Người bộn bề các chức trưởng ban
- Cập nhật: Thứ bảy, 12/5/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Theo vòng quay của thời gian, tuần, tháng, quý, cứ thế tại xã, phường, thị trấn, đội ngũ cán bộ, công chức từ thứ hai đến thứ sáu hàng tuần cần mẫn đến trụ sở làm việc. Dẫu cái nắng nồng nực của mùa hè, hay mưa phùn rét mướt của mùa đông, cứ tuần làm việc 5 ngày, tháng 20 ngày lịch làm việc chi chít, chẳng hở ngày nào. Từ hội ý ban thường vụ, hội ý đầu tuần giao ban xuống cơ sở thôn, về huyện họp, họp UBND, Đảng ủy.
|
Lịch là thế nhưng trong tuần có những việc nó "trồi" lên phải giải quyết. Cần giải quyết về rừng? Chưa! Còn chờ trưởng ban đang họp ở huyện. Điện nông thôn cần ngay ? Chờ ngày kia trưởng ban mới tới dự được… Thế phó ban thường trực giải quyết đi! Không được! Cả một đống tiền, không dám quyết. Việc chả thể dừng được, không tiến hành thì cái bức xúc nó xảy ra, rồi vón cục thành đống, giải quyết bao giờ cho lại. Quy định, cơ chế là thế, cứ phải con người ấy chủ trì, ký duyệt mới thành tấm, thành miếng cơ! Đó là trưởng ban. Có tới 20 chức trưởng ban của chủ tịch xã, phường, thị trấn hiện nay. Xin liệt kê ra đây một số trưởng ban thiết yếu, cơ bản mà chủ tịch UBND xã phải đảm nhiệm mà còn làm tốt, rất tốt. Có thể liệt kê ra đây: Trưởng ban tài chính ngân sách, trưởng ban dân số, trưởng ban vì sự tiến bộ phụ nữ, trưởng ban bảo vệ và phát triển rừng, trưởng ban giải phóng hành lang và an toàn giao thông, trưởng ban chăm sóc sức khỏe cộng đồng, trưởng ban chăm sóc sức khỏe sinh sản, bà mẹ trẻ em, trưởng ban xóa đói giảm nghèo, trưởng ban quản lý điện, trưởng ban phòng chống bão lũ, trưởng ban phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc, trưởng ban phòng chống tội phạm quốc gia, rồi: chủ tịch hội đồng nghĩa vụ quân sự, chủ tịch hội đồng thi đua khen thưởng, chủ tịch hội đồng xét đề nghị cấp đất, trưởng ban thu hồi công nợ…
Ngoài ra, theo mùa vụ, tùy từng địa phương, chủ tịch xã, phường, thị trấn còn đảm nhiệm các trưởng ban như: trưởng ban phòng chống dịch cúm gia cầm H5N1, trưởng ban chương trình cây vụ ba, trưởng ban chương trình nuôi bò, cá, tre măng Bát độ, cây lạc, cây chè và thời sự nhất trong thời điểm này là truởng ban bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XII… Còn rất nhiều !
Nếu mỗi ngày để chủ tịch quyết định công việc cho một ban thì hết tháng, chẳng còn thời gian đi thôn, đi họp huyện. Cái cần bàn ở đây là chất lượng hiệu quả, khoa học khi giải quyết công việc của trưởng ban vừa đảm bảo chế độ chính sách theo quy định của pháp luật, vừa đảm bảo thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Điều đáng mừng là ngày nay đội ngũ cán bộ công chức đã và đang được đào tạo về chuyên môn khá cơ bản. Có chuyên môn rồi nhưng vẫn rất cần cái "tâm" trong công việc hàng ngày khi làm tham mưu cho chủ tịch, trưởng ban. Nhớ lại thời bao cấp, bà con nông dân theo hợp tác xã lấy công điểm, có con trâu, con bò bị gẫy sừng, què chân nằm đấy, nếu không có chữ ký của chủ nhiệm, cấm ai dám đụng vào. Có chữ ký của chủ nhiệm, thủ kho mới xuất thóc điều hòa cho xã viên, cho bí thư, chủ tịch xã. Trước sự gửi gắm tin cậy của bà con, một số chủ nhiệm đã không giữ được chữ "cần, kiệm, liêm, chính", để mất cả lòng tin lúc bấy giờ. Ngày nay trước sự đổi mới lớn mạnh về mọi mặt của đất nước, nếu ở cơ sở các trưởng ban luôn đặt dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, biết kết hợp nhuần nhuyễn với thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước và quy chế dân chủ ở cơ sở thì mọi việc cả guồng máy cứ gọi là chạy "êm ru". Là đại biểu của dân, phục vụ nhân dân, bà con rất cần có một chủ tịch biết chăm lo lợi ích cho toàn dân.
Tôi may mắn được công tác cùng với một chủ tịch xã sở tại những năm 80 của thế kỷ trước. Năm đó dân tình đói kém lắm, trụ sở xã còn phên vách nứa, tậu được chiếc xe đạp là quý lắm rồi. Được lăn lộn theo ông chủ tịch ấy đến các ngõ xóm hẻo lánh, tiếp xúc giải quyết công việc, tôi mới vỡ vạc: Thì ra lãnh đạo là cả một nghệ thuật ! (Lý luận sau này tôi được học thì càng khẳng định thế). Có lần ông chủ tịch T đến tận nhà có người phá rừng làm nương. Ông nhỏ nhẹ:
-Theo vai bên đằng mẹ cháu, cháu gọi tôi bằng cậu…, cháu phải giúp cậu việc này… Còn mai lên trụ sở phải thế này…
Tôi thấy người cháu ấy rơm rớm nước mắt, nhận lỗi trồng lại rừng. Có lần có người còn liều bán cả một con bò của hợp tác xã, ông cũng làm vậy, thế là chỉ hai ngày sau người nhà ấy đem bò trả lại hợp tác xã, chưa phải lập biên bản to tát gì. Một lần cùng ông đi vận động một thanh niên vừa phục viên để tham gia cán bộ xã đội, anh ấy còn con nhỏ, nhà khó khăn lắm. Ông từ tốn: "Cháu ạ ! Lúc tập thể các bác các chú cần cháu ra làm việc, cháu nên gắng ra giúp, đó mới là quý giá. Còn để vài năm nữa vợ chồng cháu khá lên, cháu có xin ra làm việc, lúc đó tập thể có khi lại không cần cháu nữa". Kết quả người thanh niên đó vui vẻ nhận lời ngay. Trong vòng 10 năm ông ấy làm chủ tịch, mọi chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước hàng năm đều hoàn thành sớm, xã không có một công dân nào bị pháp luật xử lý.
Ngày nay, trước bộn bề của những công việc trong công cuộc đổi mới của đất nước, chúng ta có cả một tập thể lãnh đạo từ xã đến các chi hội, chi đoàn có trình độ học thức, năng nổ, trẻ trung, chuyên môn khá. Từ cái ăn, cái mặc, đi lại so với những năm 80 ấy quả là khác xa. Nhưng cũng có cái chúng ta cũng phải xót xa nhìn lại, đó là tệ nạn xã hội, số bị pháp luật xử lý chưa giảm được nhiều.
Sở dĩ chủ tịch xã phải gánh các chức trưởng ban, vì các ngành chức năng từ tỉnh đến huyện vẫn rất cần nắm người mà mọi người thường gọi vui là "người có tóc", tức là đặt trách nhiệm lên người đứng đầu bộ máy quản lý nhà nước ở cơ sở. Tất nhiên có các phó ban chuyên trách ở một số ban, nhưng tính khái quát về khối công việc và thời gian vận hành thì quả là rất bộn bề đối với trưởng ban. Do vậy "người có tóc", người lãnh đạo "đứng mũi, chịu sào" ấy càng đòi hỏi phải thực sự có tâm, có tài thì mới chỉ đạo được mọi công việc ở cơ sở "xuôi chèo mát mái", quan trọng nhất là người lãnh đạo ấy phải "sống" được trong lòng nhân dân. Đặc biệt điều ấy càng có ý nghĩa khi chúng ta đang tiến hành cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" mà cán bộ, đảng viên phải là người đi trước.
Hoàng Tương Lai
Các tin khác
YBĐT - Trong năm 2006, ngành Giáo dục- Đào tạo Yên Bái thường xuyên tuyên truyền, tổ chức học tập Chỉ thị, nghị quyết của Đảng, pháp luật của nhà nước về công tác đảm bảo an ninh trật tự nên phong trào quần chúng bảo vệ ANTQ được cán bộ, giáo viên học sinh, sinh viên trong ngành hưởng ứng tham gia đông đảo.
YBĐT - Với chức năng nhiệm vụ là xây dựng và tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Yên Bái đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh phát huy quyền làm chủ; thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
YBĐT - Vừa qua, UBND tỉnh đã có Quyết định số 610/QĐ-UBND, theo đó, UBND tỉnh giao cho Sở Tài chính chi từ kinh phí dự phòng của ngân sách tỉnh 2 tỉ 665,6 triệu đồng để mua gạo đủ cấp cho 40.159 người, mỗi người 15kg nhằm trợ giúp các hộ thiếu đói giáp hạt trong toàn tỉnh.
YBĐT - Ngày 10/5, Liên đoàn Lao động tỉnh tổ chức lớp tập huấn nghiệp vụ cho 80 cán bộ là chủ tịch, phó chủ tịch công đoàn xã, phường, thị trấn của 9 huyện, thị trong tỉnh.