"Chợ lao động" ở Nghĩa Lộ

  • Cập nhật: Thứ hai, 27/8/2007 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - 6h sáng, gốc đa ở chân dốc Đỏ thị xã Nghĩa Lộ, những chiếc xe đạp cọc cạch, cũ kĩ ngày một đông dần. Chừng 25-30 người đàn ông, trung tuổi có, trẻ có, áo quần cũng cũ kỹ, nhiều đôi dép mòn vẹt…hết đứng lại ngồi.

Một tốp bắt đầu lôi một mảnh bao xác rắn trải xuống, họ xếp tròn lại, rồi lôi bộ bài ra… mấy đồng bạc lẻ cũ rích đã chuyển màu xin xỉn cứ được chuyền đi chuyền lại… thêm vài người đứng chống tay xuống gối cổ vũ…G ần 11 giờ trưa, chưa một ai rời khỏi gốc đa này, thêm một buổi sáng không có việc làm.

Gốc đa chân dốc Đỏ, cổng chợ Mường Lò, khu vực gần bến xe thị xã, khu vực đường Điện Biên đối diện đường vào chợ Mường Lò, những chợ lao động được hình thành ở đây đã quá quen với người dân Nghĩa Lộ và ngày một thêm đông. 4 miệng ăn, nhà lại chỉ có 500m2 ruộng, anh Hoàng Văn Tính ( bản Chao Hạ 2, xã Nghĩa Lợi)  đã gia nhập đội quân cửu vạn tại khu gốc đa này ba, bốn năm nay. Anh đã từng theo anh em đi làm xa ở đủ nơi: Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai… nhưng chẳng tích cóp được bao nhiêu gửi về gia đình. Ông Đồng Văn Minh (phường Tân An) có 10 năm gắn bó với công việc này, ông nói: “Nhà tôi có 5 nhân khẩu, 1.000m2 ruộng, như vụ mất mùa vừa rồi chỉ được có 2 tạ thóc, chẳng biết làm gì khác”.

10 năm trong "nghề", anh Hà Văn Vạn (bản Chao Hạ 1, xã Nghĩa Lợi lại nai lưng ra làm để sinh nhai và trả món nợ 4 triệu đồng sắp đến thời hạn phải trả, được vay qua Hội Phụ nữ từ năm 2004, đầu tư vào chăn nuôi nhưng dịch bệnh đã làm thất thiệt…Hoàng Văn Khó - cậu thanh niên có thân hình còm cõm hơn cái tuổi 20 đương độ trưởng thành, lại là anh cả trong gia đình 6 anh em, học hết lớp 7 chẳng có việc làm, thương mẹ nghèo nên đi theo các anh trong bản ra đây. Những người như anh Tính, anh Minh… phần lớn là nông dân các bản người Thái: Chao Hạ (Nghĩa Lợi), Pá Khết (phường Trung Tâm), Tông Co (phường Tân An). Ít ruộng, không nghề phụ lúc nông nhàn, nhiều nhà lại đông con, họ tìm đến công việc bán sức lao động này. Trưởng bản Chao Hạ 2 (xã Nghĩa Lợi) Lò Văn Chắp cho biết, cả bản có 23/70 hộ thuộc diện nghèo thì 20 gia đình có người tham gia đội quân ở chợ lao động.

Công việc thường xuyên là bốc vác, từ vật liệu xây dựng, xi măng, sắt thép, cát sỏi… cho đến thóc lúa. Cũng có khi đi phụ hồ, nhưng “cũng ít khi vì thường cũng có cả "đội quân" phụ hồ xây dựng chuyên nghiệp rồi” - anh Hà Văn Vạn bảo vậy. “Thập cẩm các công việc lao động chân tay có thể làm được là làm. Công cán thì…”. Bỏ dở câu chuyện, anh Vạn cùng ba người nữa chạy sang bên kia đường, nơi có tiếng gọi từ một kho chứa vật liệu xây dựng.

