Chủ trì Hội nghị có đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) 138 tỉnh. Dự Hội nghị còn có lãnh đạo các cục nghiệp vụ Bộ Công an, thành viên BCĐ 138 tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành trong tỉnh và Trưởng BCĐ 138 các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh.
Năm 2023, công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (ANTQ) trên địa bàn tỉnh tiếp tục được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đạt được nhiều kết quả tích cực. Phong trào được phát triển sâu rộng, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, nhất là công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, từng bước khắc phục được biểu hiện hình thức, đi vào chiều sâu, thực chất. Trong năm qua, thực hiện phong trào, toàn tỉnh đã tổ chức 1.980 buổi tuyên truyền pháp luật với trên 228.390 lượt người tham gia, ký cam kết thực hiện các nội quy về bảo vệ an ninh trật tự (ANTT) tại cơ sở.
Qua học tập, quần chúng đã cung cấp 1.690 nguồn tin, trong đó có gần 890 nguồn tin có giá trị, giúp lực lượng công an các cấp làm rõ trên 380 vụ, việc, xử lý trên 570 lượt người vi phạm. Cùng với công tác tuyên truyền vận động, các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ được xây dựng, duy trì, củng cố, nhân rộng đang phát huy tốt.
Công tác chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về trật tự an toàn xã hội, địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT, công tác bảo đảm an ninh trật tự nông thôn mới; củng cố lực lượng nòng cốt làm nhiệm vụ đảm bảo an ninh trật tự ở cơ sở… cũng đã có nhiều chuyển biến tích cực, kịp thời giải quyết những vấn đề bức xúc, nổi cộm về ANTT, tạo môi trường ổn định cho phát triển kinh tế, xã hội trên địa bàn. Đến nay, tỉnh Yên Bái không còn địa bàn trọng điểm, phức tạp về ANTT; hoạt động của tội phạm được kiềm chế, không xảy ra tội phạm hoạt động theo kiểu "xã hội đen”.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc trao đổi cùng các đại biểu tại Hội nghị
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc nhận định tình hình ANTT cơ bản ổn định, tuy nhiên vẫn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp. Do vậy, năm 2024 các sở, ban, ngành, địa phương cần xác định rõ công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên; là trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp.
Đồng thời, cần đổi mới hình thức, nội dung, biện pháp vận động quần chúng xây dựng phong trào với những hoạt động thiết thực, sáng tạo, phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của cơ quan, địa bàn, lĩnh vực, khu dân cư; Đẩy mạnh công tác xã hội hóa xây dựng, nhân rộng các mô hình, điển hình tiên tiến trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ; tiếp tục nhân rộng xây dựng công an phường kiểu mẫu về ANTT và văn minh đô thị, xây dựng xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục điển hình về phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức vận động để thu hút cán bộ, đoàn viên, hội viên và mọi tầng lớp nhân dân tham gia phòng, chống tội phạm cùng với việc thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội theo chức năng của từng ngành, từng địa phương.
Đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong tỉnh trong công tác xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh Ngô Hạnh Phúc nhận bằng khen của Bộ Công an vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ngô Hạnh Phúc trao bằng khen của UBND tỉnh cho 10 tập thể, 15 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào toàn dân bảo vệ ANTQ
Nhân dịp này, Bộ Công an đã tặng Kỷ niệm chương "Bảo vệ an ninh Tổ quốc” cho các cá nhân có có nhiều đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ ANTQ và tặng bằng khen cho đồng chí Ngô Hạnh Phúc – Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo 138 tỉnh và 9 tập thể của tỉnh Yên Bái vì có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ. UBND tỉnh Yên Bái tặng bằng khen cho 10 tập thể, 15 cá nhân. Công an tỉnh Yên Bái tặng giấy khen cho 20 tập thể và 25 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào Toàn dân bảo vệ ANTQ.
Mạnh Cường