Ngành lao động - thương binh và xã hội lồng ghép các nội dung về hướng dẫn xây dựng mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em; tập huấn, bồi dưỡng cung cấp thông tin, kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, cộng tác viên tại cơ sở, người làm công tác quản lý, chăm sóc trẻ em tại các cơ sở nhằm bồi dưỡng kiến thức xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em.
Hằng năm, tỉnh đã tổ chức Lễ phát động tháng hành động vì trẻ em, trong đó có các nội dung về phòng, chống tai nạn, thương tích, đuối nước trẻ em, đặc biệt là trong dịp hè. Cùng với đó hướng dẫn thí điểm xây dựng ngôi nhà an toàn, hướng dẫn các hộ gia đình ký cam kết thực hiện mô hình "Ngôi nhà an toàn” với các tiêu chí như: đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, đảm bảo an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn phải để xa tầm tay trẻ em; hướng dẫn các gia đình sử dụng bảng điểm về phòng chống tai nạn, thương tích, cho các hộ gia đình tự chấm điểm và tự đánh giá xem gia đình mình đã đạt hay chưa đạt. Từ đó, các gia đình tự khắc phục những điểm chưa đạt và nhận diện nguy cơ khiến cho trẻ em dễ bị tai nạn, thương tích ngay ngôi nhà dang sống.
Bà Lê Hoàng Anh - Trưởng phòng Trẻ em và Bình đẳng giới, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh cho biết: "Để triển khai, nhân rộng mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ, Phòng đã chủ động lồng ghép các chương trình, tập trung chú trọng đến công tác tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, người dân, các bậc cha mẹ và bản thân trẻ em về phòng chống tai nạn, thương tích và xây dựng mô hình; tổ chức các lớp tập huấn bồi cung cấp thông tin, kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp, cộng tác viên tại cơ sở làm công tác quản lý, chăm sóc trẻ em tại các cơ sở các hình thức, bồi dưỡng kiến thức xây dựng Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn, tích trẻ em”.
Tỉnh đã thành lập và kiện toàn Ban Chỉ đạo công tác Bảo vệ, chăm sóc trẻ em gồm 18 thành viên, do lãnh đạo UBND tỉnh làm Trưởng ban. Các ngành thành viên Ban Chỉ đạo đã tích cực tham mưu với UBND tỉnh thực hiện các chương trình, kế hoạch, hoạt động lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em nói chung và công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em nói riêng. Đồng thời lồng ghép một số hoạt động phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em vào các hoạt động của ngành mình.
Cùng với đó, các ngành ký kết các chương trình phối hợp để triển khai hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Công tác kiểm tra, giám sát đánh giá về triển khai mô hình được lồng ghép trong kế hoạch kiểm tra phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em hàng năm của các sở, ngành, đơn vị.
Hàng năm, các sở, ngành, đơn vị đã tổ chức từ 5-10 cuộc giám sát lĩnh vực chuyên môn của ngành và lồng ghép giám sát về công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có công tác kiểm tra, giám sát thực hiện mô hình ngôi nhà an toàn với trẻ em.
Đến nay, 100% gia đình có trẻ em nhỏ đã đăng ký thực hiện mô hình Ngôi nhà an toàn với các tiêu chí như: đảm bảo an toàn xung quanh ngôi nhà, đảm bảo an toàn về điện cũng như các đồ dùng trong gia đình, các vật sắc nhọn để xa tầm tay trẻ em. Đây được xem là tiêu chí gắn liền với tiêu chí xây dựng nông thôn mới nên được chính quyền địa phương và nhân dân tích cực tham gia hưởng ứng.
"Định kỳ hàng tháng, theo chuyên đề, 100% xã, phường, thị trấn tổ chức truyền thông tư vấn tại cộng đồng, lồng ghép vào các cuộc họp tổ, nhóm của đoàn thể, buổi sinh hoạt dưới cờ trong trường học và sinh hoạt câu lạc bộ trẻ em, đồng thời hướng dẫn gia đình biết cách làm cho ngôi nhà của mình an toàn hơn cho con em” - bà Lê Hoàng Anh cho biết thêm.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã duy trì mô hình Ngôi nhà an toàn phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em tại các xã: Âu Lâu, thành phố Yên Bái; Nga Quán, huyện Trấn Yên; An Thịnh, huyện Văn Yên; Đại Minh, Phú Thịnh, huyện Yên Bình; Phúc Lợi, Minh Xuân, huyện Lục Yên; Hạnh Sơn, Tân Thịnh, huyện Văn Chấn; Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lộ.
Cùng với đó, đã có 310 cán bộ quản lý, cộng tác viên thôn bản được tham gia tập huấn, trên 9.500 hộ gia đình có trẻ em tham gia ký cam kết và được hướng dẫn ghi bảng kiểm với 33 tiêu chí về Ngôi nhà an toàn phòng chống tai nạn, thương tích trong hộ gia đình.
Trong số 33 tiêu chí quy định "Ngôi nhà an toàn" theo Quyết định 548/QĐ-LĐTBXH ngày 06/5/2011, phần lớn các tiêu chí ngôi nhà an toàn dễ thực hiện phù hợp với các gia đình sinh sống tại khu vực thành thị, vùng nông thôn địa hình bằng phẳng. Bên cạnh đó, duy trì mô hình nâng cao kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước và dạy bơi cho trẻ em tại các xã: An Phú, Minh Tiến, Tô Mậu, Tân Lĩnh, Phúc Lợi, huyện Lục Yên; Cảm Ân, Cảm Nhân, Mỹ Gia, Thịnh Hưng, Phúc An, huyện Yên Bình; Châu Quế Hạ, Lâm Giang, Lang Thíp, Phong Dụ Thượng, Nà Hẩu, huyện Văn Yên.
Mô hình Ngôi nhà an toàn đã góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức của các gia đình về bảo vệ và chăm sóc cho trẻ em, góp phần giảm thiểu đến mức thấp nhất các tai nạn đáng tiếc xảy ra. Nếu như năm 2016 - 2017, toàn tỉnh có 9.000 trẻ bị tai nạn thương tích, năm 2018 - 2019 có khoảng 7.000 trẻ thì đến năm 2019 - 2020 giảm chỉ còn 4.000 trẻ và số vụ tai nạn thương tích tại nhà giảm, chỉ còn 20% số vụ tai nạn thương tích của trẻ. Cho đến hết năm 2021, số trẻ em bị tai nạn thương tích trên địa bàn tỉnh chỉ còn 2.359 trẻ...
Xây dựng "Ngôi nhà an toàn”, bảo vệ trẻ em khỏi tai nạn thương tích là trách nhiệm chung của ngành chức năng, gia đình, cộng đồng, xã hội. Vì vậy, trước hết mỗi gia đình cần tạo môi trường an toàn cho trẻ, bởi ngôi nhà là tổ ấm, ngôi nhà có an toàn thì mới bảo đảm được chất lượng cuộc sống, tinh thần và sự phát triển của trẻ.
Thu Trang