2h chiều. Nắng hè, mặt đường rát bỏng. Những người còn lại vẫn túm tụm quanh bộ bài. Một lúc, anh Vạn trở lại, gỡ chiếc mũ vải trên đầu xuống lau những giọt mồ hôi mướt mát trên khuôn mặt sạm nắng, giọng nói như còn nhỏ hơn hơi thở: “20 bao xi măng, 2 tấn, 12.000 tiền công cho 4 người. Từ sáng đến giờ mới được bằng đó”. Bốc 1 tấn xi măng được 6.000 đồng, 1 tấn sắt được 12.000 đồng… đổ trần, đổ mái 30.000 đồng/ngày… - đó là khoản tiền công mà họ có được cho công sức bỏ ra. Sẽ là may khi chỉ phải đi lại trong lòng thị xã đến nơi cần thuê mướn, nhưng nhiều khi phải đạp xe cả chục cây số ra Cầu Nhì, lên Bản Dõng, Liên Sơn. Có lúc thì đi xe cùng người mướn, lúc phải tự đạp xe đi. Xa, những dẫu sao vẫn còn có việc, còn hơn ngồi không cả buổi. Một tháng 30 ngày, ngày nắng ngày mưa hầu hết họ đều có mặt cả ở khu vực này, nhưng 30 ngày một tháng tính ra chỉ độ 15, 20 ngày có việc. “Bình quân độ 400-500.000 đồng/tháng” - Anh Vạn cho biết vậy.

Mưa nắng, thất thường, nhọc nhằn và tai nạn lao động treo lơ lửng. Anh Đồng Văn Minh và những "đồng nghiệp" trên khu "chợ lao động" đường Điện Biên còn ngậm ngùi nhắc về trường hợp ông Mặc (phường Pú Trạng) bị gẫy chân khi đi lợp nhà thuê, đến giờ vẫn chưa phục hồi hẳn để đi làm lại. Đôi bàn tay, bàn chân của anh Minh đầy những vết trầy xước, bung móng, bầm tím, nhưng “Đó là những chuyện bình thường nhất đấy!”. Nghề này chỉ có thể làm khi đủ sức, mấy nữa nhiều tuổi, tính sao đây ? “Chẳng biết sẽ phải thế nào”, không riêng gì anh Minh nói vậy. Nhiều người nói rằng họ cần có vốn để tạo việc làm khác cho bản thân nhưng vay rất khó khăn. Song trước câu hỏi: “Nếu giờ được vay vốn thì sẽ đầu tư vào cái gì, sẽ làm gì?” họ lại lặng im bởi ngay lúc này họ chưa tự tìm được câu trả lời!

6h tối, trời dần tắt nắng. "Chợ lao động" nơi gốc đa chân dốc Đỏ vắng dần. Anh Hà Văn Vạn lấy chiếc xe đạp không phanh, lại thả dốc về bản…

Thu Hạnh

Các tin khác
Phương châm hoạt động của hội là gần gũi, cảm hoá các đối tượng lầm lỗi.

YBĐT - Những năm gần đây phường Nguyễn Phúc, thành phố Yên Bái luôn là "điểm nóng" về các tệ nạn ma tuý, mại dâm trá hình, bạo hành trong gia đình. Hồ sơ quản lý của Công an phường luôn có trên 23 con nghiện, nhưng thực tế theo dõi của Hội Phụ nữ phường thì số người nghiện và nghi nghiện lên tới 80 người, nhiều gia đình có cả 2 - 3 anh em đều nghiện ma tuý.

Cần nhân rộng mô hình phát triển kinh tế và tạo việc làm cho thanh niên.

YBĐT - Tính đến hết tháng 6/2007, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn (Yên Bái) còn 7 đối tượng nghiện hút có hồ sơ quản lý và 16 đối tượng nghi nghiện; tồn tại 3 tụ điểm tổ chức mua bán lẻ cho các đối tượng...

Tình trạng sinh đẻ không có kế hoạch đã khiến cho việc chăm sóc trẻ em ở vùng đồng bào dân tộc Mông gặp rất nhiều khó khăn.

YBĐT - Xã Bản Mù có 537 hộ với 3727 nhân khẩu, trong đó có 1820 người là nữ, tỷ lệ chị em trong độ tuổi sinh đẻ là hơn 800 người, trong đó có 505 chị đã có chồng. Bản Mù là xã có tỷ lệ người sinh con thứ 3 trở lên đứng thứ 2 của huyện Trạm Tấu (Yên Bái).

YBĐT - Ngay sau khi kết thúc năm học 2006-2007, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã tích cực chỉ đạo các địa phương khẩn trương lập kế hoạch chuẩn bị tốt các điều kiện cho khai giảng năm học mới như: cơ sở vật chất các trường học, sách giáo khoa; tổ chức điều tra rà soát học sinh các lứa tuổi trên từng địa bàn để đảm bảo huy động ra lớp...

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục