Thắp sáng “nơi cùng trời” Mù Cang Chải

  • Cập nhật: Chủ nhật, 1/9/2024 | 12:57:17 PM

Bản Háng Tày, Kể Cả và Pú Vá của xã Chế Tạo là “nơi cùng trời” của huyện nghèo Mù Cang Chải với 100% là đồng bào dân tộc H'Mông sinh sống. Đây cũng là ngã ba tiếp giáp giữa 3 tỉnh Yên Bái - Sơn La - Lai Châu nhưng cuộc sống gần như biệt lập với thế giới bên ngoài.

Người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng điện năng lượng mặt trời. Ảnh: Mạnh Cường
Người dân huyện vùng cao Mù Cang Chải được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách sử dụng điện năng lượng mặt trời. Ảnh: Mạnh Cường

"Bỏ vợ con ở nhà để đi chăm nuôi con người"

Xã Chế Tạo cách trung tâm huyện Mù Cang Chải 35 km với 275 hộ dân sinh sống ở 7 bản, trong đó bản Háng Tày xa nhất, điều kiện khó khăn, không chợ, sinh hoạt tự cung tự cấp, không có điện, đường ôtô và sóng điện thoại. Nhiều khách du lịch thích vượt qua đèo Khau Phạ với chiều dài 27km đến với Mù Cang Chải để chinh phục còn với các thầy giáo vùng cao, đoạn đường này ngày nắng bụi mù, ngày mưa trơn trượt, ngã như cơm bữa.

Điểm trường Háng Tày có 2 lớp ghép với gần 50 học sinh. Lớp học nằm cheo leo trên sườn núi, đường lên là con dốc chỉ có thể sử dụng xe máy và đi bộ. Bên cạnh những giáo viên vì khó khăn, thiếu thốn nên xin chuyển công tác, thôi việc, vẫn còn những thầy cô kiên trì bám trường, bám bản để gieo con chữ cho học trò dân tộc thiểu số.

"Đồng nghiệp thường nói vui rằng, tôi và thầy Giàng A Tu, thầy Giàng A Lâu đang bỏ vợ con ở nhà để đi chăm nuôi con người. Do điểm trường đi lại khó khăn nên chúng tôi phải ăn ngủ tại trường, cuối tuần mới về nhà thăm nhà”, thầy Giàng A Lứ - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Chế Tạo tâm sự.

Cũng như Háng Tày, từ trung tâm xã chúng tôi phải đi xe máy gần 2 tiếng đồng hồ với khoảng 20km đường uốn lượn quanh co, sương mù dày đặc để đến được bản Pú Vá. Đường đi cũng chỉ vừa 1 chiếc xe máy, nhiều đoạn đi qua cầu, suối, leo dốc khúc khuỷu. Có đoạn chỉ rộng chừng nửa mét, cheo leo một bên vách núi cao, một bên là vực sâu thăm thẳm. Điều kiện tự nhiên của Pú Vá khá đặc biệt, nằm giữa vùng giáp ranh giữa 3 tỉnh Yên Bái, Sơn La và Lai Châu, bao quanh bản là những dãy núi cao nên cuộc sống của người dân nhiều lúc cảm tưởng như biệt lập với thế giới bên ngoài.

Anh Giàng A Dê, ở bản Pú Vá cho biết: "Người dân từ bao đời nay ở đây không có sóng điện thoại cũng chẳng có điện mà xem tivi, tin tức".

Theo anh Dê, trước đây để liên hệ với nhau thì phải đến từng nhà. Cả bản hơn 70 hộ, nhưng mỗi nhà cách nhau xa, lại ở trên núi cao nên đi lại rất vất vả. Mỗi khi có công việc cần liên lạc qua điện thoại, bà con lại đi xe máy hơn 5km lên đỉnh núi dò sóng để gọi điện. Do chưa có điện lưới quốc gia nên để có điện các hộ gia đình ở các bản Háng Tày, Pú Vá, Kể Cả đều phải tự sắm cho mình máy phát điện bằng nước suối hay mua bộ phát bằng máy năng lượng mặt trời về sử dụng tạm.


Đổi thay ở "vùng lõm”

Trong chuyến công tác lần này với PV Báo Lao Động, lãnh đạo Viettel Yên Bái phấn khởi giới thiệu 3 thôn khó khăn nhất của xã Chế Tạo là Háng Tày, Pú Vá và Kể Cả đã được phủ sóng di động hồi giữa năm 2024. Gọi được điện thoại nói chuyện, được nhìn thấy hình ảnh trực tiếp là ước mơ bao đời của người dân nơi đây đã trở thành hiện thực.

"Trước sự cấp thiết của sóng viễn thông đối với chính quyền và bà con xã Chế Tạo nhiều năm nay, những người kỹ thuật Viettel đã thực hiện 3 cùng "cùng ăn, cùng ở, cùng làm” tại các bản. Bất kể ngày nắng to hay mưa lớn, anh em vẫn miệt mài làm việc cho kịp tiến độ hoàn thành trạm phát sóng. Tuy nhiên, khu vực "vùng lõm” này chưa có điện lưới nên trước mắt anh em phải dùng máy nổ kết hợp với ắc quy kích điện luân phiên để đảm bảo phát sóng cho bà con giờ cao điểm. Để phát sóng ổn định, cứ 2 - 3 ngày lực lượng kỹ thuật phải di chuyển khoảng 2 giờ trên tuyến đường nhiều bùn đất, dốc đá và khúc cua để sang địa phận tỉnh Sơn La mua nhiên liệu", lãnh đạo Viettel Yên Bái chia sẻ.

Ông Sùng A Dinh, Chủ tịch UBND xã Chế Tạo cho biết: "Việc đưa trạm phát sóng vào hoạt động đã giúp cho người dân của xã đảm bảo thông tin liên lạc, từng bước hoàn thiện hạ tầng chuyển đổi số, đưa ánh sáng văn hóa về với dân bản. Đặc biệt, ngoài đáp ứng nhu cầu liên lạc và truy cập Internet thì trạm còn đảm bảo liên lạc, nhất là trong trường hợp thiên tai, hỏa hoạn, tình huống đặc biệt, khẩn cấp...”.

Về phần điện, theo lãnh đạo xã Chế Tạo, trước mắt các hộ nghèo được trang bị miễn phí hệ thống điện năng lượng mặt trời. Nếu trời nắng to và kéo dài thì điện sử dụng khá thoải mái, việc duy tu, bảo dưỡng cũng dễ dàng. "Cả bản vui lắm. Chỉ với tấm pin năng lượng mặt trời rộng chưa đầy 2m2 đặt trên mái nhà đấu nối với hệ thống pin lưu trữ, các cháu nhỏ đã có ánh sáng để học bài. Có điện, chúng tôi còn sạc được điện thoại để gọi điện hỏi thăm các con đi học ở xa vì bây giờ đã có trạm phát sóng...”, chị Giàng Thị Bla - bản Háng Tày tâm sự.

(Theo LĐO)

Các tin khác
Tuổi kết hôn trung bình ở Việt Nam tăng nhanh (Ảnh minh họa)

Tuổi kết hôn trung bình lần đầu của thanh niên Việt đang ngày càng muộn. Theo đó, tuổi kết hôn tăng từ 24,1 (năm 1999) lên 25,2 (2019) và đến 2024 là 27,2 tuổi.

Ảnh minh họa.

Từ tháng 9/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: Quy định mới về cấp phó của các cơ quan, đơn vị; Dừng cung cấp mạng di động GSM (2G) từ 16/9; Hỗ trợ vay vốn tới 25 triệu đồng/công trình nước sạch...

Lá cờ Tổ quốc do người làng Từ Vân may vẫn tung bay trên khắp mọi miền của Tổ quốc.

Ngày Quốc khánh trọng đại đang tới gần, ngôi làng truyền thống thêu cờ Tổ quốc mang tên Từ Vân lại trở nên tất bật, rộn ràng hơn bao giờ hết.

Ảnh minh họa

Từ ngày 1/9/2024, Sở Tư pháp tỉnh Yên Bái thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp điện tử, đồng thời cấp Phiếu lý lịch tư pháp bản giấy khi công dân, tổ chức có yêu cầu.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục