Ở một ngôi trường trẻ
- Cập nhật: Thứ năm, 4/1/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Đến Trường THPT Sơn Thịnh (Văn Chấn) hôm nay, ít ai có thể hình dung được, cách đây chưa đầy 6 năm học, nhà trường phải dạy và học nhờ tại một cơ sở khác với biết bao bộn bề, khó khăn. Thầy Vương Văn Hoa - Hiệu trưởng nhà trường nhớ lại: “Những ngày mới thành lập, cả trường chỉ có vẻn vẹn 12 cán bộ, giáo viên, vừa trẻ về tuổi đời, tuổi nghề, vừa thiếu kinh nghiệm công tác. Tuy khóa học đầu tiên chỉ có 3 lớp 10 với 120 học sinh nhưng nhiều môn học giáo viên phải dạy kiêm nhiệm”.
(Ảnh minh họa)
|
Thành lập năm 1999, học sinh của Trường khi đó phần lớn ở nông thôn, số học sinh đồng bào dân tộc thiểu số chiếm tới 49,5%. Và cũng vì thế, chất lượng tuyển sinh lớp 10 hàng năm của nhà trường vào loại thấp nhất so với các trường THPT trong tỉnh. Toàn trường có trên 70% học sinh ở các xã xa nên các em phải ở trọ tại nhà dân. Bên cạnh đó, không ít các em ở các xã lân cận phải dậy từ 5 giờ sáng, đạp xe hàng chục ki-lô-mét đến trường đã ảnh hưởng không nhỏ đến việc duy trì sĩ số. Cùng với đó là khó khăn về cơ sở vật chất, phải học nhờ tại Trường THCS Sơn Thịnh. Đứng trước khó khăn ấy, tập thể cán bộ giáo viên nhà trường đã mạnh dạn, sáng tạo để vượt qua thử thách. Từ thầy hiệu trưởng đến cán bộ, giáo viên và học sinh đều tham gia lao động, tu sửa trường lớp, tạo dựng khuôn viên nhà trường. Đội ngũ giáo viên đã có nhiều sáng kiến, tự thiết kế phương tiện trực quan phục vụ giảng dạy; tổ chức tốt các hội thi, hoạt động ngoại khóa nhằm tăng cường công tác giáo dục học sinh. Nhà trường cũng có nhiều nỗ lực cải tiến quản lý, đề ra các biện pháp để duy trì hoạt động tự học, tự rèn trong giáo viên và học sinh. Một mặt tranh thủ sự giúp đỡ của chính quyền địa phương, Sở Giáo dục - Đào tạo và các tổ chức xã hội, mặt khác nhà trường động viên cán bộ, giáo viên tự lực cánh sinh, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn.
Từ năm học 2004 - 2005, Trường được giao nhiệm vụ mở thêm phân hiệu 2 tại xã Nậm Búng, cách cơ sở chính 40km. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhưng lại thêm một thách thức nữa cho công tác quản lý và việc bố trí giáo viên giảng dạy. Trước tình hình đó, nhà trường đã tăng cường lên cơ sở mới nhiều giáo viên có chuyên môn vững, đồng thời chú trọng công tác tuyên truyền vận động học sinh đến trường. Năm học 2005 - 2006, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đã đầu tư xây dựng một nhà 2 tầng, 8 phòng học nên công tác duy trì hoạt động dạy và học tại Phân hiệu 2 đạt kết quả tốt.
Đến nay, Trường THPT Sơn Thịnh có 27 lớp, 1.250 học sinh, trong đó tại cơ sở chính có trên 900 học sinh với 3 dãy nhà cao tầng, 15 phòng học và đầy đủ các phòng chức năng. Đặc biệt, nhà trường là một trong số ít các đơn vị trường học toàn tỉnh xây dựng nhà tập thể cho cán bộ, giáo viên với 7 phòng khép kín.
Đội ngũ cán bộ, giáo viên của Trường gồm 53 người, trong đó 48 giáo viên trực tiếp giảng dạy, có tâm huyết, có trình độ chuyên môn khá đồng đều. Nhờ phương pháp quản lý phù hợp, cùng sự cố gắng của thầy và trò nên chất lượng giáo dục dần được củng cố và nâng cao, năm sau cao hơn năm trước. Việc duy trì sĩ số luôn đạt trên 95%, tỷ lệ học sinh lên lớp đạt trên 95%, đỗ tốt nghiệp THPT bình quân hàng năm đạt trên 96%; nhiều học sinh đỗ vào các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp của Trung ương và địa phương. Đặc biệt, trong 3 năm học gần đây, Trường có nhiều học sinh giỏi trong các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp quốc gia; nhiều tổ chuyên môn đạt danh hiệu tập thể lao động tiên tiến xuất sắc; có nhiều chiến sỹ thi đua, giáo viên giỏi cấp cơ sở. Năm học vừa qua, Công đoàn nhà trường được LĐLĐ tỉnh Yên Bái tặng bằng khen; liên tục nhà trường được công nhận là trường tiên tiến.
Từ chủ trương đúng đắn đến việc làm cụ thể, chắc chắn Trường THPT Sơn Thịnh sẽ còn tiến những bước dài trong tương lai.
Văn Trường
(Đài TT-TH Văn Chấn)
Các tin khác
YBĐT - Liên đoàn lao động tỉnh Yên Bái trực tiếp quản lý 27 công đoàn cấp trên cơ sở, với tổng số 6.176 cán bộ công đoàn, bao gồm 479 ủy viên BCH, 86 ủy viên ủy ban kiểm tra và 27 trưởng ban nữ công.
YBĐT - Hôm nay (3/1/), Hội LHPN tỉnh Yên Bái đã tổ chức hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 2, tổng kết phong trào phụ nữ năm 2006. Đồng chí Hoàng Thương Lượng - Phó bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh đã tới dự.
YBĐT - Trung tâm Giáo dục thường xuyên (GDTX) tỉnh YênBái được thành lập tháng 9 năm 2002 trên cơ sở của Trung tâm Tin học, Ngoại ngữ tỉnh. Khi mới thành lập, mặc dù cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, đội ngũ cán bộ, giáo viên thiếu song Trung tâm đã từng bước vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ, góp phần quan trọng vào công tác xã hội hóa giáo dục của tỉnh.
YBĐT - Để thực hiện được mục tiêu xoá đói giảm nghèo, ngay từ đầu năm 2006, huyện Trạm Tấu đã kiện toàn Ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo từ huyện đến cơ sở; thực hiện có hiệu quả các chương trình dự án đầu tư, như hỗ trợ bò, dê sinh sản; vận động nhân dân tham gia các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ kỹ thuật. Đến nay, Trạm Tấu đã xoá được 243 hộ nghèo đạt 93,42% kế hoạch góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 70,93% xuống còn 64,30%.