôi thấy người dân Cầu Mơ đang mỗi ngày hạnh phúc!
HỘI VIÊN ĐOÀN THỂ XÂY DỰNG MÔI TRƯỜNG SỐNG XANH
Xây dựng môi trường sống xanh đã thu hút sự quan tâm của nhiều tổ chức đoàn thể trong tỉnh thời gian qua, trong đó, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) và Hội Nông dân (ND) tỉnh là hai tổ chức đã có nhiều phong trào, hoạt động thiết thực để bảo vệ môi trường (BVMT) gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM).
Thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, hàng năm, Hội LHPN tỉnh triển khai xây dựng các mô hình theo các tiêu chí phù hợp với thực tế tại cơ sở, giúp hội viên dễ dàng thực hiện có hiệu quả tiêu chí "3 sạch” (sạch nhà, sạch bếp, sạch ngõ), nhất là đối với gia đình hội viên phụ nữ ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, "3 sạch” đã trở thành ý thức của hội viên phụ nữ: trong nhà, ngoài ngõ sạch sẽ, đồ đạc sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, không còn tình trạng chăn nuôi dưới gầm sàn. Nhiều "Đoạn đường phụ nữ tự quản tạo môi trường xanh, sạch, đẹp” đã được thực hiện trên toàn tỉnh.
Các hoạt động tuyên truyền sâu rộng, đồng bộ của các cấp Hội đã huy động sự vào cuộc của hội viên và người dân tự giác tham gia.
Định kỳ mỗi tháng 2 lần, hội viên Chi hội Nông dân thôn Bản Vần, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên tổ chức vệ sinh đường làng, ngõ xóm, tạo môi trường xanh - sạch - đẹp.
Chỉ trong 6 tháng đầu năm, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức 327 hoạt động truyền thông về BVMT, ứng phó với biến đổi khí hậu; vận động xây dựng 20 mô hình tái sử dụng rác thải nhựa thành đồ dùng tiện ích; 156 hộ gia đình hội viên được Hội hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 77 hộ gia đình được hỗ trợ sử dụng nước sạch…
Cùng với các cấp Hội LHPN tỉnh, trong năm 2020, 2021, Hội ND tỉnh đã tổ chức được 1.854 buổi sinh hoạt chi, tổ Hội tuyên truyền về BVMT nông thôn, xây dựng NTM, trọng tâm là Luật BVMT. Chỉ đạo các cấp Hội tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên tham gia các hoạt động hưởng ứng sự kiện, chủ điểm lớn về môi trường như: Ngày Môi trường thế giới, Ngày Nước thế giới, Tuần lễ Quốc gia vệ sinh môi trường và nước sạch nông thôn, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn.
Hội ND tỉnh đã tiếp nhận và cấp phát trên 5.000 cuốn tài liệu truyền thông nâng cao kiến thức cho cộng đồng dân cư tham gia BVMT; in 1.750 tờ rơi hướng dẫn hội viên sử dụng an toàn thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nước sạch và BVMT, xử lý vi phạm pháp luật về môi trường; 198 cuốn tài liệu về những mô hình tiêu biểu về BVMT của Hội ND Việt Nam…
Hàng năm, các cấp Hội phối hợp mở các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức BVMT, thu gom, phân loại rác thải của hộ gia đình, thu gom, xử lý vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, xây dựng các mô hình "Đoạn đường nông dân tự quản”…
Đặc biệt, được sự hỗ trợ của Trung ương Hội ND, tỉnh Hội đã xây dựng 5 mô hình thí điểm "Thu gom, xử lý rác thải tại nguồn” tại 5 xã; xây dựng 315 mô hình nước sạch và bảo vệ MTNT; 475 công trình cấp nước sạch, nhà tiêu, chuồng trại chăn nuôi hợp vệ sinh; thành lập 450 tổ nông dân tự quản BVMT.
Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng, các doanh nghiệp tập huấn nâng cao nhận thức, kiến thức cho cán bộ, hội viên nông dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, ứng dụng các chế phẩm sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi, hạn chế xả chất thải ra môi trường…
Thông qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức, trách nhiệm của cán bộ, hội viên, các tổ chức đoàn thể tham gia BVMT, giảm thiểu tình trạng ô nhiễm môi trường nông thôn.
Phát huy tinh thần ấy, các tổ chức đoàn thể trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân tham gia các chương trình phát triển kinh tế gắn với BVMT; giữ gìn cảnh quan, góp phần cải thiện môi trường sống luôn xanh - sạch - đẹp.
Quang Tuấn - Thu Trang - Thanh Chi - Minh Huyền