Trường Công nhân Kỹ thuật Yên Bái: Nơi đào tạo nghề cho con em các dân tộc
- Cập nhật: Thứ năm, 8/3/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trường Công nhân Kỹ thuật Yên Bái được thành lập ngày12/02/1992 trên cơ sở hợp nhất 3 trường gồm: Trường Công nhân Kỹ thuật công nghiệp, Trường Công nhân Kỹ thuật xây dựng và Trường Công nhân Kỹ thuật giao thông vận tải. Từ đó đến nay, tập thể cán bộ, giáo viên và học sinh nhà trường đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, xứng đáng là nơi đào tạo nghề cho con em các dân tộc tỉnh Yên Bái.
Giáo viên nhà trường hướng dẫn học sinh lớp Sửa chữa ô tô K14 thực hành.
|
Thầy Nguyễn Hưng Long - Hiệu trưởng nhà trường kể lại: “Những năm đầu mới thành lập, nhà trường gặp rất nhiều khó khăn, bởi biên chế chỉ có trên 60 cán bộ, giáo viên, trong đó đạt trình độ cao đẳng, đại học chỉ có 28%; cơ sở vật chất hầu hết là nhà cấp 4, trang thiết bị xe, máy, mô hình học cụ và sách giáo khoa phục vụ cho việc nghiên cứu, dạy và học lạc hậu và thiếu thốn trầm trọng, dẫn đến ngành nghề đạo tạo bị hạn chế; năng lực đào tạo chỉ đạt từ 150 - 200 học sinh/ năm. Song với sự đoàn kết, năng động, sáng tạo và quyết tâm cao Đảng ủy, Ban giám hiệu nhà trường đã nhanh chóng kiện toàn, ổn định bộ máy tổ chức vượt qua mọi khó khăn, thực hiện có hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ đào tạo được tỉnh và ngành giao hàng năm”.
Từ năm 1999 đến nay, nhờ sự quan tâm đầu tư của tỉnh và của ngành LĐ - TB&XH, cùng với sự cố gắng vượt bậc của cán bộ, giáo viên và học sinh, Trường đã có bước phát triển mạnh cả về cơ sở vật chất và nguồn nhân lực cũng như quy mô, ngành nghề đào tạo, cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy nghề cho con em các dân tộc trong tỉnh.
Hiện nay, nhà trường có trên 100 cán bộ, giáo viên, trong đó số giáo viên có trình độ cao đẳng và đại học chiếm gần 65% với 8 khoa, phòng chuyên môn. Cơ sở vật chất đã được đầu tư xây dựng, chia thành 3 khu: A, B và C với tổng diện tích sử dụng trên 31.000 m2; các phương tiện xe, máy, mô hình học cụ ở trên lớp cũng như thực hành ở nhà xưởng hàng năm đều được nhà trường nghiên cứu, đầu tư trang bị hiện đại. Nhờ vậy, chất lượng đào tạo của nhà trường không ngừng được nâng lên.
Trường cũng luôn chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ để từng bước chuẩn hóa đội ngũ giáo viên. Đồng thời, Đảng ủy, Ban giám hiệu thường xuyên chỉ đạo các khoa, phòng chuyên môn quán triệt sâu sắc các chủ trương, đường lối, chính sách phát triển kinh tế - xã hội của Đảng, Nhà nước, của tỉnh để nghiên cứu, biên soạn, đổi mới giáo trình và phương pháp giảng dạy cho phù hợp với từng đối tượng học sinh theo học ở từng ngành nghề.
Nhà trường đã phát huy trí tuệ của tập thể cán bộ, giáo viên, tập trung nghiên cứu, biên soạn trên 130 chương trình đào tạo hệ dài hạn, 64 chương trình đào tạo ngắn hạn và làm hàng trăm mô hình học cụ đưa vào giảng dạy có hiệu quả tốt. Nhờ vậy, quy mô và ngành nghề đào tạo hàng năm không ngừng mở rộng. Nếu như năm 1992, số nghề đào tạo chỉ có 4 nghề với trên 200 học sinh, trong đó hệ đào tạo dài hạn chỉ có 60 học sinh thì đến năm 2006, số nghề đào tạo đã nâng lên 17 nghề và thu hút gần 2.000 học sinh, 54 lớp, trong đó có gần 740 học sinh đào tạo theo hệ dài hạn.
Từ khi thành lập đến nay, nhà trường đã đào tạo được gần 7.000 công nhân kỹ thuật (chủ yếu là hệ dài hạn). Để đảm bảo nguồn nhân lực cho các ngành công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải của tỉnh và các địa phương trong tỉnh. Trong công tác tuyển sinh cũng như đào tạo, Trường đặc biệt ưu tiên tuyển học sinh là con em gia đình chính sách và đồng bào dân tộc vùng cao, vùng sâu, vùng xa. Em Vũ Đình Duy - học sinh năm thứ 2 lớp Sửa chữa ô tô là con thương binh hạng 3/4 ở xã Bảo Hưng (Trấn Yên) tâm sự: “Em rất phấn khởi khi được Trường ưu tiên tuyển vào học và lại được miễn giảm 50% học phí. Em sẽ cố gắng học tốt để có tay nghề vững vàng, sau này xin việc cho thuận lợi”. Bên cạnh việc mở rộng loại hình đào tạo và đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học, nhà trường luôn chú trọng đầu ra cho học sinh.
Hiện nay, trên 80% học sinh sau khi ra trường đã có việc làm ổn định trong và ngoài tỉnh. Trong đó, có hàng trăm học sinh được nhà trường giới thiệu đến làm việc tại các công ty ở Khu công nghiệp Bình Dương, Tổng Công ty Sông Đà và Tổng Công ty Thăng Long...
Với những kết quả đã đạt được, nhiều tập thể, cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường đã được Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội, Tổng cục Dạy nghề, UBND tỉnh và Sở Lao động - Thương binh & Xã hội tỉnh Yên Bái tặng bằng khen và giấy khen. Hiện nay, Trường đang tiếp tục đầu tư về cơ sở vật chất và không ngừng đào tạo đội ngũ cán bộ, giáo viên, phấn đấu đến cuối năm 2007 nâng lên thành Trường Trung cấp Nghề Yên Bái và đến năm 2010 trở thành Trường Cao đẳng Nghề Yên Bái.
Trường Phong
Các tin khác
YBĐT - Nhiều năm qua, Trường THPT Nguyễn Huệ (TP Yên Bái) thường xuyên duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua dạy tốt và học tốt. Có được kết quả đó là có phần đóng góp tích cực của đội ngũ nữ giáo viên nhà trường.
YBĐT - Chuyên đề “Nâng cao chất lượng cho trẻ em làm quen với Văn học -chữ viết” do Vụ Giáo dục Mầm non - Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai từ năm học 2002 - 2003 trên phạm vi toàn quốc. Qua 4 năm chỉ đạo thực hiện, ngành học giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái đã có nhiều hoạt động tích cực để nâng cao chất lượng chuyên đề và đạt được những kết quả đáng khích lệ.
YBĐT - Phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, những năm qua, phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái đã ra sức thi đua, phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội phụ nữ tỉnh lần thứ XII, góp phần cùng các ngành, các cấp hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của tỉnh năm 2006.
YBĐT - Từ lâu xã hội đã có nhiều nhìn nhận thoáng hơn với người phụ nữ song vấn đề bình đẳng giới đã được nhắc đến và tồn tại từ rất lâu mà loài người văn minh không thể phủ nhận được.