Xây dựng đội ngũ giáo viên dạy nghề: Nhiệm vụ quan trọng và cấp bách
- Cập nhật: Thứ tư, 26/8/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Trong công tác đào tạo nghề, không thể phủ nhận vai trò quan trọng của đội ngũ giáo viên dạy nghề. Tuy nhiên, công tác này có lúc chưa được quan tâm đúng mức nên còn thiếu và yếu cả về số và chất lượng. Tình trạng này đã và đang đặt ra yêu cầu cấp bách trong phát triển lực lượng này một cách toàn diện.
Đào tạo nghề, trước hết phải đào tạo thầy. (Ảnh: Một lớp may dân dụng tại trung tâm Dạy nghề Văn Yên).
|
Số lượng thiếu
Trong vòng 5 năm trở lại đây, đội ngũ giáo viên dạy nghề đã tăng nhanh về số lượng. Năm 2005, toàn tỉnh chỉ có 153 giáo viên thì đến nay đã là 256 người, trong đó riêng Trường cao đẳng Nghề Yên Bái có 136 giáo viên.
Cùng với sự gia tăng lực lượng giáo viên của các cơ sở dạy nghề Yên Bái đã huy động được lực lượng cán bộ khoa học kỹ thuật có trình độ chuyên môn (trong số đó một số đã qua bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ sư phạm) như: đội ngũ cán bộ khuyến nông, cán bộ thú y tỉnh, huyện, đội ngũ kỹ sư thuỷ sản... tham gia giảng dạy. Cùng đó, đã lựa chọn được một số thợ có tay nghề cao giảng dạy đối với các lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các huyện, thị, thành phố những nghề như: nghề sửa chữa xe máy, gò, hàn, điện dân dụng...
Đối với các nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm, sản xuất mây tre đan, đã huy động được những thợ lành nghề thuộc các làng nghề truyền thống để hướng dẫn và truyền nghề cho lao động địa phương.
Mặc dù vậy, đến nay đội ngũ giáo viên dạy nghề vẫn còn rất thiếu so với nhu cầu thực tế. Tại các cơ sở chuyên về dạy nghề không chỉ thiếu về số lượng mà còn thiếu cả về cơ cấu giáo viên theo các ngành nghề hoạt động, nhất là đối với các trung tâm dạy nghề. Trong số 10 trung tâm dạy nghề hiện nay, mới có tổng số 25 giáo viên. Các trung tâm dạy nghề Văn Chấn, Trấn Yên, Mù Cang Chải, Trạm Tấu còn chưa có giáo viên dạy nghề nên gặp rất nhiều khó khăn trong việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo được giao.
Theo dự kiến, số giáo viên dạy nghề cần được bổ sung đến năm 2010 là 460 người. Trong đó, Trường cao đẳng Nghề là 200 giáo viên, Trung tâm Dạy nghề Nghĩa lộ đang hoàn thiện hồ sơ trình tỉnh quyết định nâng cấp thành Trường trung cấp Nghề Nghĩa Lộ trong năm 2009 cần 50 giáo viên. Các trung tâm dạy nghề khác tại các huyện, thị, thành phố là 5 giáo viên/trung tâm và 160 giáo viên cho 14 cơ sở khác có tham gia dạy nghề. Đến năm 2020, tại các trung tâm dạy nghề, đội ngũ giáo viên phải được nâng lên mức trung bình 20 giáo viên/trung tâm.
Theo quy định số giáo viên tiêu chuẩn trên số học sinh quy đổi bình quân là 1/20. Như vậy, số giáo viên của tỉnh hiện nay chỉ có thể giảng dạy tối đa là 5.120 người/năm (256x20). Trong khi đó, kết quả đào tạo nghề của tỉnh năm 2008 là 7.800 người. Điều đó cho thấy đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện tại của tỉnh phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ giảng dạy, mặt khác phải huy động thêm đội ngũ kỹ sư thuộc các chuyên ngành, thợ lành nghề... làm giáo viên thỉnh giảng mới đáp ứng yêu cầu đào tạo, trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như kỹ năng nghề cho lực lượng lao động của tỉnh.
Đôi điều về chất lượng
Thực tế cho thấy, những giáo viên lâu năm có nhiều kinh nghiệm thì thiếu kiến thức mới về công nghệ, những giáo viên mới được đào tạo thì lại thiếu kinh nghiệm. Các trung tâm dạy nghề phần lớn thiếu giáo viên cơ hữu, được đào tạo chính quy nên chưa xác định được cũng như phát huy đào tạo những ngành nghề có thế mạnh của địa phương. Số lượng giáo viên không đúng chuyên ngành chiếm tỷ lệ đáng kể. Thiếu những giáo viên giỏi, trình độ đầu ngành, nhất là về chuyên ngành kỹ thuật. Do thiếu giáo viên dạy nghề được đào tạo ở trình độ cao đẳng, đại học sư phạm kỹ thuật nên các trung tâm dạy nghề rất khó khăn trong việc sử dụng giáo viên tham gia giảng dạy đối với các nghề kỹ thuật, khai thác, vận hành máy...
Ngay Trường cao đẳng Nghề Yên Bái - đơn vị đầu ngành trong việc cung cấp, hỗ trợ giáo viên dạy nghề, tham gia giảng dạy lưu động tại các huyện, thị, thành phố cho các trung tâm dạy nghề cũng đang trong tình trạng thiếu giáo viên, giáo viên phải giảng dạy vượt giờ theo tiêu chuẩn quy định. Lực lượng giảng dạy là đội ngũ kỹ sư thuộc các chuyên ngành thì đa số chưa qua bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm nên kỹ năng, nghiệp vụ giảng dạy, khả năng tổ chức và quản lý quá trình dạy học chưa đáp ứng được yêu cầu. Đội ngũ thợ lành nghề được bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm chưa nhiều, chưa được kiểm tra, đánh giá công nhận trình độ tay nghề để làm cơ sở đào tạo trở thành những giáo viên thỉnh giảng đủ điều kiện hướng dẫn thực hành tại các cơ sở dạy nghề.
Trước thực tế này, cùng với việc phát triển số lượng thì việc nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên trong những năm qua đã được chú trọng. Các cơ sở dạy nghề đã tổ chức cho giáo viên tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật cũng như kiến thức, công nghệ mới, nghiệp vụ sư phạm.
Năm 2008, đã có 115 người được đào tạo, bồi dưỡng, trong đó, 41 người được đào tạo ở trình độ sau đại học. Chất lượng của giáo viên đã được nâng lên, thể hiện rõ nét qua các kỳ tham gia hội giảng giáo viên dạy nghề cấp tỉnh và toàn quốc, đều đạt kết quả cao. Hội giảng năm 2005, tỉnh giành được ba giải trong đó có 2 giải nhì. Năm 2009, ba giáo viên của tỉnh tham gia Hội giảng đều đạt giải. Trình độ giáo viên dạy nghề do đó đã từng bước được khẳng định bằng năng lực giảng dạy thực tế so với các địa phương khác trong toàn quốc. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu đào tạo và định hướng phát triển thì đội ngũ giáo viên dạy nghề của tỉnh cần phải được tiếp tục phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng.
Nhu cầu và yêu cầu từ thực tế
Trong mục tiêu đề ra, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2015 đưa tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề của tỉnh đạt 50%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề đạt 31%. Đồng thời, tỉnh cũng hướng tới mục tiêu đưa Yên Bái trở thành trung tâm đào tạo nghề của khu vực Tây Bắc. Để đạt được những mục tiêu này, những
Truyền dạy nghề thêu thổ cẩm ở thị xã Nghĩa Lộ.
năm tới, tỉnh cần xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng đạt chuẩn về chất lượng.
Theo số liệu báo cáo của các cơ sở dạy nghề, số giáo viên có nhu cầu đào tạo bồi dưỡng các năm 2009, 2010 là 150 người. Nhu cầu và yêu cầu tiếp tục đặt ra việc phải đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật và kiến thức mới cho lực lượng giáo viên dạy nghề, đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, khuyến khích các giáo viên ứng dụng các dụng cụ, thiết bị dạy nghề theo mô hình cũng như các thiết bị dạy nghề tự làm vào giảng dạy, nâng cao chất lượng đào tạo... Cùng đó, tổ chức các hội giảng, hội thi tay nghề, hội thi thiết bị dạy nghề tự làm... nhằm đánh giá năng lực giảng dạy thực tế của đội ngũ giáo viên dạy nghề cũng như nhân rộng các bài giảng của giáo viên đạt kết quả cao trong toàn tỉnh; tiếp tục huy động lực lượng cán bộ, kỹ sư thuộc các ngành tham gia các chương trình giảng dạy, đào tạo bồi dưỡng kiến thức chuyên môn kỹ thuật cho lao động nông thôn theo dự án hỗ trợ dạy nghề hàng năm. Giảm dần và tiến tới không sử dụng đội ngũ thợ lành nghề tham gia giảng dạy trừ một số nghề truyền thống như thêu, dệt thổ cẩm, sản xuất hàng mỹ nghệ như tranh đá quý, mây tre, song đan... Tuy nhiên, đối với những thợ lành nghề này để đáp ứng yêu cầu đào tạo, cần phải bồi dưỡng kiến thức nghiệp vụ sư phạm để họ đủ điều kiện giảng dạy theo qui định.
Đồng thời, việc tăng chỉ tiêu biên chế cũng như có cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề nhất là Trường cao đẳng Nghề Yên Bái, Trường trung cấp Nghề và các trung tâm dạy nghề là hết sức cần thiết. Bên cạnh đó, nếu việc thành lập Khoa Sư phạm tại Trường cao đẳng Nghề Yên Bái sớm được xúc tiến triển khai sẽ là điều rất có ý nghĩa trong việc góp phần đào tạo và cung cấp đội ngũ giáo viên dạy nghề cho tỉnh trong thời gian tới.
Thu Hạnh
Các tin khác
YBĐT – Ngày 25-29/8, tại thành phố Yên Bái, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Chương trình phát triển Liên Hợp Quốc UNDP và các bộ, ban, ngành liên quan tổ chức lớp tập huấn triển khai nghị quyết 30a/2008/NQ-CP về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.
Bộ Y tế cho biết, ngày 25/8, Việt Nam đã ghi nhận thêm 69 trường hợp dương tính với cúm A/H1N1, trong đó, miền Nam có 55 ca, miền Bắc 12 ca và miền Trung 2 ca.
YBĐT - Bình quân mỗi ngày tiếp nhận và giải quyết vài chục hồ sơ trên nhiều lĩnh vực trong khi đội ngũ cán bộ ít, năng lực còn hạn chế, song với quyết tâm thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, xã Ngọc Chấn, huyện Yên Bình (Yên Bái) đã giải quyết được nhiều vướng mắc, nhanh chóng các thủ tục, tạo niềm tin trong nhân dân.
YBĐT – Ngày 1/1/2008, Viễn thông Yên Bái được thành lập trên cơ sở chia tách từ Bưu điện tỉnh. Từ khi chuyển sang thành đơn vị độc lập, Đảng bộ Viễn Thông Yên Bái đã phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo toàn thể cán bộ, đảng viên và công nhân viên lao động trong đơn vị vượt qua khó khăn, thách thức ban đầu để ổn định và tăng tốc trong giai đoạn mới.