Ngành Y tế Yên Bái: Quyết tâm khắc phục khó khăn, nâng cao y đức, hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch năm 2007
- Cập nhật: Thứ hai, 26/2/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Năm 2006, được sự quan tâm lãnh đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh Yên Bái, Bộ Y tế, sự phối hợp tạo điều kiện của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự ủng hộ giúp đỡ của nhân dân, đặc biệt là sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ công chức, ngành y tế đã hoàn thành nhiệm vụ được giao và đạt nhiều thành tích trong công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân với 10 thành tựu nổi bật:
Một buổi giao ban đầu giờ của các y bác sỹ Khoa Chấn thương Bệnh viện đa khoa tỉnh.
|
1.Đã hoàn thành việc chia tách, thành lập và đi vào hoạt động bộ máy y tế tuyến huyện, thị, thành phố. Củng cố, kiện toàn các đơn vị y tế toàn ngành; tiếp tục tăng cường, luân chuyển cán bộ.
2.Mặc dù dịch bệnh năm 2006 có nhiều diễn biến phức tạp nhưng ngành đã làm tốt công tác giám sát dịch tễ và chủ động phòng chống dịch bệnh, phát hiện và dập dịch kịp thời.
3.Đại đa số các chương trình y tế được triển khai có hiệu quả, đạt và vượt kế hoạch năm, các chỉ số đánh giá đều được cải thiện so với cùng kỳ năm 2005.
4.Công tác xây dựng chuẩn quốc gia về y tế xã (CQGVYTX) tiếp tục được đẩy mạnh. Đến hết năm 2006 có 64 xã đạt CQGVYTX, đạt 35,5%.
TS.Đào Thị Ngọc Lan.
5.Công tác khám chữa bệnh đáp ứng cơ bản nhu cầu của nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi và các đối tượng chính sách xã hội khác. Chất lượng các dịch vụ từng bước được nâng lên.
6.Xã hội hóa công tác y tế từng bước được triển khai, các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về y tế được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể lồng ghép chỉ đạo, triển khai bước đầu có hiệu quả. Đã thực hiện việc liên kết để mua sắm, lắp đặt trang thiết bị, chuyển giao một số kỹ thuật mới như: phẫu thuật sản phụ khoa, mắt, nội soi tai - mũi - họng… phục vụ nhu cầu khám chữa bệnh.
7.Công tác dược, thanh tra, đào tạo, chỉ đạo tuyến, nghiên cứu khoa học, quản lý hành nghề y, dược tư nhân được quan tâm chú trọng.
8.Năm 2006, cơ sở vật chất, trang thiết bị của ngành y tế được đầu tư lớn nhất trong vòng 10 năm trở lại đây (trên 38 tỷ đồng). Có 12 dự án, đề án mới về xây dựng cơ bản và đầu tư trang thiết bị đã được UBND tỉnh phê duyệt.
9.Thực hiện có hiệu quả các dự án viện trợ như phòng chống HIV/AIDS, CBHD, phòng chống giun sán, dinh dưỡng, mắt hột…
10.Năm 2006, ngành y tế tỉnh Yên Bái vinh dự được đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì của Chủ tịch nước trao tặng và nhiều đơn vị, cá nhân được nhận các danh hiệu thi đua khen thưởng khác.
Tuy nhiên vẫn còn một số hạn chế cần khắc phục trong năm 2007 và những năm tiếp theo. Đó là: Công tác quản lý Nhà nước về y tế trên địa bàn còn nhiều bất cập ở tất cả các tuyến từ tỉnh đến huyện (nhất là vai trò của phòng y tế, sự phối hợp trên địa bàn huyện). Vai trò tham mưu của các đơn vị cho ngành cũng như của ngành cho tỉnh còn hạn chế. Chưa đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, chưa nêu cao vai trò và trách nhiệm cá nhân trong tập thể và cộng đồng xã hội (nhất là việc thực hiện xã hội hóa công tác y tế). Thiếu cán bộ, nhất là cán bộ có trình độ đại học (bác sỹ, dược sỹ đại học), cán bộ chuyên sâu ở tất cả các tuyến. Tỷ lệ xã có bác sỹ giảm so với năm 2005. Cơ cấu cán bộ chưa hợp lý. Trình độ chuyên môn, quản lý của cán bộ (nhất là ở cơ sở) chưa cập với yêu cầu nhiệm vụ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị của nhiều cơ sở y tế đã xuống cấp, thiếu thốn, ảnh hưởng đến chất lượng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Một số nơi, đôi lúc còn lơi lỏng công tác giám sát dịch bệnh. Công tác thống kê báo cáo chưa kịp thời, đầy đủ. Chất lượng một số chương trình y tế, xây dựng cơ bản, CQGVYTX và chất lượng khám, chữa bệnh còn nhiều hạn chế. Công tác giáo dục chính trị tư tưởng, đặc biệt là giáo dục y đức, tinh thần tương trợ, tính tiên phong, gương mẫu chưa được đẩy mạnh. Công tác kế hoạch và phối hợp ở tuyến cơ sở còn yếu, đa số thụ động theo cấp trên, chưa phát huy tính chủ động, năng động, sáng tạo. Chưa thực sự bám sát cơ sở, dẫn đến tình trạng nắm tình hình không chắc, chỉ đạo chưa sát sao, kịp thời. Công tác tuyên truyền, phối hợp trong và ngoài ngành còn nhiều hạn chế. Các phong trào chưa sâu rộng; khen thưởng, xử phạt chưa kịp thời. Nhiều chế độ, chính sách chưa được thực hiện (phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp trực ở một số xã, phường, lương mới…).
Năm 2007, ngành y tế Yên Bái tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, tăng cường công tác giám sát, phòng, chống dịch bệnh, không để dịch lớn xảy ra, nhất là các dịch bệnh nguy hiểm; kiểm tra, giám sát, bảo đảm an toàn thuốc chữa bệnh và VSATTP; đẩy mạnh các biện pháp tích cực phòng, chống HIV/AIDS; tập trung chỉ đạo xây dựng các xã đạt chuẩn quốc gia về y tế, duy trì kết quả các xã đã được công nhận đạt chuẩn; nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, quan tâm tới các đối tượng chính sách, người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi; tập trung giải quyết các khó khăn về tổ chức bộ máy, cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị đảm bảo hoạt động sau khi chia tách các đơn vị y tế với các giải pháp:
Một là: Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về y tế, điều hành bằng hệ thống cơ chế chính sách và văn bản pháp luật,
Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tại Trạm Y tế xã Đào Thịnh (Yên Bình). (Ảnh: Đình Tứ)
xây dựng và thực hiện theo quy chế. Tăng cường trách nhiệm, vai trò, thường xuyên giám sát, kiểm tra, thanh tra trong các lĩnh vực. ổn định, củng cố, kiện toàn bộ máy toàn ngành. Thực hiện đúng, đủ chức năng, nhiệm vụ của từng đơn vị. Có phương án đào tạo nguồn nhân lực cho tất cả các tuyến. Thực hiện ngay kế hoạch luân chuyển cán bộ về cơ sở. Nâng cao năng lực cán bộ, tăng cường trách nhiệm cá nhân, đổi mới nhận thức và hành động trong công việc. Có kế hoạch cụ thể chi tiết từ cơ sở, tăng cường giáo dục chính trị, tư tưởng, y đức. Phát huy dân chủ, xây dựng quy chế phối hợp, xây dựng phong trào thi đua, khen thưởng kịp thời. Triển khai xây dựng CQGVYTX từ dưới lên ngay từ đầu năm một cách chất lượng, hiệu quả.
Hai là: Tập trung nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh ở tất cả các tuyến bằng cách tăng cường công tác đào tạo và chỉ đạo tuyến, đặc biệt ưu tiên cho 2 bệnh viện tuyến tỉnh là Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Bệnh viện Đa khoa khu vực Nghĩa Lộ. Trước mắt phải tận dụng tối đa sự hỗ trợ về chuyên môn, kỹ thuật của Bệnh viện Bạch Mai và các bệnh viện Trung ương. Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quyền tự chủ đối với đơn vị sự nghiệp công lập, đồng thời huy động sự đóng góp của cộng đồng và xã hội cho công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả các nguồn đầu tư của Nhà nước. Tích cực triển khai đề án xã hội hóa y tế theo Nghị quyết HĐND tỉnh khóa XVI, kỳ họp thứ 9 đã phê duyệt. Đa dạng hóa các loại hình dịch vụ y tế, phát triển y tế tư nhân, chuyển các cơ sở y tế công lập theo hướng thành các cơ sở cung ứng dịch vụ. Nâng cấp các cơ sở y tế về cơ sở vật chất và trang thiết bị theo các dự án và kế hoạch đã được tỉnh phê duyệt. Tăng cường công tác nghiên cứu khoa học, hợp tác quốc tế, y học cổ truyền, bảo đảm thuốc thiết yếu.
Ba là: Tăng cường công tác giám sát dịch tễ và chủ động phòng, chống dịch bệnh không để dịch lớn xảy ra. Có kế hoạch và chủ động phòng chống thiên tai, thảm họa. Triển khai có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế và các chương trình y tế khác, đặc biệt là công tác phòng, chống HIV/AIDS. Củng cố, đổi mới công tác truyền thông giáo dục sức khỏe theo hướng xã hội hóa. Xây dựng dự án đầu tư cho hệ thống y tế dự phòng tuyến huyện mới được chia tách.
Sở Y tế Yên Bái mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm chỉ đạo, sự phối hợp và ủng hộ giúp đỡ của tỉnh để sự nghiệp y tế ngày càng phát triển, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
TS.Đào Thị Ngọc Lan
Giám đốc Sở Y tế Yên Bái
Các tin khác
YBĐT - Đoàn thanh niên là một tổ chức chính trị xã hội tập trung đông đảo thanh niên - lực lượng nòng cốt của xã hội. Mạng lưới tổ chức Đoàn rộng khắp ở các xã, phường, cơ quan, xí nghiệp, từ vùng thấp đến vùng cao,vùng sâu, vùng xa...
YBĐT - Thế là mùa đông đi qua, mùa xuân mới đã đến. Những tia nắng nhẹ buổi sớm đang xua đi những mảng sương mù còn chậm chạp bay trên những cánh đồng của xã Mường Lai, huyện Lục Yên. Do chủ động có lịch điều hành tưới tiêu, quản lý tốt đến nay ruộng có đủ nước cày cấy. Cách tết vài ba ngày trà lúa đông xuân sớm đã cấy xong, bà con tập trung cấy trà lúa xuân chính vụ.
YBĐT - Là 3 trong 8 xã thuộc diện đặc biệt khó khăn của huyện Trấn Yên, Hồng Ca, Lương Thịnh, Tân Đồng đều có điểm chung là kinh tế chậm phát triển, trình độ dân trí thấp và không đồng đều. Đây chính là những nguyên nhân ảnh hưởng đến công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân tại cộng đồng. Vì vậy, dự án "Phát triển y tế dựa vào cộng đồng tại các vùng khó khăn" do Chương trình hợp tác y tế Việt Nam và Thụy Điển được triển khai trên địa bàn 3 xã là việc làm cần thiết và có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc sức khỏe người dân nơi đây.
YBĐT - Những ngày trước tết Nguyên Đán, chúng tôi đã có dịp đến thăm làng định cư của đồng bào Mông xã Hồng Ca, huyện Trấn Yên. Một màu xanh bát ngát của núi rừng, màu trắng của tấm lợp phi brô-xi-măng trên mái nhà và xa xa thấp thoáng ánh điện như những ánh sao đêm. Trong cái se lạnh của mùa đông, thấp thoáng những bộ trang phục rực rỡ của các chàng trai, cô gái Mông đèo nhau xuống chợ sắm tết.