Vùng cao làng bản vào xuân
- Cập nhật: Thứ ba, 13/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Những đợt gió lạnh cuối năm đã dứt, cái ấm của mùa xuân mới tràn về thức dậy mầm sống đang ấp ủ trong từng búp cây, ngọn cỏ. Trên các làng Mông, làng Dao, bản Thái của vùng cao Yên Bái, hoa mận trắng cũng bừng nở như khoe cùng du khách phương xa sự khởi sắc nơi đặc biệt khó khăn.
Gương trời. (Ảnh: Thanh Miền)
|
Năm qua, một tin vui được báo đi qua các phương tiện thông tin đại chúng và chính những người dân đang thụ hưởng kết quả sự đầu tư của Nhà nước cho vùng đất này là 17/70 xã, trung tâm cụm xã đã hoàn thành cơ bản mục tiêu của Chương trình 135 giai đoạn I. Chỉ qua 7 năm thực hiện mà tỉnh Yên Bái đã đạt được 4/6 mục tiêu đề ra: giảm hộ nghèo xuống còn 25%; thu hút trên 70% các cháu trong độ tuổi đến trường; kiểm soát được phần lớn các dịch bệnh xã hội hiểm nghèo; có đường giao thông cho xe cơ giới và đường dân sinh đến các trung tâm cụm xã.
Mặc dù ở các địa phương này, kinh tế nông lâm nghiệp vẫn là thế mạnh và mức độ phát triển vẫn còn chậm nhưng cơ bản đã xóa bỏ được tập quán canh tác lạc hậu. Đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số được bồi dưỡng, tiếp thu kiến thức khoa học và kinh nghiệm sản xuất tiên tiến; kiến thức về văn hóa - xã hội để chủ động vận dụng vào sản xuất và đời sống. Còn Chương trình 134 với mục đích hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn thì qua 2 năm thực hiện đã hỗ trợ về nhà ở cho gần vạn hộ gia đình; nước sinh hoạt cho trên 43.000 hộ; hỗ trợ tạo quỹ đất sản xuất trên 2.500 ha… Bà Hoàng Thị Hạnh - Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, khi phát biểu về mục tiêu của chương trình hỗ trợ đồng bào vùng cao đã nhấn mạnh: “Tạo sự chuyển biến rõ rệt về trình độ sản xuất, về cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc ở các xã và thôn bản đặc biệt khó khăn một cách bền vững, để đưa các xã, thôn bản này thoát khỏi tình trạng nghèo nàn, chậm phát triển, thu hẹp dần khoảng cách phát triển giữa các vùng. Từ đó tăng cường đoàn kết dân tộc, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, củng cố vững chắc thế và lực cho nền quốc phòng toàn dân. Phấn đấu đến năm 2010, trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn cơ bản không còn hộ đói, giảm hộ nghèo xuống còn dưới 25%”. Giờ đây, đến các xã Quang Minh, Hoàng Thắng của huyện Văn Yên; Khai Trung, Lâm Thượng của huyện Lục Yên; Xuân Long, Tích Cốc của huyện Yên Bình… đâu đâu cũng thấy hiển hiện bộ mặt của một nông thôn mới. Cũng chính nơi đây, khi đời sống vật chất và văn hóa tinh thần được nâng lên đã tạo đà để dân chủ được phát huy, tư tưởng ỷ lại dần được xóa bỏ và nhân dân luôn nêu cao ý thức tự lực, tự cường. Một làng Dao Khe Ván, một Nà Hẩu xa xanh, một Khai Trung xã văn hóa… tất cả đang làm nên mùa xuân từ mảnh đất nghèo.
Mùa xuân, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cầm máy đi lang thang theo con đường mới mở về trung tâm xã. Hòa điệu trong nhịp sống chung của toàn tỉnh, làng bản vùng cao cũng trên đường công nghiệp hóa - hiện đại hóa. Những thửa ruộng bậc thang uốn lượn quanh triền núi đang được đồng bào “dẫn thủy nhập điền” làm đất chuẩn bị gieo cấy vụ xuân; những rừng quế non tơ đua sắc xanh cùng bồ đề, keo lai như khoe sự giàu của “rừng vàng”; rồi ruộng ngô, đậu, lạc, nương ý dĩ cũng muốn tỏ sức xuân bên bao công trình thủy lợi, thủy điện đã và đang dựng xây góp phần làm thay đổi vùng cao, vùng sâu. Tất cả đều được ghi lại bằng sự rung động trước cái đẹp của tâm hồn nghệ sĩ. Khoảnh khắc xuất thần bấm máy không chỉ để giành huy chương mà còn muốn cho những người dân giàu khát vọng vươn lên như cụ Tòng Văn Khó ở xã Tú Lệ, ông Triệu Trung Kim ở xã Quang Minh… và con cháu sau này luôn nhớ mãi một thời quê hương khởi sắc.
Thế Quynh
Các tin khác
YBĐT - Đón nắng xuân, gió xuân tràn về những bông hoa trong vườn hoa thuộc Dự án trồng hoa công nghệ cao của Tổng Công ty Hoà Bình Minh như bừng lên, rực rỡ hơn, mặn mà hơn, căng tràn hương sắc làm đẹp thêm cho mùa xuân của đất trời và lòng người yêu hoa.
YBĐT - Năm 2006, xã Nghĩa An - thị xã Nghĩa Lộ là xã có tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên cao nhất toàn thị xa.õ Với lý do, đó Ủy ban DS,GĐ&TE thị xã đã chọn xã Nghĩa An để tổ chức lễ phát động điểm chiến dịch tăng cường đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản KHHGĐ đến vùng nghèo, vùng có mức sinh cao năm 2007. Chiến dịch triển khai vào thời điểm người dân đang cấy vụ chiêm xuân chuẩn bị đón tết cổ truyền dân tộc.
YBĐT - Đã từ lâu, nhân dân xã Nghĩa Sơn, huyện Văn Chấn thức dậy vào buổi sớm theo tiếng gà báo sáng, hay tiếng chuông đồng hồ báo thức. Nhưng sớm nay khác với mọi ngày, họ đã được đánh thức bởi tiếng loa truyền thanh của thôn.
YBĐT - Trong trí nhớ trẻ thơ và cả sau này, ba anh em người Mông, Hờ A Vàng, Hờ A Sánh và Hờ A Lao ở bản Tà Chơ (Làng Nhì, Trạm Tấu) cũng không thể quên được cái ngày 12/6/2001 khủng khiếp đó. Ngày mà một tai nạn thương tâm đã cướp đi sinh mạng của cả bố và mẹ các em. Lúc đó, em nhỏ nhất Hờ A Lao mới được 3 tuổi. Em còn quá nhỏ để có thể hiểu và cảm nhận nỗi đau, mất mát.