Một khu dân cư đứng trước nguy cơ lụt

  • Cập nhật: Thứ sáu, 25/5/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Từ nhiều năm qua, mỗi khi mưa lớn thì đoạn đường qua khu vực ngã ba Km 9 đường Yên Bái - Hà Nội thuộc tổ 2 và 3 thị trấn Yên Bình, huyện Yên Bình lại xuất hiện úng lụt gây ách tắc giao thông và huỷ hoại công trình đường bộ.

Đất vẫn mặc sức đổ ngăn dòng chảy tại tổ 2, thị trấn Yên Bình.
Đất vẫn mặc sức đổ ngăn dòng chảy tại tổ 2, thị trấn Yên Bình.

Mùa mưa năm nay đã đến rất gần, tình trạng kể trên không những chưa được khắc phục mà còn có nguy cơ lụt lớn, đe dọa cuộc sống những hộ dân nơi đây.

Một bạn đọc của Báo Yên Bái rất bức xúc, trong thư gửi về tòa soạn đã phản ánh nguy cơ úng lụt chắc chắn sẽ diễn ra mà nguyên nhân của nó là do chính quyền địa phương và Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện đã buông lỏng quản lý khiến "phong trào" đào đắp, cơi nới, lấn chiếm dòng chảy ở khu vực tổ 1 và tổ 2 thị trấn Yên Bình có cơ hội phát triển "rầm rộ", khi mưa xuống chắc chắn đường giao thông và nhiều nhà cửa của người dân tổ 2 và tổ 3 sẽ úng lụt - Phóng viên Báo Yên Bái đã có mặt trực tiếp tại hiện trường ghi nhận: cấu tạo địa hình khu vực tổ 1, 2 và 3 thị trấn Yên Bình (gần ngã ba Km 9 đường Yên Bái - Hà Nội) thực sự là một rốn nước vì đây là chân của hai con dốc dài, chảy qua nhiều khu dân cư là dốc Km 0 đường Yên Bái - Lào Cai và hai đoạn dốc Km 9 và Km 10 đường Yên Bái - Hà Nội.

 

Một đoạn mương bị lấn chiếm.

Toàn bộ lượng nước sinh hoạt và nước tự nhiên đều được thoát qua hệ thống cống rãnh và mặt đường giao thông, tập trung lại cuối dốc và đổ thẳng xuống con mương gần đó. Do không được nạo vét thường xuyên và thói quen xả rác xuống cống, xuống mương đã khiến cho khả năng thoát nước của con mương này rất hạn chế và là nguyên nhân của tình trạng cứ mưa lớn là ngập đường. Đặc biệt, thời gian qua, một tràn ruộng nằm ngay sát con mương (phía phải theo hướng dòng chảy) được tỉnh ra quyết định chuyển mục đích sử dụng từ đất nông nghiệp sang đất thổ cư, toàn bộ hơn hai nghìn mét vuông đất ruộng này đều đã có người mua để làm nhà ở hoặc nơi sản xuất kinh doanh. Do là đất sình lầy và thấp hơn mặt đường nên các hộ đều phải nạo vét với khối lượng lớn để làm móng hoặc phải mất một khối lượng lớn đất, cát để tôn tạo mặt bằng và trong quá trình thi công, đất, cát đã tràn ra mương với khối lượng lớn có nguy cơ lấp dòng chảy. Thấy phía bên kia làm sai mà không bị xử lý gì nên nhiều hộ dân bên này mương nước (phía trái dòng chảy) thuộc tổ 2 cũng thi nhau đào đất đổ ra bờ mương nhằm tôn tạo mặt bằng.

