Hội chữ thập đỏ Yên Bái góp phần gắn kết cộng đồng - lan tỏa hành động nhân ái

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/11/2022 | 7:33:30 AM

YênBái - Những năm qua, Hội Chữ thập đỏ tỉnh Yên Bái tăng cường phát triển lực lượng của Hội và quản lý hội viên; triển khai toàn diện công tác cứu trợ xã hội, trợ giúp nhân đạo, chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam.

Hội Chữ thập đỏ tỉnh trích Quỹ Cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ trường hợp bị cháy nhà.
Hội Chữ thập đỏ tỉnh trích Quỹ Cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ trường hợp bị cháy nhà.

Năm 2022 đánh dấu chặng đường 76 năm lịch sử vẻ vang của Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam. Đây là dịp để mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên chữ thập đỏ (CTĐ) vinh dự, tự hào ôn lại truyền thống, từng bước thực hiện có hiệu quả vai trò là lực lượng nòng cốt, cầu nối trong hoạt động nhân đạo.

CHUNG SỨC VÌ SỰ NGHIỆP NHÂN ĐẠO

Ngày 23/11/1946, tại đình làng Thanh Ấm, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Tây (nay là thành phố Hà Nội) đã diễn ra Đại hội lần thứ Nhất, chính thức thành lập Hội Hồng thập tự Việt Nam. Kể từ đó, ngày 23/11/1946, đi vào lịch sử của Hội CTĐ Việt Nam đánh dấu sự ra đời của một tổ chức xã hội từ thiện, nhân đạo của quần chúng.

Cùng với sự lớn mạnh của Hội CTĐ Việt Nam, những năm qua, Hội CTĐ tỉnh Yên Bái tăng cường phát triển lực lượng của Hội và quản lý hội viên. Đến nay, toàn tỉnh có 58.052 hội viên; 5.277 tình nguyện viên; 114.371 thanh, thiếu niên CTĐ; 173 đội thanh, thiếu niên CTĐ xung kích trong trường học. 

Năm 2022, công tác cứu trợ xã hội, trợ giúp nhân đạo, chăm sóc, giúp đỡ gia đình thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng, giúp đỡ người nghèo, chăm sóc nạn nhân chất độc da cam được Hội triển khai toàn diện. 

Điển hình là Phong trào "Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo”... Hội đã chủ động đổi mới nội dung, hình thức huy động theo phương châm "Chuyên nghiệp và đáng tin cậy”. 

Hội đề cao việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí được hỗ trợ, tạo dựng niềm tin đối với các nhà tài trợ. Nhờ đó, nhận được sự ủng hộ của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh. 

Năm 2022, các cấp Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân, các nhà hảo tâm, các doanh nghiệp hỗ trợ 12.565 suất quà cho người nghèo, nạn nhân chất độc da cam và các đối tượng khác trong toàn tỉnh tổng trị giá 5,7 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hoạt động Tháng nhân đạo với các hoạt động trợ giúp thiết thực cho người dân cũng thành công hết sức tốt đẹp. 

Với nhiều hoạt động tổ chức vận động nguồn lực, gửi thư ngỏ kêu gọi ủng hộ, trích quỹ nhân đạo thăm và tặng quà các đối tượng, Tháng nhân đạo đã hỗ trợ được 2.192 lượt đối tượng tổng trị giá trên 10 tỷ đồng. Hoạt động chăm sóc sức khỏe cho nhân dân dựa vào cộng đồng tiếp tục được tổ chức sâu rộng, khẳng định vai trò cầu nối của Hội. 

10 tháng qua, Hội CTĐ đã tổ chức các hoạt động khám, chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho trên 300 người dân xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu. Duy trì hoạt động tại các điểm sơ cấp cứu cộng đồng trên các đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông, sơ cứu cho 42 người bị tai nạn giao thông, thăm hỏi 12 người tại các cơ sở y tế, đội xe ôm tình nguyện đã chở 8 trường hợp bị tai nạn giao thông miễn phí... 

Công tác vận động nguồn lực phối hợp xây dựng các công trình nhân đạo làm đường giao thông nông thôn, làm nhà Hội CTĐ tỉnh trích Quỹ Nhân đạo hỗ trợ kinh phí làm nhà CTĐ tại xã Tân Nguyên và phối hợp Hội CTĐ thành phố Hà Nội hỗ trợ 23 tấn xi măng làm đường giao thông tại huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải. Các hoạt động cứu trợ khẩn cấp đồng bào bị thiên tai; hỗ trợ nạn nhân trong các vụ tai nạn, thảm họa được các cấp Hội tiến hành kịp thời, hiệu quả. 

Hội đã trích Quỹ Cứu trợ khẩn cấp hỗ trợ 13 trường hợp bị tai nạn, cháy nhà và đuối nước tại huyện Yên Bình, Trấn Yên, Văn Yên; Hội CTĐ huyện Văn Yên, Trấn Yên phối hợp với các ban, ngành hỗ trợ 4 trường hợp bị tai nạn và đuối nước. 

Ngoài ra, công tác hiến máu tình nguyện hoạt động mạnh mẽ, Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện tỉnh phối hợp với ban chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện các huyện, thị, thành phố và các cơ quan, đơn vị tổ chức các đợt hiến máu tình nguyện kết quả đã có 7.500 người đăng ký hiến máu và tiếp nhận được 4.501 đơn vị máu đạt 81% kế hoạch năm 2022. 

9/9 huyện, thị, thành phố, Trường Cao đẳng Yên Bái và 128 xã, phường, thị trấn và trường chuyên nghiệp đã thành lập Ban Chỉ đạo vận động hiến máu tình nguyện. Duy trì và tổ chức hoạt động của 22 câu lạc bộ tuyên truyền, vận động và đội thanh niên xung kích hiến máu tình nguyện với tổng số 726 thành viên là những người dự bị hiến máu thuộc các cơ quan, sở, ban, ngành trong tỉnh. Tăng cường tuyên truyền, vận động hiến mô, hiến tạng, bộ phận cơ thể người và hiến xác trong cộng đồng... 

Bằng những việc làm cụ thể, các cơ sở Hội CTĐ trong tỉnh đã trở thành cầu nối giữa các tổ chức, đơn vị cá nhân với công tác nhân đạo. Thời gian tới, Hội tiếp tục tích cực tuyên truyền, nhân rộng các mô hình từ thiện, hướng tới mục tiêu xã hội hóa công tác nhân đạo.

NHỮNG NGHĨA CỬ CAO ĐẸP

Hoạt động khám, chữa bệnh nhân đạo, cùng với duy trì các điểm sơ cấp cứu cộng đồng, cùng nhiều hoạt động thiện nguyện ý nghĩa, đặc biệt là trong đợt dịch Covid-19 là những nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng chung tay thông qua các cấp Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) trong tỉnh đã góp phần rất lớn cùng xã hội chăm sóc sức khỏe cho người dân, nhất là các đối tượng thuộc hộ nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt…

Những năm qua, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu là một trong những hoạt động trọng tâm của các cấp Hội CTĐ quan tâm thực hiện. Những chương trình phối hợp với các đơn vị thiện nguyện khám, chữa bệnh và cấp phát thuốc miễn phí cho người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, người có công với cách mạng, nạn nhân chất độc da cam, người cao tuổi, đối tượng có hoàn cảnh khó khăn là hoạt động vô cùng ý nghĩa đối với người dân. 


Đội xe ôm tình nguyện huyện Văn Yên sơ cứu miễn phí cho người bị tai nạn giao thông. 

Ông Trần Văn Lê, 75 tuổi ở thôn Khe Cỏ, xã An Thịnh, huyện Văn Yên chia sẻ: "Hôm có bác sĩ dưới xuôi lên khám bệnh miễn phí tôi cũng được thăm khám. Các bác sĩ tận tình lắm cho tôi thuốc còn khuyên tôi nên ăn gì và không nên ăn gì, nhờ đó dạo gần đây tôi thấy khỏe hơn, ít bị đau khớp”.

Trong 5 năm qua, không chỉ ông Lê mà đã có trên 28.000 lượt người dân các xã vùng sâu, vùng cao khó khăn được khám bệnh, tư vấn sức khỏe và cấp phát thuốc miễn phí thông qua các chương trình phối hợp giữa cấp Hội CTĐ trong tỉnh phối hợp với các bệnh viện trong và ngoài tỉnh, hội thầy thuốc trẻ, trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố tổ chức. 

