Bản Mù nhiều người sinh con thứ ba
- Cập nhật: Thứ sáu, 24/8/2007 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Xã Bản Mù có 537 hộ với 3727 nhân khẩu, trong đó có 1820 người là nữ, tỷ lệ chị em trong độ tuổi sinh đẻ là hơn 800 người, trong đó có 505 chị đã có chồng. Bản Mù là xã có tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên đứng thứ 2 của huyện Trạm Tấu (Yên Bái).
Tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch đã khiến cho việc chăm sóc trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc Mông gặp rất nhiều khó khăn.
|
Năm 2006 toàn xã có 32 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó chiếm tới hơn nửa là sinh con thứ 5, thứ 6. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 17 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.
Gia đình anh Hảng A Sùng ở thôn Mông Đơ, xã Bản Mù, huyện Trạm Tấu (Yên Bái) có vợ là chị Tráng Thị Dở vừa mới sinh đứa thứ 3 chưa đầy tháng. Chị Dở đã bước qua tuổi 40.
Hôm nay chúng tôi đến thăm chỉ có mình chị ở nhà. Anh Sùng mới đi cai nghiện ma túy do huyện tổ chức. Nhà của chị Dở nghèo lắm. Trong ngôi nhà gỗ trống tuềnh trống toàng ấy chẳng có vật gì đáng giá. Chị Dở không biết tiếng phổ thông nên anh Sùng A Phang - Chủ tịch xã đã trở thành phiên dịch viên bất đắc dĩ trong câu chuyện của chúng tôi.
Chị Dở cho biết: Hoàn cảnh gia đình chị gặp rất nhiều khó khăn, nhà không có ruộng nước, chỉ có hơn 100m2 nương. Cả 5 miệng ăn trong gia đình chỉ trông vào đó và gạo cứu đói hàng năm của Nhà nước. Một năm nhà Hảng A Sùng có tới 6 tháng bị thiếu ăn. Hai đứa lớn thì không được đi học. Mặc dù chính quyền xã và nhà trường đã nhiều lần đến động viên vợ chồng chị cho con đi học nhưng rồi chúng lại phải nghỉ học ở nhà để giúp bố mẹ làm nương hay lên rừng kiếm cái ăn. Bản thân anh Sùng thì nghiện hút thành thử lười lao động. Chị Dở cũng biết đông con là khổ, nhiều khi không muốn đẻ nhưng đứa con thứ ba thì vẫn cứ chào đời, khi ngay chính mẹ nó cũng chẳng biết lấy gì mà ăn.
Câu chuyện của chúng tôi đôi lúc lại bị ngắt quãng bởi tiếng khóc của đứa bé. Nhìn chị Dở xanh xao, gầy gò, chúng tôi cũng cảm thấy ái ngại cho hoàn cảnh của chị lúc này. Hy vọng anh Sùng sẽ cai được thuốc phiện để cho mẹ con chị bớt khổ hơn. Ở thôn Mông Đơ này còn có gia đình chị Giàng Thị Tra, năm nay chị mới 24 tuổi mà đã có 3 đứa con, đứa lớn nhất 8 tuổi, còn đứa bé nhất mới 4 tháng tuổi. Hoàn cảnh gia đình chị cũng gặp không ít khó khăn. Hàng năm gia đình chỉ trông vào gạo cứu đói của Nhà nước và vài trăm mét vuông nương.
Tạm biệt gia đình chị Dở, chị Tra, chúng tôi đến thăm gia đình anh Mùa A Thông và chị Giàng Thị Di ở thôn Mông Si. Năm nay chị Di đã gần 50 tuổi mà mới sinh thêm đứa thứ 5 Mùa Thị Sưa được 4 tháng tuổi. Nhà Mùa A Thông đã có 2 trai, 2 gái. Đứa lớn năm nay 17 tuổi, đang học ở trường THCS của xã. Đứa thứ tư cũng vừa bước sang tuổi thứ 9 vậy mà chị Ri vẫn đẻ. Hoàn cảnh gia đình chị cũng không phải là quá khó khăn, bản thân chồng chị trước đây từng làm Bí thư Đoàn xã, được cử đi học lớp trung cấp sư phạm. Anh và vợ cũng được tham dự nhiều lớp tập huấn kiến thức về dân số - KHHGĐ. Vợ chồng anh cũng không muốn đẻ nhưng đứa thứ 5 thì vẫn cứ "tự nhiên mà có". Anh Thông giải thích thay vợ rằng: "Vợ tôi trước kia cũng đặt vòng được 6 năm, uống thuốc tránh thai được 2 năm nhưng không hợp lại thôi, bản thân tôi cũng hay dùng bao cao su nhưng tính lại hay quên nên mới thế"! Anh vừa nói, vừa cười như không có chuyện gì xảy ra cả.
Xã Bản Mù có 537 hộ với 3727 nhân khẩu, trong đó có 1820 người là nữ, tỷ lệ chị em trong độ tuổi sinh đẻ là hơn 800 người, trong đó có 505 chị đã có chồng. Bản Mù là xã có tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên đứng thứ 2 của huyện Trạm Tấu. Năm 2006 toàn xã có 32 trường hợp sinh con thứ 3, trong đó chiếm tới hơn nửa là sinh con thứ 5, thứ 6. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn đã có 17 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên.
Mặc dù, Ban Dân số, Gia đình và Trẻ em xã đã tổ chức tuyên truyền tới các già làng, trưởng thôn bản, trưởng dòng họ tham gia vận động, động viên con cháu thực hiện chính sách dân số - KHHGĐ của Đảng và Nhà nước; các ban, ngành, đoàn thể xã tích cực tuyên truyền hội viên tham gia chiến dịch, thực hiện KHHGĐ; các cộng tác viên dân số xã "đến từng nhà, rà từng đối tượng" trực tiếp tuyên truyền nhưng hiệu quả mang lại không được là bao. Vì sao vậy ? Anh Phang giải thích là do nhận thức của nhân dân trong xã còn hạn chế, phong tục tập quán lạc hậu. Sự thiếu hiểu biết những kiến thức về sức khỏe sinh sản và người dân còn mang nặng tư tưởng "trời sinh voi, trời sinh cỏ"...
Để giảm tỷ lệ người sinh con thứ ba xuống mức thấp nhất, tiến tới không còn phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ sinh con thứ ba, anh Sùng A Phang cho biết: Xã coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, giao chỉ tiêu giảm sinh cụ thể cho từng đoàn thể, từng thôn bản. Đây là một tiêu chí để xếp loại thi đua cuối năm.
Đồng thời, tích cực tuyên truyền chính sách dân số KHHGĐ tới mọi tầng lớp nhân dân bằng nhiều hình thức khác nhau để mọi người dễ tiếp thu... nhưng có lẽ đó cũng vẫn là những biện pháp chung chung như vẫn từng áp dụng, phải có những giải pháp cụ thể, đánh trúng tâm lý đồng bào, kiên quyết thiết thực và đồng bộ mới mong Bản Mù giảm được tỷ lệ người sinh con thứ ba trở lên.
Mạnh Cường
Các tin khác
YBĐT - Ngay sau khi kết thúc năm học 2006-2007, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực chỉ đạo các địa phương khẩn trương lập kế hoạch chuẩn bị tốt các điều kiện cho khai giảng năm học mới như: cơ sở vật chất các trường học, sách giáo khoa; tổ chức điều tra rà soát học sinh các lứa tuổi trên từng địa bàn để đảm bảo huy động ra lớp...
YBĐT - Vừa qua, Bệnh viện Văn Yên (Yên Bái) đã phẫu thuật thành công một ca mổ vỡ gan vượt quá khả năng của tuyến huyện. Bệnh nhân được cứu sống là chị Hoàng Thị Hoa, 22 tuổi, dân tộc Tày ở thôn Khe Vầu, xã Ngòi A.
YBĐT - Chúng tôi đến Trạm Y tế xã Nghĩa Phúc, thị xã Nghĩa Lo (Yên Báiä) vào một ngày có đông người dân đến khám bệnh. Chị Hoàng Thị Ánh đưa con đến đây tiêm cho biết: "Từ khi xây dựng chuẩn quốc gia, chúng tôi nhận thấy chất lượng khám, điều trị bệnh tại Trạm Y tế đã nâng lên. Vì vậy, khi ốm đau, chúng tôi đều đến Trạm để khám và điều trị".
YBĐT - Để nâng cao chất lượng xét xử các vụ án, thời gian qua Toà án nhân dân huyện Trấn Yên đã chủ động phối hợp với Công an và Viện Kiểm sát nhân dân huyện trong công tác xét xử. Các vụ án hình sự được đưa ra xét xử đảm bảo nghiêm minh, thận trọng, khách quan, đảm bảo đúng người, đúng tội, không để oan sai, lọt người, lọt tội.