Quyết định số 1719/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 -2030 với 10 dự án trọng tâm nhằm giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư ở những nơi cần thiết; phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị; đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ cho sản xuất; phát triển giáo dục - đào tạo, y tế nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc gắn với phát triển du lịch; chú trọng công tác đào tạo nghề, giới thiệu việc làm…
Để nâng cao đời sống cho đồng bào vùng DTTS, từ các nguồn kinh phí hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh, huyện đã hỗ trợ đa dạng hóa sinh kế mua 1.341 con trâu, bò, lợn, dê cho trên 200 hộ thuộc 7 xã nghèo của huyện, kinh phí trên 9,5 tỷ đồng; triển khai 615 cơ sở chăn nuôi theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh và thực hiện 7 dự án phát triển chăn nuôi theo chuỗi giá trị từ các chương trình mục tiêu quốc gia, kinh phí thực hiện trên 15,8 tỷ đồng; hỗ trợ làm nhà ở cho 1.188 hộ nghèo, cận nghèo, tổng kinh phí trên 54 tỷ đồng; hỗ trợ 1.087 bồn nước inox cho hộ nghèo, kinh phí trên 6,4 tỷ đồng…
Những năm gần đây, cùng với sự chỉ đạo sát sao của huyện, các ban, ngành, đoàn thể, chính quyền các địa phương đã trực tiếp chỉ đạo đến từng thôn bản, hộ dân cụ thể theo mùa vụ trồng cây gì, nuôi con gì cùng với đẩy mạnh các phong trào thi đua giữa các khu dân cư và hộ dân đã tạo không khí thi đua sôi nổi trong phát triển kinh tế để người dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu.
Ông Sùng Thành Công - Trưởng phòng Dân tộc huyện chia sẻ: "Đối với các công trình xây dựng hạ tầng nông thôn, chúng tôi cũng chủ động tham mưu giúp huyện tập trung mở mới, nâng cấp nhiều công trình đường giao thông, thủy lợi quan trọng để người dân giao lưu phát triển kinh tế cũng như việc cung cấp nước tưới cho 100% diện tích lúa nước cấy 2 vụ/năm. Cán bộ Phòng Dân tộc huyện thường xuyên nắm chắc 136 chính sách dân tộc đang được thực thi và thường xuyên đi kiểm tra giám sát cùng các đoàn kiểm tra, giám sát của Trung ương, tỉnh, huyện đối với các công trình đã và đang được đầu tư, các chương trình hỗ trợ đến người dân bảo đảm đúng, đủ, kịp thời theo quy định, đáp ứng tốt yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới…”.
Với quyết tâm đi lên từ gian khó, hằng năm, các cấp, các ngành từ huyện đến cơ sở đã vận động nhân dân đưa các giống lúa lai, lúa thuần năng suất, chất lượng cao vào gieo cấy ở 1.800 ha lúa đông xuân, 4.360 ha lúa mùa, trồng và chăm sóc tốt 4.200 ha ngô; tổng sản lượng lương thực hằng năm đạt trên 2.600 tấn. Huyện đã hình thành 2 vùng sản xuất lúa nếp Tan tại xã Cao Phạ 150 ha, Nậm Có 250 ha; vùng sản xuất lúa Séng cù tại xã Khao Mang 190 ha, Nậm Có 33 ha, Cao Phạ 20 ha… Nhân dân các xã: Nậm Khắt, Púng Luông, La Pán Tẩn còn đưa vào trồng trên 400 ha cây ăn quả như: lê, hồng giòn, mận…
Phát huy thế mạnh với trên 80.000 ha rừng, trong đó hơn 20.000 ha rừng đặc dụng, huyện đã triển khai các mô hình giao đất rừng cho nhóm hộ quản lý. Nhờ được hưởng lợi từ dịch vụ môi trường rừng người dân đã gắn bó với đất rừng, hạn chế tình trạng đốt nương, phá rừng. Hiện nay tỷ lệ phủ xanh rừng của huyện đạt trên 67%. Một số mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng công nghệ cao đã và đang đưa vào trồng thử nghiệm như: trồng rau an toàn; trồng nấm trong nhà lưới, trồng sâm, tam thất đang được nhân rộng tại các xã: Kim Nọi, Nậm Khắt, Mồ Dề… mang lại giá trị kinh tế từ 130 triệu đồng đến trên 200 triệu đồng/ha/năm.
Đến nay, huyện có 10 sản phẩm được công nhận đạt chuẩn OCOP thuộc các lĩnh vực nông, lâm nghiệp như: mật ong hoa tự nhiên Mù Cang Chải, chè Shan tuyết Púng Luông, gạo nếp Tan Khau Phạ, gạo Séng cù Hồ Bốn… Toàn huyện cũng đang có 39 di sản văn hóa vật thể và 142 di sản văn hóa phi vật thể. Hằng năm, huyện đã tổ chức nhiều lễ hội thu hút trên 30.000 lượt du khách trong và ngoài nước tham gia như: lễ hội mùa nước đổ, hoa tớ dày, Festival Khèn Mông…; doanh thu từ du lịch đạt gần 100 tỷ đồng/năm.
Việc triển khai hiệu quả các chính sách vùng DTTS đã góp phần để mỗi năm huyện Mù Cang Chải giảm trên 7% hộ nghèo và giải quyết việc làm mới cho gần 2.000 lao động. Thời gian tới, huyện tiếp tục huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; tăng cường phát triển nông, lâm nghiệp gắn với thương mại dịch vụ, tạo việc làm nâng cao thu nhập cho người dân; tạo điểm nhấn du lịch xanh, bản sắc, đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; xây dựng, nhân rộng mô hình "Xã, bản, gia đình hạnh phúc” tạo đà cho kinh tế - xã hội địa phương tiếp tục phát triển.
Từ năm 2019 đến nay, tổng các nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng nông thôn trên địa bàn huyện Mù Cang Chải đạt trên 1.286 tỷ đồng. Đã đầu tư mới và nâng cấp sửa chữa 230 công trình, trong đó có 44 công trình đường giao thông với chiều dài trên 392 km, kinh phí trên 345 tỷ đồng; 64 công trình thủy lợi, kinh phí gần 185 tỷ đồng; xây mới, nâng cấp 65 phòng học, nhà bán trú, nhà chức năng, kinh phí trên 351 tỷ đồng; xây dựng 54 công trình hạ tầng, dân dụng, kinh phí trên 357 tỷ đồng; xây mới 1 trạm y tế, kinh phí 3,2 tỷ đồng; xây mới 2 chợ, kinh phí trên 43 tỷ đồng. |
Thái Hưng