Cùng với đó, Hội CTĐ tỉnh đã kết hợp tuyên truyền giáo dục sức khỏe, vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm. Từ đầu năm đến nay, các cấp Hội đã phối hợp tổ chức các hoạt động khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí và tặng quà cho trên 1.800 người là hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách, đối tượng dễ bị tổn thương trên địa bàn với tổng trị giá trên 398 triệu đồng.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh về việc yêu cầu tiếp tục tăng cường các giải pháp phòng, chống hiệu quả dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh, Hội CTĐ tỉnh đã quán triệt sâu sắc đến cán bộ, công chức, viên chức và người lao động tinh thần đề cao cảnh giác, tuyệt đối không được lơ là, chủ quan để giảm tối đa nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. 

Hội CTĐ các cấp đã tổ chức 38 buổi truyền thông cho 7.572 lượt người; cấp phát miễn phí 9.000 khẩu trang; trang phục, khẩu trang vải, vật tư y tế phòng, chống dịch Covid-19, tờ gấp hướng dẫn sơ cấp cứu từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Hội. Đã có 156 tin, bài cập nhật tình hình dịch, truyền thông các biện pháp phòng chống và hoạt động ứng phó của Hội. 

Đồng thời, các cấp Hội tham gia tuyên truyền, vệ sinh nhà trường, tham gia khử trùng tại các trường học… Tổ chức 3 lớp tập huấn kiến thức, kỹ năng sơ cấp cứu ban đầu cho 92 cán bộ, hội viên, tình nguyện viên năm 2022; tiếp tục duy trì hoạt động tại các điểm sơ cấp cứu cộng đồng trên các đoạn đường thường xảy ra tai nạn giao thông, trong năm 2022 đã sơ cứu cho 54 người bị tai nạn giao thông, thăm hỏi 19 người tại các cơ sở y tế, đội xe ôm tình nguyện đã chở 16 trường hợp bị tai nạn giao thông miễn phí, Hội duy trì "Nồi cháo tình thương” cho những bệnh nhân nghèo có hoàn cảnh khó khăn 3.158 suất với trị giá gần 32 triệu đồng. 

Những hoạt động ý nghĩa trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân cùng với những nghĩa cử cao đẹp của các nhà hảo tâm, các y, bác sĩ, các tình nguyện viên đã giúp các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn được động viên chăm sóc, chia sẻ, giúp họ vượt lên số phận, xây dựng cuộc sống tươi đẹp.

SẺ CHIA NHỮNG GIỌT MÁU HỒNG

Những năm qua, phát huy truyền thống của Bưu điện Việt Nam, Bưu điện tỉnh Yên Bái đã phát động triển khai phong trào hiến máu tình nguyện (HMTN) rộng rãi trong toàn thể cán bộ, người lao động trên địa bàn toàn tỉnh. Qua đó, góp phần sẻ chia giọt máu hồng, tiếp thêm sự sống cho người bệnh. 


Cán bộ Bưu điện tỉnh hiến máu tại Ngày Hội hiến máu tình nguyện trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Yên Bái năm 2022. 

Tại Ngày hội HMTN trong đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động tỉnh Yên Bái năm 2022, khuôn mặt ai cũng hân hoan, rạng rỡ bởi được sẻ chia giọt máu của mình làm điều có ích cho xã hội. 

Anh Nguyễn Mạnh Tùng - Bí thư Đoàn thanh niên Bưu điện tỉnh chia sẻ: "Đây là lần thứ 4 tôi tham gia hiến máu. Mỗi lần hiến máu, tôi đều cảm thấy xúc động vì đã góp phần nhỏ bé cứu sống người bệnh. Tôi cũng thường xuyên vận động đoàn viên, thanh niên nâng cao nhận thức về HMTN, vận động người thân, bạn bè cùng chung sức tham gia phong trào đầy tính nhân văn này. Nhất định tôi vẫn sẽ hiến máu, cống hiến sức trẻ vì cộng đồng”. 

Còn đối với chị Lê Ngọc Bích - cán bộ Bưu cục thành phố Yên Bái tâm sự: "Lần đầu hiến máu, tôi rất hồi hộp nhưng y, bác sĩ lấy máu nhẹ nhàng. Là thành viên của ngôi nhà chung Bưu điện tỉnh, tôi sẽ tiếp tục cùng mọi người tham gia hiến máu”. 

