Để triển khai Đề án hiệu quả, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hàng năm, Sở Tư pháp tổ chức biên soạn, in và phát hành cho phòng tư pháp các huyện, thị, thành phố cấp phát cho các tổ hòa giải ở cơ sở các tài liệu về kỹ năng hòa giải trong các lĩnh vực về tranh chấp đất đai, tranh chấp dân sự, bạo lực gia đình, hôn nhân và gia đình; giới thiệu đến các cơ quan, đơn vị, địa phương khai thác Bộ tài liệu bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở, tập huấn cho hòa giải viên.
Cùng với đó, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở; biên soạn tình huống giải đáp pháp luật về công tác hòa giải ở cơ sở. Từ năm 2019 đến nay, Sở Tư pháp đã biên soạn và phát hành 24 số Bản tin Tư pháp với số lượng 2.400 cuốn; 28 loại tờ rời với số lượng 2.800 tờ; 1.000 cuốn hỏi - đáp pháp luật về hòa giải ở cơ sở; 2.286 bộ tài liệu tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác hòa giải ở cơ sở.
Thực hiện chỉ đạo điểm về nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở tại địa phương, tỉnh đã lựa chọn các địa phương thực hiện chỉ đạo điểm, gồm: xã Khao Mang, xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải); thị trấn Nông trường Liên Sơn, xã Cát Thịnh (huyện Văn Chấn); Thịnh Hưng, Tân Hương (huyện Yên Bình); thị trấn Mậu A, xã Yên Thái (huyện Văn Yên).
Các hoạt động chỉ đạo điểm được triển khai thực hiện gồm: bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên; hỗ trợ nguồn lực thực hiện hòa giải các vụ việc phức tạp, tranh chấp giá trị tài sản lớn, tranh chấp đất đai và các trường hợp vi phạm pháp luật nhưng được miễn trách nhiệm hình sự do người bị hại tự nguyện hòa giải theo quy định của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2015; hỗ trợ, huy động nguồn lực xã hội nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên…
Để động viên kịp thời những nỗ lực của các hòa giải viên, hàng năm, tỉnh đều tổ chức biểu dương, khen thưởng đối với các tổ hòa giải, hòa giải viên, cá nhân, tổ chức có đóng góp tích cực, hiệu quả trong công tác hòa giải ở cơ sở; đồng thời, đánh giá, rút kinh nghiệm về những nội dung đang triển khai thực hiện. Hiện nay, toàn tỉnh xây dựng được 55 mô hình về hòa giải.
Toàn tỉnh hiện có 1.376 tổ hòa giải ở cơ sở với 8.630 tổ viên. Nhìn chung, các hòa giải viên đều hoạt động nhiệt tình, trách nhiệm, không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, dân tộc, tôn giáo, đã vượt qua nhiều khó khăn trong cuộc sống để tham gia tích cực và hiệu quả vào việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, giáo dục ý thức tôn trọng pháp luật và đạo đức xã hội cho người dân ở cơ sở.
Hoạt động hòa giải ở cơ sở được thực hiện tốt đã góp phần ngăn ngừa phát sinh tội phạm, giữ gìn tình đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự an toàn xã hội; góp phần tiết kiệm thời gian, công sức, tiền bạc của chính các bên tranh chấp, cũng như của các cơ quan nhà nước, chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp.
Thời gian tới, các cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước tới cán bộ và nhân dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, phát huy vai trò, trách nhiệm của cơ quan tư pháp, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội trong thực hiện nhiệm vụ hòa giải ở cơ sở; thường xuyên củng cố các tổ hòa giải và hòa giải viên, chuẩn hóa các tiêu chuẩn, điều kiện để công nhận hòa giải viên cơ sở; tăng cường bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng và nghiệp vụ hòa giải cho hòa giải viên cơ sở nhằm trang bị phương pháp, kỹ năng hòa giải, tăng tỷ lệ hòa giải thành; kết hợp chặt chẽ công tác hòa giải ở cơ sở với hoàn thiện Quy chế dân chủ cơ sở, xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, phong trào xây dựng nông thôn mới và tiếp cận pháp luật.
Hồng Oanh