Qua ngày ông Công ông Táo, sáng ra, mẹ tôi đã lục cục chuẩn bị ra chợ. Tuổi này, mắt mẹ đã mờ, chân đã chậm nhưng những ngày chợ tết, kiểu gì mẹ cũng phải ra đến chợ, như suốt hàng bao năm qua, để tự tay chọn những mớ lá dong, cân gạo, cân đỗ. Chợ những ngày trước tết, đông vô kể.
Mẹ vẫn không ngại len lỏi giữa dòng người chộn rộn, rà qua từng hàng lá xanh tươi, ngắm nghía chọn tìm những mớ lá dong xanh mướt, lành lặn để chuẩn bị cho nồi bánh chưng. Tự tay mẹ hì hụi rửa từng tàu lá dong cho sạch bong, rồi buộc cả túm treo lên cho ráo nước, là buộc mớ lá dong quanh gốc cây nhãn góc sân nhà, bao năm qua, cây nhãn ấy vẫn làm nhiệm vụ đó, như một phần việc không thể thiếu của nó trong dịp tết. Cũng tự tay mẹ vo từng mẻ gạo nếp, từng bát đỗ xanh, ướp từng miếng thịt nhân bánh cho vừa vị.
Ba lụi cụi chẻ từng mớ lạt giang, mỏng mà dai lắm. Vừa làm, ba vừa quay ra bảo mẹ: "Giờ còn đứa nào thích ăn bánh chưng nữa đâu mà cứ làm cho vất vả vậy”. Mẹ đôi chút trầm tư, rồi chắc nịch giọng: "Ăn ít ăn nhiều, bánh vẫn phải gói, không khí tết dưới mái nhà mới là quan trọng. Đó còn là truyền thống con cháu cần biết mà!”.
Dưới mái nhà thân yêu, như lời mẹ nói, không khí tết mới là quan trọng. Bao năm tháng đi qua, miền kí ức tết xưa với những háo hức tuổi thơ trông ngóng nồi bánh chưng chưa bao giờ phai nhạt. Xưa đúng nghĩa ăn tết, khi cả năm có cái tết mới là được đủ đầy. Bánh chưng ngày tết cũng mới có. Chả thế mà chị em tôi đứa nào cũng háo hức, xăm xái phụ giúp ba mẹ chăm lo nồi bánh. Rửa lá, vo gạo, đứa nào cũng nhận phần làm. Túm tụm quanh bếp lửa luôn đỏ rực suốt hơn chục tiếng trong ngày; chực chờ lúc vớt từng chiếc bánh nóng hổi ra khỏi nồi là những lúc được trông ngóng nhất.
Những làn hơi ấm nóng tỏa ra từ từng chiếc bánh đưa theo vị bánh tỏa lan - mùi tết là đã rõ lắm! Thế nên, dù bây giờ, dẫu vắng vẻ dưới mái nhà khi những đứa con thơ bé đã phương trưởng, mẹ vẫn lụi cụi tự tay gói từng chiếc bánh chưng, ba hì hụi nhóm bếp lửa, để những đứa con trở về thấy rõ hương vị tết từ mùi thơm của bánh như những ngày thơ bé thuở nào.
Dưới mái nhà thân yêu, mùi của tết không chỉ đến từ bánh chưng ấm nóng mà còn từ mùi nồi nước tắm ngày cuối năm. Thế nên, đi chợ tết, mẹ cũng chẳng bao giờ quên chọn mua những mớ rau mùi già, thân dài, có những bông hoa trắng nhỏ tí để nấu cho cháu con một nồi nước tắm. Nước lá mùi thơm nồng vẫn là một thứ mùi tết nồng đượm trong tâm hồn. Vẫn nhớ lắm xưa mẹ bảo tắm lá mùi để xua tan, trút bỏ những không vui, chưa tròn vẹn của năm cũ, để đón một năm với nhiều may mắn và hạnh phúc hơn. Sửa soạn nồi nước lá mùi cuối năm cho cháu con - là mẹ vẫn thế: luôn chăm mong cho cháu con những điều tốt đẹp sẽ đến!
Ông và cháu quây quần chiều cuối năm.
Dưới nếp nhà thân yêu, chiều 30 tết là ấm áp, rộn ràng lắm lắm của sự đoàn viên gia đình. Những vắng vẻ thường ngày lùi lại. Những chộn rộn chuẩn bị cho bữa cơm tất niên cứ hân hoan lan tỏa. Mẹ giờ chẳng còn vào bếp được nhiều như xưa nhưng vẫn luôn chuẩn bị đủ đầy mọi thứ để cháu con sửa soạn nấu nướng một bữa cơm tròn vị tết.
Ở đó không chỉ có những món thường có của ngày tết mà có hạnh phúc của sự sum vầy, có sự an yên khi ở giữa tình thân gia đình để những bận rộn của cuộc sống thường ngày gác lại, những buồn vui, toan lo được gạt qua; để những ước vọng năm mới được đong đầy, gửi gắm, chờ đợi… Trong sum vầy đoàn viên, mẹ chợt thương hơn đứa con gái sinh sống bên xứ trời Tây, chẳng thể có mặt trong bữa cơm tất niên ấm áp như thế này.
Không được ở dưới mái nhà thân yêu những ngày tết đến xuân về, chị tôi nơi trời Âu vẫn sắp đủ đầy một mâm cơm tết đậm đà hương vị Việt - những hương vị nhắc nhớ chị về Tổ quốc, về quê hương, nơi chị được nuôi dưỡng, trưởng thành. Luôn sắp một mâm cơm tết đủ đầy như thế và mặc cho mình, cho con những chiếc áo dài Việt truyền thống, rồi chị kể với các con mình về tết Việt, về đất nước, về quê nhà, để các con được hiểu về truyền thống, thấm được cội nguồn. Đó là trách nhiệm bản thân mà chị luôn chẳng bao giờ xao nhãng suốt những năm tháng nơi xứ người.
Dưới mái nhà thân yêu, thiêng liêng lắm khoảnh khắc giao thừa trong tình thân gia đình. Thoang thoảng mùi khói hương nơi bàn thờ gia tiên trong khoảnh khắc chuyển giao thời gian như một điều gì ấm lòng khó tả mà ta chả thể tìm được ở đâu bên ngoài bậc cửa nhà ta. Những ước mong tốt đẹp cho những người thân yêu, cho chính mình được gửi gắm vào những ngày tháng năm mới đang bắt đầu và những hạnh phúc sum vầy của tình thân hiện hữu rõ trong phút giây hiện tại. Có lẽ, chẳng mong gì hơn những điều như thế!
Thế nên, cuộc sống hiện đại, dù có những xu hướng "dịch chuyển” đón tết không phải ở nhà xuất hiện nhưng lựa chọn trở về vẫn là chọn lựa từ đáy tim mỗi người. Bởi có lẽ dù có những đổi thay theo thời gian nhưng tết là để đoàn viên vẫn luôn là ý niệm ở trong tâm thức mỗi người. Ở đó, có mẹ, có cha với những hương vị tết thân thuộc mà gia đình gìn giữ bao năm vẫn đón đợi ta về. Dưới mái nhà - ta đã có tết những năm đã qua và vẫn luôn mong chờ tết của những năm tháng chưa tới. Tết là để trở về!
Thu Hạnh