Từ năm 2017, hưởng ứng Phong trào "Bưu điện Việt Nam - những giọt máu hồng”, định kỳ mỗi năm 1 lần, Bưu điện tỉnh lại phát động phong trào HMTN tới toàn bộ cán bộ, người lao động toàn ngành. Để Phong trào phát triển, trở thành truyền thống Bưu điện tỉnh đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về mục đích, ý nghĩa và tầm quan trọng của HMTN. 

Nhờ đó, đến nay, nhiều cán bộ, người lao động Bưu điện tỉnh đã coi việc HMTN không chỉ mang đến sự sống của con người mà còn là một hành động cao cả, một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái, trách nhiệm của mỗi cá nhân với cộng đồng. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Giám đốc Bưu điện tỉnh cho biết: "Phong trào HMTN đã trở thành phong trào truyền thống của Bưu điện tỉnh Yên Bái. Mỗi năm, Bưu điện tỉnh Yên Bái hiến từ 100 - 120 đơn vị máu. Số người đăng ký tham gia hiến máu, hiến máu nhắc lại ngày càng nhiều. Chúng tôi cũng có những phần quà, khen thưởng động viên, khích lệ những cá nhân tiêu biểu tham gia hiến máu để Phong trào ngày càng lan tỏa rộng khắp. Người bệnh được truyền máu không chỉ được tiếp nhận vào cơ thể mình sự sống mà còn được đón nhận cả tình thương của đồng loại”.

Có thể khẳng định, phong trào HMTN trong đội ngũ cán bộ, người lao động Bưu điện tỉnh thời gian qua rất đáng trân trọng, góp phần to lớn đem lại niềm hạnh phúc cho nhiều bệnh nhân. Tin tưởng, với những tấm lòng nhân ái, phong trào HMTN của Bưu điện tỉnh tiếp tục lan tỏa, tiếp thêm niềm tin, hy vọng cho nhiều người gặp khó khăn về sức khỏe cần nguồn máu để duy trì sự sống.

TẠO SINH KẾ CHO NGƯỜI DÂN

Từ năm 2010, Trung ương Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) Việt Nam triển khai thực hiện Dự án "Ngân hàng bò” tại các huyện nghèo của 14 tỉnh. Tại Yên Bái, Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều hộ nghèo vươn lên phát triển kinh tế bền vững, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương…

Năm 2013, qua bình xét, gia đình anh Vàng A Lủ ở bản Háng Chú, xã Kim Nọi, huyện Mù Cang Chải được Hội CTĐ huyện giao 1 con bò giống, trong Dự án "Ngân hàng bò” về nuôi, đồng thời được tập huấn kiến thức về chăn nuôi bò sinh sản. Sau hơn 1 năm nuôi và chăm sóc, bò giống đã sinh được 1 con bê, gia đình anh đã bàn giao bê con cho Ban Quản lý Dự án "Ngân hàng bò” của xã, để tiếp tục bàn giao bê con cho hộ gia đình nghèo khác, còn con bò giống thuộc quyền sở hữu của gia đình anh Lủ. 

Từ bò giống của Dự án, hiện nay, gia đình anh Lủ có thêm 2 con bò. Đây là nguồn tài sản có giá trị với gia đình, giúp gia đình anh thoát nghèo. Không chỉ có gia đình anh Lủ, nhiều hộ ở huyện Mù Cang Chải cũng có chung niềm vui thoát nghèo từ Dự án. Năm 2013, Dự án được triển khai tại huyện Mù Cang Chải. 

Toàn huyện có 5 xã được hưởng lợi gồm: Mồ Dề, Kim Nọi, Lao Chải, Khao Mang, Dế Xu Phình. Huyện Mù Cang Chải được Hội CTĐ tỉnh hỗ trợ mua 112 con bò giống trao cho 112 hộ nghèo, tổng trị giá trên 1,2 tỷ đồng. Sau 10 năm thực hiện, đàn bò đã sinh sản được 60 con bê, Hội CTĐ huyện rà soát bê cái đủ tuổi để bình xét chuyển giao cho hộ mới, số bê đực có kế hoạch bán lấy tiền mua bê cái và tiếp tục chuyển giao cho hộ khác. 