Cho đến thời điểm này gần như toàn bộ các hộ dân đã tổ chức đào đắp đất, vi phạm hành lang mương và để che mắt thiên hạ họ đóng mấy cái cọc tre hoặc đựng đất vào các bao tải dứa làm kè. Tại đoạn mương thuộc tổ dân cư số 1, tình trạng đổ đất lấn chiếm hoặc thay đổi toàn bộ dòng chảy diễn ra mới thực sự quyết liệt, một số địa điểm không còn nhận ra đâu là mương thoát nước, có những hộ ngang nhiên đổ đất nắn dòng đi một góc... chín mươi độ! Trong bối cảnh tình trạng vi phạm Luật Đất đai và công tác quản lý bị buông lỏng khiến nguy cơ lụt lội đã rất hiện hữu, người dân tỏ ra bức xúc và lo ngại cho sự an toàn tính mạng và tài sản của mình. Chúng tôi đã gặp và trao đổi với  ông Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện thì được biết: tình hình ở khu vực tổ 1 và tổ 2 đã rất phức tạp; vừa qua, Ban Thường vụ Huyện uỷ đã họp và có ý kiến yêu cầu Phòng và thị trấn kiểm tra, đánh giá và có hướng xử lý dứt điểm. Thị trấn đã xuống kiểm tra nhưng chưa biết kết quả thế nào.

Còn cán bộ địa chính thị trấn thì lại cho biết: "Không biết các lãnh đạo huyện đã ra thực tế chưa và nhận xét thế nào chứ chúng tôi thường xuyên có mặt kiểm tra, tình hình ở đó (tức các tổ dân phố 1, 2 và 3) vẫn bình thường. Những nhà đã và đang xây không vi phạm gì còn những nhà phía bên đổ đất ra mương đã kè cẩn thận lắm! Hơn nữa, cái mương này cũng chỉ là cái mương nhỏ, do lịch sử để lại nên việc quản lý hành lang, dòng chảy cũng rất khó". Biết không thể tìm được lời giải thích gì hơn, chúng tôi quyết định ra về lúc trời đã nổi cơn dông, mây đen kéo về xám xịt. Lạy trời đừng mưa quá lớn khiến con mương nhỏ đang biến dạng, dị hình vì lòng tham, vì thái độ thờ ơ, tắc trách của con người! Chắc có lẽ phải chờ đến khi nước dâng cao, gây ra chuyện lớn như phần hạ lưu của nó đã làm năm 2005 khiến cả thành phố Yên Bái lụt lội gây tan hoang, tang tóc biết bao nhà cửa thì mới lại ngồi vào bàn để rút kinh nghiệm chăng?

Lê Phiên

Các tin khác

YBĐT - Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2006 - 2007 là kỳ thi đầu tiên thực hiện cuộc vận động"Nói không với tiêu cực trong thi cử và bệnh thành tích trong giáo dục". Phóng viên Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với giáo viên, thí sinh dự thi, phụ huynh học sinh và một số người dân trước kỳ thi này.

YBĐT - Để giúp các hộ nghèo khó khăn, vừa qua, huyện Trấn Yên đã tiếp nhận từ tỉnh trên 73 tấn gạo cứu đói giáp hạt, chuyển cấp cho trên 1.500 hộ nghèo ở 29 xã, thị trấn.

YBĐT - Thực hiện Nghị quyết 13/2002/NQ - CP của Chính phủ, từ đầu năm đến nay, các địa phương trong tỉnh đã đồng loạt ra quân giải toả hành lang đường chống lấn chiếm, họp chợ trên đường đảm bảo an toàn giao thông (ATGT).

YBĐT - Đã từ lâu rất nhiều người luôn nghĩ rằng việc đảm bảo trật tự ATGT là trách nhiệm của riêng lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT). Do đó, mỗi khi xẩy ra một vụ tai nạn, va quệt hay có trường hợp vi phạm Luật giao thông đường bộ nghiêm trọng thì điều đầu tiên mọi người nghĩ đến là trách nhiệm của lực lượng cảnh sát giao thông mà quên đi trách nhiệm của những cá nhân trực tiếp tham gia giao thông, quên đi rằng việc đảm bảo ATGT cũng là quyền và nghĩa vụ của mỗi công dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục