Thúc đẩy phụ nữ hoạt động sáng tạo
Các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong những năm qua đều dành một sự quan tâm sâu sắc đến công tác bình đẳng giới. Trong đó, khoa học và công nghệ - yếu tố đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển kinh tế - xã hội - được xem là một trong 8 lĩnh vực của mục tiêu quốc gia về đảm bảo sự tham gia bình đẳng giữa nam và nữ.
Những quyết sách, văn bản pháp luật quan trọng có thể dẫn chiếu tới như Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27/4/2007 của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Luật Bình đẳng giới 2006; Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; Hiến pháp 2013; Nghị quyết số 28/NQ-CP về Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021 - 2030 của Chính phủ;…
Đáng chú ý, Nghị quyết số 28/NQ-CP đã nêu rõ mục tiêu: "Tiếp tục thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước”. Còn trong Luật Bình đẳng giới 2006 quy định cụ thể về bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học và công nghệ như sau: "Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ. Nam, nữ bình đẳng trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế”.
Mặt khác, Nghị định 48/2009/NĐ-CP quy định về các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới cũng xác định rõ quan điểm của các nhà hoạch định chính sách là "bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển”.
Tiếp theo, Chỉ thị số 21-CT/TW của Ban Bí thư ngày 20/1/2018 về việc tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, chỉ rõ nhiệm vụ: "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam phát triển toàn diện đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, trọng dụng, tôn vinh nhằm khơi dậy tiềm năng, trí tuệ, sức sáng tạo, tinh thần khởi nghiệp, khát vọng của đội ngũ nữ lãnh đạo quản lý, nữ trí thức, nữ cán bộ khoa học, nữ doanh nhân”.
Trong những năm qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều chương trình hỗ trợ các nhà khoa học nữ, nhà sáng tạo nữ, nhà sáng chế nữ, các doanh nghiệp hay hợp tác xã do phụ nữ làm chủ, trong đó có lĩnh vực sở hữu trí tuệ, nhằm từng bước khắc phục những tồn tại về bình đẳng giới trong nghiên cứu và sáng tạo. Một trong những chính sách phải kể đến là Đề án 939 về Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025. Theo thống kê của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, chỉ sau 4 năm đầu tiên thực hiện Đề án này, đã có gần 3.000 ý tưởng, dự án khởi nghiệp tham gia cuộc thi phụ nữ khởi nghiệp tại cấp Trung ương, hơn 72.000 phụ nữ khởi nghiệp, 1.451 doanh nghiệp và 523 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ thành lập mới từ hỗ trợ của Đề án.
Tựu trung lại, những quyết sách của Đảng và Nhà nước đã góp phần mạnh mẽ trong việc thúc đẩy bình đẳng giới nói chung và trong các lĩnh vực sáng tạo, sở hữu trí tuệ nói riêng. Trên thực tế, lĩnh vực khoa học và công nghệ tại Việt Nam ghi nhận số lượng nữ trí thức tham gia nghiên cứu khoa học ngày càng tăng, gặt hái được nhiều thành công trong nước và quốc tế, trong đó có nhiều tập thể và cá nhân được trao giải thưởng Kovalevskaia cao quý. Thống kê của Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, số lượng nguồn nhân lực nữ nghiên cứu khoa học ở Việt Nam đến nay đã chiếm trên 40% tổng số nhân lực nghiên cứu phát triển của cả nước, cho thấy đóng góp của các nhà khoa học nữ ngày càng được Nhà nước, xã hội, cộng đồng tôn vinh và ghi nhận nhiều hơn so với trước đây.
Những kết quả đạt được về bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ nước ta còn được Liên Hợp quốc và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Minh chứng là năm 2022, Việt Nam xếp 83/146 về chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới, tăng 4 bậc so với năm 2021.
Cần cơ chế khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp sáng tạo. (Nguồn: Báo Chính phủ).
Cần chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng biệt cho phụ nữ
Thực hiện bình đẳng giới trong lĩnh vực khoa học công nghệ tạo điều kiện, cơ hội cho phụ nữ bình đẳng tiếp cận, ứng dụng khoa học và công nghệ vào trong học tập, lao động để nâng cao chất lượng hiệu quả công việc. Đồng thời, họ cũng được bình đẳng tiếp cận các khóa đào tạo khoa học và công nghệ giúp trau dồi kiến thức, khai thác sáng tạo mới hữu ích trong quá trình nghiên cứu, phát minh và sáng chế, phát huy tối đa năng lực của mình. Ở một khía cạnh khác, việc thúc đẩy thực thi pháp luật về sở hữu trí tuệ giúp bảo vệ quyền lợi cho các nghiên cứu, thành quả sáng tạo của các nữ trí thức, giúp họ nâng cao giá trị và thụ hưởng lợi ích từ những thành quả đó.
Chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ quy định rõ bốn quan điểm chủ đạo. Đầu tiên là công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hoà lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng. Thứ hai là khuyến khích, thúc đẩy hoạt động sáng tạo, khai thác tài sản trí tuệ nhằm góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Thứ ba là hỗ trợ tài chính cho việc nhận chuyển giao, khai thác quyền sở hữu trí tuệ phục vụ lợi ích công cộng. Cuối cùng là ưu tiên đầu tư cho việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng liên quan làm công tác bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ và nghiên cứu, ứng dụng khoa học - kỹ thuật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.
Dù vậy, một thực trạng đáng suy ngẫm là phần lớn phụ nữ đang hoạt động trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo vẫn chưa nhận thức và chưa tiếp cận được hệ thống sở hữu trí tuệ. Điều đó đồng nghĩa với việc những thành quả hay những "đứa con tinh thần” của họ vẫn chưa được pháp luật bảo hộ và rất dễ trở thành đối tượng bị xâm hại bản quyền. Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) từng đưa ra số liệu về việc chỉ có khoảng 16,5% các nhà sáng chế đứng tên trên đơn đăng ký sáng chế quốc tế là phụ nữ, cho thấy một con số rất khiêm tốn. Còn tại Việt Nam, hiện vẫn chưa có thống kê cụ thể về tỷ lệ phụ nữ đứng tên trên đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho các đối tượng sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp và nhãn hiệu có chủ đơn là chủ thể Việt Nam; nhưng nhiều khả năng là tỷ lệ này cũng không khả quan hơn so với con số mà WIPO đã thống kê ở trên.
Trên thực tế, hầu hết phụ nữ Việt Nam thực hiện các hoạt động về khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo vẫn đang phải đối diện với nhiều rào cản, thách thức trong công việc, gia đình và xã hội. Đó là những rào cản đến từ định kiến giới của cộng đồng, xã hội; cơ chế chính sách còn thiếu những đãi ngộ đủ mạnh để động viên, khuyến khích các nhà khoa học nữ làm công tác nghiên cứu và cả những thách thức ngày càng lớn của quá trình phát triển công nghệ mạnh mẽ, đòi hỏi các nhà khoa học nữ phải nỗ lực hơn nữa, trong khi vẫn phải cân bằng giữa công tác nghiên cứu khoa học và gia đình. Đơn cử, nhiều chuyên gia cho rằng quy định phụ nữ nghỉ hưu sớm hơn nam giới 5 năm cũng là một yếu tố tác động tới quá trình nghiên cứu khoa học của phụ nữ, trong khi hoạt động nghiên cứu là công việc có thể gắn bó suốt đối với người làm khoa học.
Bởi vậy, để phát huy tối đa năng lực và sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực sở hữu trí tuệ, một trong những giải pháp quan trọng nhất là cần sớm hoàn thiện cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ riêng biệt dành cho phụ nữ; đồng thời sửa đổi những quy định hiện hành theo hướng tạo động lực, khuyến khích phụ nữ theo đuổi và gắn bó với những hoạt động này. Thực trạng cũng đòi hỏi các cơ quan liên quan cần tăng cường sự hợp tác để hỗ trợ các nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo đăng ký sở hữu trí tuệ để bảo vệ những thành quả nghiên cứu của mình; đồng thời tạo các cơ hội tiếp cận hệ thống sở hữu trí tuệ cho nữ khoa học, nữ doanh nhân sáng tạo để họ có thể chủ động nâng cao nhận thức, thu hẹp khoảng cách giới và cạnh tranh một cách công bằng ở cấp độ quốc tế.
(Theo PLVN)