Phá rừng ngày càng nghiêm trọng
- Cập nhật: Thứ tư, 19/8/2009 | 12:00:00 AM
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát vừa gửi văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về tình hình bảo vệ rừng, chống người thi hành công vụ và các biện pháp cấp bách quản lý bảo vệ rừng hiện nay.
Theo báo cáo, 6 tháng đầu năm 2009, trên địa bàn cả nước phát hiện 4.841 vụ phá rừng và khai thác rừng trái pháp luật, diện tích rừng bị thiệt hại là 1.313 ha. Tình trạng phá rừng xảy ra ở 28 tỉnh, thành phố, nhưng tập trung chủ yếu ở các tỉnh thuộc khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, duyên hải miền Trung và đặc biệt nghiêm trọng ở ba tỉnh Bình Phước, Lâm Đồng, Đắk Nông. Đất rừng đã được sử dụng để làm nương rẫy 940 ha, nuôi trồng thủy sản 0,16 ha; trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê) 7,9 ha...
Nguyên nhân của tình trạng phá rừng, theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, là do áp lực về dân số ở các vùng có rừng tăng nhanh - chủ yếu do tăng cơ học, di cư tự do dẫn đến nhu cầu sử dụng đất để sản xuất gia tăng. Vì lợi ích trước mắt, người dân phá rừng lấy đất canh tác, trồng cây công nghiệp có thu nhập cao hơn, đặc biệt là sang nhượng đất cho người có tiền hoặc đòi các dự án bồi thường “chi phí khai hoang, đầu tư”. Nhiều doanh nghiệp tư nhân được giao rừng, đất lâm nghiệp để thực hiện các dự án thiếu năng lực, thiếu trách nhiệm trong việc quản lý bảo vệ rừng, để mặc cho rừng bị phá. Trong khi đó, một số địa phương do lợi ích cục bộ, chính quyền cơ sở đã làm ngơ, thậm chí có biểu hiện tiếp tay cho các hành vi phá rừng, khai thác, tiêu thụ lâm sản, sang nhượng đất lâm nghiệp trái pháp luật...
Cũng trong khoảng thời gian trên, đã xảy ra hàng trăm vụ chống người thi hành công vụ, trong đó có 22 vụ gây hậu quả nghiêm trọng, gây thương tích cho 14 người, phá hủy nhiều phương tiện, tài sản của cơ quan nhà nước và người thi hành công vụ. Đặc biệt, đã xuất hiện nhiều vụ chống đối có tổ chức, trắng trợn và côn đồ như: đập phá phương tiện, đâm thẳng xe vào lực lượng kiểm tra, dùng kim tiêm dính máu nhiễm HIV tấn công lực lượng chức năng...
Cơ quan hữu trách cũng đã phát hiện 533 vụ vi phạm các quy định về quản lý động vật hoang dã, tịch thu 7.468 cá thể (trong đó 344 cá thể động vật nguy cấp, quý hiếm) và 19.121 kg động vật các loại. Những vụ vận chuyển động vật hoang dã trái pháp luật được phát hiện chủ yếu là động vật có nguồn gốc từ nước ngoài nhập khẩu hoặc “quá cảnh” để tiếp tục tiêu thụ lậu sang nước thứ ba. Hiện một số loài động vật nguy cấp, quý hiếm, đặc hữu đang bị đe dọa nghiêm trọng, nhất là voi, hổ, gấu.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thành lập ngay Ban chỉ đạo quốc gia về bảo vệ phát triển rừng thống nhất, từ cấp T.Ư đến cấp cơ sở với sự tham gia của công an, biên phòng, kiểm lâm... Trước mắt sẽ tổ chức "Chiến dịch bảo vệ rừng" trên phạm vi toàn quốc một cách đồng bộ. Bộ trưởng Cao Đức Phát cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ đầu tư cho dự án nâng cao năng lực cho lực lượng kiểm lâm với nguồn vốn khoảng 100 tỉ đồng mỗi năm, đồng thời xem xét bổ sung 3.000 biên chế kiểm lâm...
(Theo TNO)
Các tin khác
Bộ Giáo dục và Ðào tạo cho biết, năm học 2009 - 2010, sẽ tập trung triển khai nội dung tiếng phổ thông và tăng cường tiếng phổ thông cho học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) mầm non, tiểu học phù hợp từng địa phương.
Ngày 18/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 65 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1; trong đó, các ca nhiễm mới tập trung đông ở miền Nam với 49 ca; miền Bắc có 3 ca và miền Trung là 13 ca.
Các thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực: y tế dự phòng và môi trường, khám bệnh, chữa bệnh, y dược cổ truyền, sức khỏe sinh sản, trang thiết bị và công trình y tế, dược và mỹ phẩm, an toàn vệ sinh thực phẩm, tổ chức cán bộ.
YBĐT - Là khu trung tâm của thị tứ của vùng Đông hồ, trong vài năm trở lại đây do tốc độ đô thị hoá đã khiến thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, Yên Bái trở thành một trong những điểm nóng về tình trạng buôn bán, sử dụng ma tuý. Ngoài hậu quả làm suy thoái lối sống của thanh niên trong thị trấn còn nảy sinh các vấn đề an ninh xã hội khác. Bằng những biện pháp hữu hiệu, cùng với sự tham gia tích cực của quần chúng nhân dân đã góp phần đẩy lùi các loại hình tội phạm ra khỏi địa bàn.