Trấn Yên: Cần khắc phục những bất cập trong xuất khẩu lao động
- Cập nhật: Thứ ba, 1/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Thực tế, việc XKLĐ ở huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã nảy sinh một số vấn đề rất đáng quan tâm như: cơ chế chính sách vay vốn, doanh nghiệp tuyển chọn XKLĐ năng lực yếu kém, người đi lao động ngại học nghề… dẫn tới tình trạng thu nhập thấp phải về nước trước thời hạn. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trong tỉnh thời gian qua.
Người đi LĐXK ở Trấn Yên đang gặp phải một số khó khăn trong cơ chế cho vay vốn của Nhà nước.
|
Tạo điều kiện cho người dân đi lao động ở nước ngoài nhằm mục đích tăng thu nhập và khi trở về nước người tham gia LĐXK tạo dựng kinh tế hộ, nhiều năm qua, huyện Trấn Yên đã thường xuyên khảo sát nhu cầu người đi LĐXK; liên hệ với các đơn vị tuyển dụng XKLĐ và yêu cầu các doanh nghiệp tuyển dụng lao động phải thực hiện đúng ký kết với người lao động.
Theo ông Lê Hồng Giang - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết: Hiện nay trên địa bàn có 8 doanh nghiệp tuyển lao động, phần lớn rất tích cực triển khai các hoạt động tư vấn, tạo nguồn. Tuy nhiên, cũng còn nhiều doanh nghiệp hoạt động cầm chừng để giữ địa bàn, thậm chí thiếu trách nhiệm trong việc giải quyết triệt để rủi ro phát sinh với người lao động. Đã xảy tình trạng người lao động vay tiền ngân hàng nộp cho doanh nghiệp nhưng 3 tháng sau và thậm chí cả năm trời vẫn chưa được đi LĐXK, trong khi đó lãi vay ngân hàng thì doanh nghiệp không thanh toán.
Tình trạng trả lương không đúng theo hợp đồng cũng đã từng xảy ra, dẫn tới tình trạng người lao động chỉ đạt mức thu nhập đạt 2 triệu đồng/ tháng. Với số tiền trên không có tiền tích luỹ để trả nợ ngân hàng, không đủ việc làm, thu nhập thấp nên một số người phải về nước trước thời hạn đã tạo tâm lý không tốt cho nhiều gia đình có người đi LĐXK. Hiện nay nguồn lao động của Trấn Yên là rất lớn, huyện cũng đã xác định cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác XKLĐ trong thời gian tới...
Năm 2007 toàn huyện có 190 người đi LĐXK ở nước ngoài; năm 2008 có 226 người và 8 tháng năm 2009 là 46 người, hiện còn 24 lao động đang học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, dự kiến đi trong tháng 9 tới. |
Báo Đáp là xã có người đi LĐXK lớn nhất huyện với 86 người. Chủ tịch UBND xã - Phạm Văn Sinh cho biết: "Từ năm 2003 đến nay số người đi LĐXK ở xã lên tới 109 người. Nhiều người sau vài năm lao động ở nước ngoài trở về nước họ lại đi tiếp và có trường hợp đi đến 7 đến 8 năm nay chưa về bởi bên đó họ làm việc có thu nhập cao và ổn định. Tiền gửi về của bà con, chúng tôi không biết là bao nhiêu nhưng nhiều gia đình trước đây thuộc diện nghèo đói của xã, thế mà chỉ có một người đi lao động ở nước ngoài sau mấy năm đã xây được nhà to và mua sắm nhiều đồ dùng sinh hoạt đắt tiền. Điều đó chứng tỏ LĐXK là con đường xoá đói giảm nghèo nhanh nhất…".
Đến thăm gia đình anh Đặng Văn Hải ở thôn 3, trong căn nhà xây 2 tầng khang trang, anh Hải tâm sự : "Vợ mình là Nguyễn Thị Lưu, đi Đài Loan từ năm 2003, đến nay đã được 6 năm. Công việc hàng ngày là giúp việc gia đình, nhà chủ trả 7 triệu đồng/tháng. Năm 2006, nhà tôi gửi tiền về xây cái nhà này trên 200 m2 trị giá trên 300 triệu đồng, cùng với các đồ dùng sinh hoạt, tiền các cháu ăn học, nay gia đình đã có kinh tế ổn định…".
Gần nhà anh Hải là nhà chị Nguyễn Thị Hậu khi được hỏi về những năm tháng lao động ở nước ngoài, chị cho biết chị đi Đài Loan từ năm 2005 đến năm 2008 về nước. Sang bên đó, công việc chính là ở chăm sóc các cụ già ở viện dưỡng lão, thu nhập bình quân một tháng trên 6 triệu đồng. Sau 3 năm về nước, chị đã tiết kiệm được trên 200 triệu đồng, số tiền trên chị đã xây cái nhà này, một phần còn lại nuôi các con ăn học… Không được may mắn như hai hộ trên, đó là gia đình anh Đỗ Quang Tuấn ở thôn 9. Được biết, vợ anh đi lao động ở Malaysia từ năm 2007 với mức thu nhập rất thấp, trừ chi phí chỉ tiết kiệm được 2 triệu đồng/tháng, khoản nợ 30 triệu đồng đến nay vẫn còn 10 triệu đồng chưa trả xong…
XKLĐ ở Trấn Yên tuy chưa đạt được nhiều kết quả như mong muốn, nhưng hiệu quả của việc đi XKLĐ đã được khẳng định. Việc một số nhà máy ở các nước tiếp nhận lao động của Trấn Yên bị phá sản, dẫn tới người lao động buộc phải về nước trước thời hạn hay một số doanh nghiệp khác chỉ biết nhanh chóng đưa người đi lao động ra nước ngoài để thu phí xuất khẩu, ngại hướng dẫn học nghề, dẫn tới tình trạng lao động phổ thông ở nước ngoài thu nhập thấp... đòi hỏi huyện Trấn Yên cần tích cực hơn nữa khắc phục những bất cập để công tác XKLĐ đạt hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
Thạch Phong
Các tin khác
YBĐT - Phường Nguyễn Thái Học (thành phố Yên Bái) là một trong những địa bàn trung tâm của thành phố. Bên cạnh những thuận lợi trong phát triển kinh tế – xã hội, đây cũng là điểm xuất hiện nhiều tệ nạn xã hội. Để từng bước hạn chế các đối tượng phạm tội trong độ tuổi thanh niên, đầu năm 2001, đoàn phường Nguyễn Thái Học đã thành lập Câu lạc bộ “Tuổi trẻ phòng chống tội phạm” với 15 thành viên.
Chiều 31-8, Bộ Y tế thông báo, trong ngày Việt Nam đã ghi nhận thêm 69 trường hợp với cúm A/H1N1, nâng tổng số người mắc lên 2.793 trường hợp, với 2 ca tử vong. Hiện đã có 1.346 bệnh nhân đã khỏi bệnh ra viện, 1.445 trường hợp còn lại hiện đang được cách ly, điều trị tại các cơ sở y tế trong tình trạng sức khỏe ổn định.
YBĐT - Tại Hội thao quốc phòng dân quân tự vệ (DQTV) năm 2009, dân quân huyện Lục Yên (Yên Bái) giành nhiều giải cao các nội dung cá nhân về 3 môn quân sự phối hợp, võ chiến đấu... và đoạt luôn ngôi nhất toàn đoàn.