Để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, đoàn thể và nhân dân về công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em, công tác tuyên truyền được thực hiện thường xuyên dưới nhiều hình thức. Hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ động phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương thực hiện tốt công tác tuyên truyền về Luật Trẻ em cũng như các chủ trương, chính sách liên quan đến trẻ em.
Trong đó, chú trọng tuyên truyền về công tác phòng, chống tại nạn thương tích, phòng chống đuối nước, kỹ năng bảo vệ trẻ em trước nguy cơ bị xâm hại, kỹ năng làm cha mẹ, chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi HIV/AIDS… cho các cấp lãnh đạo, cộng tác viên, tình nguyện viên làm công tác trẻ em từ khu dân cư, thôn, bản, tổ dân phố tới cha, mẹ, người chăm sóc trẻ em…
Ông Hoàng Anh Tuấn - Trưởng phòng Lao động - Thương Binh và Xã hội huyện Trạm Tấu cho biết: Trẻ em có quyền được sống an toàn, lành mạnh, được phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, tinh thần. Mọi hành vi tước đoạt quyền sống, xâm hại tình dục, bạo lực, lạm dụng, bóc lột, bỏ rơi, bỏ mặc đều là những hành vi bị nghiêm cấm, được quy định rõ trong Luật Trẻ em.
Thực tế vẫn còn những hành vi gây tổn hại, vi phạm quyền trẻ em đã khiến cho trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ trẻ em đang bức thiết hơn bao giờ hết. Trước tình hình đó, công tác tuyên truyền được huyện Trạm Tấu nói riêng và các địa phương khác trên địa bàn tỉnh nói chung đẩy mạnh.
"Huyện đã xây dựng kế hoạch truyền thông dành cho trẻ em trên hệ thống Đài Truyền thanh huyện định kỳ 1 lần/tháng. Ngoài ra, còn tuyên truyền bằng nhiều phương tiện thông tin khác như: tờ rơi, tuyên truyền miệng, băng rôn, khẩu hiệu... Từ đó, trẻ em có kiến thức để phòng ngừa những rủi ro đáng tiếc xảy ra” - ông Tuấn nói.
Cùng với tuyên truyền, các cấp, ngành, địa phương trên địa bàn tỉnh cũng triển khai thực hiện đúng, đủ các quyền của trẻ em theo quy định của pháp luật, thực hiện đầy đủ các chính sách của Nhà nước đối với trẻ em, đảm bảo cho mọi trẻ em đều có cơ hội phát triển toàn diện.
Đến nay, 100% trẻ em dưới 6 tuổi được cấp bảo hiểm y tế miễn phí, trẻ trong độ tuổi được tham gia tiêm chủng mở rộng, uống Vitamin A đầy đủ, được đi học mẫu giáo. Bên cạnh đó, để trẻ em được phát triển toàn diện, tỉnh đã quan tâm huy động các nguồn lực chăm lo sự nghiệp giáo dục; hệ thống trường, lớp được đầu tư kiên cố hóa, đáp ứng nhu cầu học tập của trẻ.
Các hoạt động vui chơi, giải trí, sinh hoạt văn hóa, thể dục, thể thao được đẩy mạnh, đa dạng hóa dưới nhiều hình thức, tạo điều kiện cho trẻ được giao lưu, rèn luyện, phát huy năng khiếu, sở trường và có cơ hội bày tỏ nguyện vọng của mình. Việc tranh thủ các nguồn lực ủng hộ Quỹ Bảo trợ trẻ em các cấp, các nguồn lực xã hội hóa dành cho trẻ em trong các dịp lễ, tết được đẩy mạnh. Nhờ đó, hàng năm trẻ em nhất là trẻ em nghèo, có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được động viên, hỗ trợ kịp thời. Quý I/2023, toàn tỉnh đã tặng quà tết cho gần 3.200 lượt trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt với tổng kinh phí gần 1,1 tỷ đồng...”.
Từ nguồn Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh đã hỗ trợ 21 trẻ em vùng dân tộc thiểu số, miền núi Mù Cang Chải, Trạm Tấu tham gia Giải Bóng đá nhi đồng Cúp Phát thanh - Truyền hình tỉnh năm 2023 với số tiền 500.000 đồng/trẻ.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Công ty Bảo việt Nhân thọ Yên Bái trao 20 xe đạp cho 20 học sinh nghèo vượt khó của thị xã Nghĩa Lộ và huyện Văn Chấn; hướng dẫn triển khai thực hiện Chương trình "Gói mì hạnh phúc” cho 76 đối tượng tại Trung tâm Công tác Xã hội và Bảo trợ xã hội tỉnh và 606 học sinh đang theo học Trường Tiểu học bán trú Cao Phạ, huyện Mù Cang Chải; rà soát, đăng ký và hướng dẫn gia đình 3 trẻ bị sứt môi, hở hàm ếch được khám, phẫu thuật miễn phí tại Bệnh viện Việt Nam - Cu Ba...
Có thể nói, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và bằng những việc làm hiệu quả, thiết thực, công tác bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần cùng toàn xã hội chung tay bảo vệ, chăm sóc trẻ em, giúp trẻ có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, trong sáng và lành mạnh.
Lê Thương