Nhiều trường học ở Văn Chấn: Thờ ơ với đại dịch cúm A/H1N1
- Cập nhật: Thứ năm, 20/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Vào những ngày này, đại dịch cúm A/H1N1 ở người đang diễn biến hết sức phức tạp cả trên thế giới và trong nước. Dịch đã xâm nhập vào trường học ở Hà Nội trở thành tâm điểm lo lắng của người dân. Nhưng tại Yên Bái, nhiều trường học ở huyện Văn Chấn vẫn cứ “bình chân như vại”.
Diễn tập tình huống tư vấn cho bệnh nhân khi có cúm A/H1N1 xảy ra.
|
Phòng ra công văn…
Ông Hà Kim Nhăng - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Văn Chấn cho biết: “Sau khi có Công văn số 320 và Kế hoạch số 57/KH-UBND ngày 20/5/2009 của UBND huyện, ngày 22/5/2009, Phòng đã có Công văn về việc phòng chống dịch cúm A/H1N1 gửi tới các trường trong toàn huyện”. Công văn này nêu rõ, với sự nguy hiểm của dịch, nếu bị nhiễm không được điều trị kịp thời có thể suy hô hấp và tử vong, Phòng cũng đã nêu 4 khuyến cáo của Bộ Y tế như: dịch có thể lây lan qua hắt hơi, ho khạc, do đó nên có khẩu trang cá nhân; rửa tay bằng xà phòng, vệ sinh cá nhân, súc miệng bằng nước sát khuẩn; nếu có triệu chứng ho, sốt cao, đau đầu, mệt mỏi mà đi từ vùng có dịch ở nước ngoài về phải khai báo y tế để cách ly điều trị sớm; khi có dịch cần hạn chế ngay việc đi lại, hội họp đông người.
Để chủ động ngăn ngừa bệnh và phòng dịch lây lan, Phòng yêu cầu các trường thông báo đầy đủ nội dung khuyến cáo của Bộ Y tế tới toàn thể giáo viên và học sinh của đơn vị mình. Các trường có trách nhiệm tăng cường tuyên truyền công tác phòng, chống dịch tới cán bộ và học sinh; phối hợp với chính quyền địa phương làm tốt công tác vệ sinh môi trường. Khi nghi ngờ dịch xuất hiện tại trường phải kịp thời thông báo cho cơ quan y tế; chủ động phòng chống dịch tại địa phương; làm tốt công tác tư tưởng, không đưa thông tin về bệnh khi chưa có kết luận chính thức của ngành y tế gây hoang mang trong học sinh và phụ huynh. Yêu cầu các trường đẩy mạnh tuyên truyền; phát động tới các tổ chức đoàn thể trong nhà trường phòng, chống dịch, coi đây là trách nhiệm, nghĩa vụ của toàn dân.
Phòng cũng yêu cầu các nhà trường ngay từ bây giờ phải thành lập ban chỉ đạo phòng chống dịch; phối hợp với các ngành thành viên tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ sâu rộng tới các bậc phụ huynh học sinh; đưa các bài giảng về cách phòng chống dịch cúm A/H1N1 ở người vào các giờ học ngoại khoá cho học sinh; phát hiện và báo kịp thời những trường hợp nghi ngờ cúm A/H1N1 cho cơ sở y tế gần nhất. Khi có dịch xảy ra, cần phối hợp với các ngành thành viên tham gia công tác chống và dập dịch; tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khoẻ sâu rộng xuống cộng đồng để nâng cao nhận thức và thực hành các biện pháp phòng chống bằng nhiều hình thức như: trực tiếp và gián tiếp qua hệ thống thông tin đại chúng. Đề nghị các trường triển khai các nội dung trên và gửi báo cáo kết quả lần 1 trước ngày 30/5/2009.
…Trường không thực hiện
Xem ra, việc triển khai công tác phòng, chống dịch của Phòng Giáo dục và Đào tạo Văn Chấn là hết sức chu đáo. Nhưng buồn thay, ngày 5/8/2009, các trường đã tập trung và 10/8/2009 đi học, mùng 3 - 5/9/2009 sẽ khai giảng năm học mới nhưng nhiều trường không hề thực hiện Công văn của Phòng. Trường mầm non Sơn Thịnh, khi chúng tôi tới cũng là lúc cha mẹ các cháu đón con buổi chiều. Tới một lớp học vẫn chưa tan, hỏi cô giáo đang ngồi trong lớp về việc phòng, chống dịch cúm A/H1N1 ra sao (lúc này cả hiệu trưởng, hiệu phó nhà trường đi vắng), không trả lời, vẻ chẳng muốn dây dưa, chị chỉ chúng tôi sang lớp nhà trẻ A gặp cô giáo Cù Thị Kết. Khi hỏi: Có thấy triển khai phòng, chống dịch cúm A/H1N1 không? Chị Kết thành thật trả lời: “Không thấy”. Rồi sau đó nghĩ thế nào, chị lại vòng xuống bếp bảo hỏi chị nhà bếp rồi đi lên nói: “Xin lỗi em nhầm, triển khai rồi, anh ạ!”. Chúng tôi lại hỏi: Thế triển khai rồi thì bốn khuyến cáo phòng, chống thế nào? Chị không trả lời được, quay ra giải thích quanh rằng: “Hàng ngày chúng em vệ sinh cho các cháu…”.
Còn ở Gia Hội, một xã xa xôi của huyện Văn Chấn, chúng tôi cùng ông Lò Pạu – Chủ tịch UBND xã tới Trường trung học cơ sở Gia Hội. Lúc này, các em học sinh tới lao động chuẩn bị cho năm học mới vừa tan. Hiệu trưởng nhà trường đi vắng, tiếp chúng tôi là anh Nguyễn Gia Thụ - Hiệu phó. Khi thấy chúng tôi hỏi về phòng chống dịch cúm A/H1N1, anh có vẻ lạ lẫm và trả lời nhầm sang phòng, chống dịch cúm gia cầm khiến người nghe phải bật cười. Thầy cũng thú thật: “Trường cũng chưa thành lập được ban chỉ đạo phòng chống dịch, bản thân cũng không nắm được các khuyến cáo phòng chống cúm A/H1N1, vì việc này chị hiệu trưởng làm”.
Tình cờ gặp hai em Lò Văn Thượng và Lò Văn Tiến, học sinh lớp 8C, Trường trung học cơ sở Gia Hội đi lao động về, các em cũng cho biết: “Nghỉ hè xong, đi lao động 3 ngày nay chúng em không thấy các thầy, cô giáo phổ biến gì về phòng, chống cúm A/H1N1”. Tại Trường tiểu học Gia Hội, lãnh đạo nhà trường đều đi vắng, chúng tôi tới thẳng lớp 3B đang trong giờ học, đúng vào lúc cô giáo không có mặt tại lớp. Em Hoàng Thị Nghĩa và nhiều học sinh trong lớp cho biết: “Không thấy các thầy, cô phổ biến gì tới phòng chống cúm A/H1N1 cũng như rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn…”.
Không chỉ nhà trường, lãnh đạo nhiều địa phương xem ra cũng rất chủ quan. Ông Pạu - Chủ tịch UBND xã cho rằng: “Ở Gia Hội, vùng sâu, vùng xa môi trường tốt nên không sợ dịch”. Khi chúng tôi nói: Ở đây gần quốc lộ 32 lại thông thương từ Hà Nội lên Sa Pa (Lào Cai), rồi Lai Châu, Điện Biên… gần cửa khẩu Trung Quốc, khách du lịch, Tây ba lô thường xuyên đi lại bằng xe máy, dịch xảy ra lúc nào có trời biết. Lúc này, ông Pạu mới thừa nhận là đúng. Còn ở xã Nghĩa Sơn, không hiểu lý do gì, hay chưa nhận được Công văn của huyện nhưng khi chúng tôi hỏi về công tác phòng chống dịch, Bí thư Đảng ủy xã - ông Mè Văn Lún vô tư: “Huyện có thấy Công văn chỉ đạo gì đâu mà triển khai?”.
Các địa phương, trường học chểnh mảng trong phòng chống đại dịch cúm A/H1N1 là vậy trong khi Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện, ông Hà Kim Nhăng cho rằng: “Đã chỉ đạo rồi, bây giờ các trường tự chủ về tài chính và tổ chức nên tự chịu trách nhiệm nếu không triển khai”. Thử hỏi bên cạnh việc lãnh đạo, chỉ đạo, trách nhiệm kiểm tra, giám sát của Phòng ở đâu mà đại dịch cúm A/H1N1 đã đết sát nút các trường vẫn thờ ơ?
Đào Minh
Các tin khác
Để tạo điều kiện thuận lợi trong việc nhập học cho tân sinh viên các trường đại học, học viện, cao đẳng, trung học và dạy nghề, ngày 18-8, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đã công bố chương trình giảm giá vé tàu dành cho các đối tượng này. Cụ thể, mỗi tân sinh viên sẽ được giảm 10% giá vé và được mua thêm 1 vé giảm giá cho thân nhân đi cùng.
Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Quốc Triệu tại cuộc họp của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm A(H1N1) chiều 19/8. Theo đó, bệnh nhân nhiễm đã nhiễm virus cúm phải đến cơ sở y tế để được theo dõi chặt chẽ, điều trị đúng thuốc, đúng phác đồ.
YBĐT - Để chuẩn bị tốt cho năm học 2009 – 2010, trong tháng 7/2009, Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mù Cang Chải (Yên Bái) đã phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên mở 1 lớp bồi dưỡng tiếng Mông cho 40 giáo viên mầm non đang giảng dạy trên địa bàn toàn huyện.
YBĐT - Là trung tâm kinh tế - văn hoá, chính trị của tỉnh, song thành phố Yên Bái cũng là địa bàn trọng điểm về trật tự an toàn xã hội của tỉnh, trong đó tệ nạn ma tuý đã và đang là vấn đề “nóng” ở khắp các phường, xã. Ma túy là nỗi nhức nhối của nhiều gia đình và toàn xã hội.