Lãnh đạo Hội Chữ thập đỏ tỉnh trao hỗ trợ bò giống sinh sản Dự án "Ngân hàng bò” cho hộ dân. 

"Ngân hàng bò” là một mô hình rất đặc biệt, không chỉ ở hiệu quả thiết thực do Dự án mang lại mà còn ở cách thức duy trì và phát triển "ngân hàng” sống này. Mỗi hộ nghèo, hộ chính sách được trao tặng 1 con bò giống trị giá 8 triệu đồng từ nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương Hội CTĐ Việt Nam. 

Bò giống sau khi nuôi, nếu đẻ lứa đầu là bê cái thì hộ hưởng lợi tiếp tục chăm sóc bê con thêm 6-12 tháng tuổi, sau đó chuyển giao bê con cho hộ nghèo khác nuôi. Sau khi trao lứa bê đầu tiên, hộ hưởng lợi được hoàn toàn sở hữu bò giống, theo chu trình như vậy, số lượng bò tăng, đồng nghĩa với việc ngày càng có nhiều hộ gia đình nghèo khác trong địa phương được trợ giúp. 

Tại tỉnh Yên Bái, Dự án "Ngân hàng bò” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam hỗ trợ triển khai ở 9 huyện, thị, thành phố với tổng số 277 con bò sinh sản, tổng kinh phí gần 2,7 tỷ đồng. Trong đó, Trung ương Hội CTĐ Việt Nam cấp 700 triệu đồng, Hội CTĐ tỉnh Yên Bái cấp 580 triệu đồng, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cấp 384 triệu đồng... 

Theo Hội CTĐ tỉnh, sau gần 10 năm thực hiện, từ 277 con bò giống ban đầu, đã có 150 bê con được sinh ra, riêng 9 tháng năm 2022, tổng số bò sinh sản được 15 con, trị giá 150 triệu đồng. Hiện tại, các gia đình đang chăm sóc tốt và thực hiện theo đúng cam kết của Dự án. 

Đây là một chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước, hợp lòng dân. Dự án đã mang lại hiệu quả thiết thực, thể hiện sự sẻ chia của cộng đồng với tinh thần tương thân, tương ái, tạo điều kiện để người nghèo phát triển kinh tế.  
                                                                                       
Thu Hiền - Minh Tư - Lê Thương

Tags Hội chữ thập đỏ Yên Bái hoạt động nhân đạo

Các tin khác
Cán bộ BHXH tỉnh tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện theo nhóm nhỏ.

Tính đến hết tháng 10/2022, các chỉ số công tác thu, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Yên Bái đều tăng. Tuy nhiên, vẫn còn khoảng cách không nhỏ để ngành BHXH tỉnh hoàn thành nhiệm vụ năm 2022.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT), gần đây nhiều vụ việc nổi cộm trên không gian báo chí, truyền thông, trong đó có vụ việc trở thành “sự cố truyền thông”, ảnh hưởng lớn đến tâm lý xã hội, sản xuất kinh doanh, thậm chí trật tự an ninh.

Các đại biểu dự Hội nghị

Chiều 24/11, Hội Cựu chiến binh (CCB) Khối cơ quan và doanh nghiệp (CQ&DN) tỉnh tổ chức Hội nghị học tập, tuyên truyền chỉ thị, nghị quyết của Đảng với sự tham dự của hội viên CCB thuộc 33 chi hội cơ sở trực thuộc.

Hội thi đội hình dân quân giỏi được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức hàng năm nhằm nâng cao chất lượng huấn luyện.

Năm 2022, công tác huấn luyện, diễn tập sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trong các đơn vị thuộc Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh luôn hoàn thành 100% kế hoạch, kết quả xấp xỉ 100% đạt khá, giỏi; nhiều đơn vị thuộc Bộ CHQS tỉnh đã thực hiện sáng kiến, cải tiến hàng trăm sản phẩm, mô hình học cụ huấn luyện; tổ chức các lớp tập huấn cán bộ, huấn luyện lực lượng thường trực đều đạt 100% theo kế hoạch, chất lượng huấn luyện ngày càng được nâng lên…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục