Phóng viên (P.V) Báo Yên Bái đã có cuộc trao đổi với đồng chí Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện về nội dung công tác này.
P.V: Đồng chí có đánh giá như thế nào về kết quả thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện giai đoạn 2021- 2025?
Đồng chí Sùng A Chua: Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững những năm qua luôn nhận được sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Huyện ủy, HĐND, UBND huyện; sự giúp đỡ của các sở, ban, ngành của tỉnh; sự nỗ lực của các cơ quan chuyên môn được giao chủ trì thực hiện các tiểu dự án, dự án, nhất là sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, huyện Mù Cang Chải đã từng bước hoàn thành kế hoạch Chương trình đề ra. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân được nâng lên; thúc đẩy sản xuất, xóa đói, giảm nghèo… góp phần phát triển kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, củng cố quốc phòng - an ninh của địa phương.
Thực tế, với việc triển khai đồng bộ đã cải thiện khả năng tiếp cận của người nghèo đối với các dịch vụ sản xuất, dịch vụ xã hội cơ bản; nhận thức, năng lực, trách nhiệm về phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói, giảm nghèo được nâng lên, tạo được sức lan tỏa, khích lệ người nghèo trên địa bàn huyện thêm quyết tâm vươn lên; nội lực được khai thác, sức dân được huy động tối đa cho việc xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Các công trình hạ tầng hoàn thành đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả; đời sống văn hóa, xã hội của nhân dân ngày càng được nâng cao.
Số người nghèo được thụ hưởng các chính sách ngày càng nhiều, tạo ra những bước đột phá quan trọng, nhất là mục tiêu giảm nghèo đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện đề ra.
Đồng chí Sùng A Chua - Phó Chủ tịch UBND huyện Mù Cang Chải.
Với nhiều giải pháp được triển khai thực hiện đồng bộ, năm 2022, huyện Mù Cang Chải đã giảm được 8,51% hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, giảm vượt 2,01% so với Chương trình hành động số 16/CTr-UBND, ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh (chỉ tiêu giao 6,5%); tỷ lệ hộ nghèo còn lại 48,28%, tương đương 6.344 hộ; năm 2023, giảm tỷ lệ hộ nghèo 9,83% theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021 - 2025, vượt 1,23% so với Chương trình hành động số 16/CTr-UBND ngày 22/12/2021 của UBND tỉnh (chỉ tiêu giao 8,6%); tỷ lệ hộ nghèo còn lại 8,45%, tương đương 5.166 hộ.
Năm nay, huyện Mù Cang Chải được giao trên 240 tỷ đồng cho các chương trình MTQG; trong đó, có Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững. Đến thời điểm này, huyện đã giải ngân trên 119 tỷ đồng, đạt gần 50% kế hoạch. Huyện dự ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 10,03%, vượt 2,17% so với Chương trình hành động số 16/CTr-UBND của UBND tỉnh (chỉ tiêu giao 7,86%); tỷ lệ hộ nghèo còn lại 28,42%, tương đương 3.868 hộ. Năm 2025, huyện phấn đấu giảm 5,2% hộ nghèo để đến cuối năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn huyện còn 23,2%, vượt 2,93% so với Chương trình hành động số 16/CTr-UBND của UBND tỉnh (chỉ tiêu giao 26,13%).
P.V: Quá trình triển khai thực hiện Chương trình tại địa phương nảy sinh những khó khăn, vướng mắc gì và huyện đã có những giải pháp để thực hiện hiệu quả Chương trình, thưa đồng chí?
Đồng chí Sùng A Chua: Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai thực hiện ở địa phương cũng nảy sinh một số khó khăn, bất cập như: tiến độ triển khai một số dự án, tiểu dự án còn chậm so với kế hoạch đề ra, chưa huy động được kinh phí từ nhiều nguồn lực khác; thu nhập, đời sống người dân còn nhiều khó khăn. Nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn.
Thêm vào đó, việc bố trí ngân sách địa phương có hạn, chưa đáp ứng yêu cầu, đối ứng vốn thực hiện chưa kịp thời, thiếu chủ động trong huy động, tranh thủ các nguồn lực để phục vụ thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
Từ thực tế thực hiện Chương trình thấy rằng, một số cơ chế, chính sách trung ương ban hành, hướng dẫn thực hiện còn nhiều vướng mắc, bất cập, chậm được sửa đổi, bổ sung; chậm hoặc chưa được xây dựng, ban hành, hướng dẫn thực hiện kịp thời để giải quyết các yêu cầu thực tiễn trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững.
Công tác khảo sát, lập và giao kế hoạch vốn thực hiện các Chương trình, dự án giảm nghèo ở một số đơn vị chủ trì, xã còn chậm, thiếu chủ động, phải thực hiện điều chỉnh nhiều lần, nhất là dự án thuộc các chương trình MTQG; dẫn đến, giải ngân không đạt tiến độ, chậm phát huy hiệu quả của các chính sách. Còn một nguyên nhân chủ quan đó là, công tác chỉ đạo điều hành của một số cấp ủy đảng, chính quyền còn chưa quyết liệt.
Không hiếm hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, lười làm, chưa tự giác phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Nguồn lực huy động trong nhân dân tham gia thực hiện Chương trình chưa được nhiều.
Khách quan nhìn nhận thực chất những tồn tại, vướng mắc, huyện chỉ đạo cùng với tập trung khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của địa phương, các cấp ủy, chính quyền chú trọng đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng về mục tiêu, nhiệm vụ của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững đến cộng đồng dân cư nhằm tạo sự đồng thuận, tích cực hưởng ứng phong trào hiến đất, cây cối, hoa màu, vật kiến trúc và tham gia đóng góp tự nguyện, bảo đảm phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội trong triển khai thực hiện.
Tiếp tục chỉ đạo UBND các xã và các đơn vị có liên quan rà soát các nhiệm vụ được giao của Chương trình, dự án sớm trình UBND huyện phân bổ, phê duyệt; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, UBND các xã đẩy nhanh tiến độ giải ngân bảo đảm hoàn thành các nội dung, dự án, tiểu dự án sử dụng vốn sự nghiệp của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2024 theo đúng kế hoạch; thực hiện giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn được giao, không để xảy ra tình trạng trả lại vốn sự nghiệp do nguyên nhân chậm triển khai.
Cùng đó, chỉ đạo xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện các dự án của Chương trình MTQG Giảm nghèo bền vững năm 2025; tăng cường kiểm tra, giám sát của các cấp, ngành trong việc sử dụng các nguồn vốn đúng mục tiêu, bảo đảm hiệu quả, tiết kiệm, tránh thất thoát, lãng phí... Mục tiêu hướng đến là không ngừng được cải thiện đời sống nhân dân trong huyện; người nghèo có điều kiện để phát triển sản xuất, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống, hưởng thụ tốt hơn các dịch vụ công cộng và các thành tựu phát triển kinh tế - xã hội.
P.V: Xin trân trọng cảm ơn đồng chí!
Minh Thúy (thực hiện)