Hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp” cho hộ nghèo

  • Cập nhật: Thứ năm, 19/12/2024 | 7:45:07 AM

YênBái - Trong văn hóa truyền thống của người Việt Nam, "an cư lạc nghiệp" luôn được coi là nền tảng của sự ổn định và phát triển bền vững. Một mái nhà không chỉ là nơi che nắng, che mưa mà còn là tổ ấm để nuôi dưỡng hạnh phúc, vun đắp ước mơ và tạo dựng tương lai. Trong bối cảnh xã hội ngày càng phát triển, việc làm nhà ở cho hộ nghèo không chỉ dừng lại ở ý nghĩa nhân đạo mà còn là nhiệm vụ quan trọng để thúc đẩy sự công bằng xã hội và hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp”.

Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và đại diện VNPT Yên Bái trao hỗ trợ làm nhà cho gia đình ông Bàn Văn Hiện, thôn 4, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên.
Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh và đại diện VNPT Yên Bái trao hỗ trợ làm nhà cho gia đình ông Bàn Văn Hiện, thôn 4, xã Phúc Lợi, huyện Lục Yên.

Nhằm thực hiện mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát, những năm qua, Chính phủ đã triển khai nhiều chương trình thiết thực như Chương trình 167, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho người nghèo; chương trình hỗ trợ hộ nghèo vùng thường xuyên chịu ảnh hưởng của thiên tai và các dự án nhà ở xã hội. Những chính sách này đã giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình có được mái ấm ổn định, cải thiện chất lượng cuộc sống. Để cụ thể hóa mục tiêu này, tỉnh Yên Bái đã tập trung tối đa các nguồn lực trong xã hội giúp đỡ các hộ có hoàn cảnh khó khăn đảm bảo điều kiện về nhà ở. 

Với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm”; đồng thời thực hiện "công khai, minh bạch, rõ ràng”, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tổ chức rà soát, phân loại, chọn đúng người, đúng đối tượng để triển khai hỗ trợ bảo đảm phù hợp, hiệu quả các nguồn lực xã hội; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, các địa phương và các tổ chức chính trị - xã hội, người dân, doanh nghiệp thông qua công tác tuyên truyền, vận động nhằm huy động tối đa mọi nguồn lực, đặc biệt là nguồn lực huy động từ xã hội hóa để thực hiện mục tiêu của đề án, kế hoạch. 

Đồng thời, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp, các địa phương trong triển khai tổ chức thực hiện. Đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không có khả năng tự tổ chức làm nhà, các địa phương đã huy động sự tham gia của các tổ chức đoàn thể và cộng đồng dân cư nơi đối tượng cư trú để tổ chức làm nhà. 

Ngoài mức kinh phí đã được hỗ trợ theo đề án, kế hoạch, các địa phương chủ động huy động thêm nhân công, vật liệu; phân công cụ thể cán bộ phụ trách thôn, bản, tổ dân phố trong việc chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các hộ gia đình thuộc diện được hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà ở theo tiến độ đề án, kế hoạch đã phê duyệt. 

Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025, đặt mục tiêu tập trung vận động các nguồn lực để hỗ trợ 3.022 hộ nghèo, hộ cận nghèo làm mới hoặc sửa chữa nhà ở với tổng kinh phí gần 149 tỷ đồng; mức hỗ trợ chung từ nguồn ngân sách tỉnh và xã hội hóa là 50 triệu đồng/nhà làm mới, 25 triệu đồng/nhà sửa chữa; riêng tại 2 huyện nghèo Trạm Tấu, Mù Cang Chải mức hỗ trợ là 60 triệu đồng/nhà làm mới, 30 triệu đồng/nhà sửa chữa. 


Đây là một điểm mới, nổi bật của Đề án bởi thông qua công tác huy động các nguồn lực, nhất là nguồn xã hội hóa, mức hỗ trợ làm nhà mới và sửa chữa nhà của tỉnh cao hơn mức hỗ trợ theo quy định của Trung ương ít nhất từ 20 - 40% cho mỗi căn nhà. Giai đoạn 2022 - 2025, Nhà nước áp dụng chuẩn nghèo mới, nhiều hộ nhà làm từ những vật liệu như tre, gỗ, tấm lợp theo năm tháng đã bị hư hỏng nặng, cùng với những khó khăn khác khiến số lượng hộ nghèo khó khăn về nhà ở tiếp tục phát sinh... 

Trước thực tế đặt ra, để kịp thời giúp đỡ các hộ nghèo có điều kiện "an cư lạc nghiệp”, ổn định cuộc sống, tại Kỳ họp thứ 11 (chuyên đề) HĐND tỉnh khóa XIX, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 12/4/2023 quy định chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2023 - 2025. 

Để cụ thể hóa Nghị quyết HĐND, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 27/4/2023 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo và hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2023 - 2025. Đồng thời, ban hành Kế hoạch số 126/KH-UBND để triển khai thực hiện Đề án.

Với mục tiêu đề ra khá cao, song với quyết tâm của cả hệ thống chính trị, sự chung tay giúp đỡ của cộng đồng, doanh nghiệp tỉnh Yên Bái đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với giải pháp chung được thực hiện là đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy sự đồng lòng chia sẻ với người nghèo, hộ nghèo khó khăn trên tinh thần tự nguyện, "tương thân, tương ái”, "lá lành đùm lá rách”, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ người nghèo làm mới, sửa chữa nhà ở. 

Bằng tinh thần trách nhiệm, sự vào cuộc quyết liệt, với nhiều hình thức khác nhau, cấp ủy, chính quyền, các hội, đoàn thể các cấp, đã kết nối được những tấm lòng nhân ái, những trái tim yêu thương chung tay chia sẻ với người nghèo để xây dựng được hàng nghìn mái nhà hạnh phúc. Hàng năm, thông qua Quỹ "Vì người nghèo”, cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh đã thực hiện việc ủng hộ ít nhất một ngày lương để hỗ trợ, quyên góp kinh phí làm nhà. Nhiều tổ chức, doanh nghiệp, các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh đã tham gia đóng góp, giúp đỡ các hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh và bằng hiện vật với trị giá hàng chục tỷ đồng. 


Đoàn viên thanh niên và người dân thôn Khe Chung, xã Xuân Tầm, huyện Văn Yên giúp đỡ hộ nghèo làm nhà ở.  

Ngoài huy động vật chất, cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc các cấp đã nỗ lực vào cuộc huy động sức mạnh trong nhân dân. Toàn tỉnh đã huy động được hàng vạn ngày công, trong đó nòng cốt là lực lượng quân sự, công an, dân quân tự vệ, đoàn viên thanh niên, hội viên nông dân, phụ nữ… tham gia vào tất cả các công đoạn, giúp đỡ nhân dân làm nhà. Nhờ vậy, phần lớn mỗi căn nhà xây mới hoặc sửa chữa đều hạn chế đến mức thấp nhất phần chi phí vận chuyển nguyên vật liệu và nhân công. 

Với quyết tâm chính trị cao, tỉnh Yên Bái đặt mục tiêu về đích trước gần 1 năm so với kế hoạch, trên tinh thần chủ động, quyết tâm, quyết liệt, nỗ lực cao nhất, cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã cùng vào cuộc. Các sở, ngành, các huyện, thị xã, thành phố triển khai rà soát đối tượng hỗ trợ kịp thời, đúng thực tế. Đẩy mạnh kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện trên cơ sở các tiêu chí đã thống nhất về quan điểm, nguyên tắc, điều kiện hỗ trợ. Đồng thời, phát huy tính tích cực, chủ động của chủ hộ, sự tham gia, giúp sức của hệ thống chính trị. 

Không chỉ đóng góp về tiền của, vật chất, chương trình còn huy động được sự tham gia của mọi tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh đóng góp công sức vào việc xây dựng nhà ở cho các đối tượng được hỗ trợ. Chủ trương đúng đắn, cách làm phù hợp, ý Đảng hợp lòng dân cùng ý nghĩa lớn lao, tính nhân văn sâu sắc, từ khi triển khai đến nay, Đề án đã nhận được sự đồng thuận, chung sức, đồng lòng của toàn xã hội; sự chung tay, góp sức của các tổ chức, doanh nghiệp, địa phương đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, góp phần hiện thực hóa ước mơ "an cư” của người nghèo. 

Làm nhà ở cho hộ nghèo không chỉ là trách nhiệm của Nhà nước mà còn là nghĩa vụ của toàn xã hội, từ các doanh nghiệp, tổ chức, đến từng cá nhân. Hãy cùng nhau thắp lên hy vọng để không ai còn phải mơ về một mái ấm, khi đó giấc mơ "an cư lạc nghiệp" không phải là điều xa vời với những hộ nghèo, cận nghèo!  

Đến ngày 12/12/2024, tỉnh Yên Bái đã hoàn thành 2.995 nhà trong tổng số 3.022 nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được hỗ trợ làm mới và sửa chữa theo kế hoạch trong giai đoạn 2023 - 2025. Tổng giá trị hỗ trợ làm mới, sửa chữa nhà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo toàn tỉnh theo Đề án đạt trên 369 tỷ đồng, gấp 2,5 lần tổng nhu cầu kinh phí Đề án; trong đó, kinh phí huy động từ ngân sách chỉ chiếm 22,1%.

Thanh Tân

Tags Yên Bái người nghèo hộ nghèo nguồn lực hỗ trợ kiên cố

Các tin khác
Lãnh đạo Ngân hàng Agribank Bắc Yên Bái trao 620 triệu đồng hỗ trợ của Công đoàn Agribank Việt Nam cho Trường Mầm non Phúc Lợi, huyện Lục Yên.

Chia sẻ, hỗ trợ các đơn vị, trường học bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (YAGI), Công đoàn Agribank Việt Nam đã trao hỗ trợ 620 triệu đồng cho Trường Mầm non Phúc Lợi, huyện Lục Yên.

Tác giả Nguyễn Việt Đức (Thông tấn xã Việt Nam) nhận giải A.

Ngày 18/12, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women) phối hợp với Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức Lễ trao giải Báo chí toàn quốc về Bình đẳng giới năm 2024 nhằm tổng kết và vinh danh các tác phẩm báo chí xuất sắc, đồng thời ghi nhận những đóng góp tích cực của các tập thể, cá nhân trong hoạt động truyền thông thúc đẩy bình đẳng giới thời gian vừa qua.

Anh Hà Văn Thương ở thôn Bản Ngoa, xã Phúc Sơn đang làm công việc lắp ráp nhà xưởng tại Qatar.

Đến nay, toàn xã Phúc Sơn, thị xã Nghĩa Lộ có trên 50 lao động đang làm việc ở nước ngoài. Riêng 11 tháng năm 2024 có 23 lao động làm việc ở các thị trường ngoài nước.

Quang cảnh Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái.

Sáng 18/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch (VHTT&DL) năm 2025, với chủ đề “Xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc - Động lực phát triển trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam”.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục