Tăng cường tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng giáo dục ở Yên Bái
- Cập nhật: Thứ bảy, 5/9/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đang tạo nên sự chuyển biến trong các cơ sở giáo dục. Điều này đã làm thay đổi nhận thức và hành động ở các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời đã khắc phục được tình trạng chỉ biết kêu khó khăn, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên.
Ký kết thi đua năm học 2009 - 2010 giữa các đơn vị giáo dục trực thuộc.
|
Với những nội dung cơ bản là: tự chủ về nhiệm vụ (theo chức năng, nhiệm vụ và kế hoạch được giao); tự chủ về bộ máy, biên chế (xây dựng được kế hoạch đội ngũ; thực hiện việc quản lý, sử dụng đội ngũ theo phân cấp, theo quy định có hiệu quả); tự chủ về tài chính (phương án tự chủ, quy chế chi tiêu nội bộ; việc xây dựng dự toán và phân bổ dự toán; cơ chế thu, chi; sử dụng có hiệu quả nguồn lực được đầu tư; phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của mỗi vùng, miền); tự chủ gắn với tự chịu trách nhiệm trong việc quản lý và sử dụng các nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ được giao trước tập thể, trước cấp trên, trước pháp luật và nhân dân.
Trong những năm qua, việc tách tài khoản đối với một số đơn vị trường học đã được tỉnh quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ngày 17/6/1998, UBND tỉnh đã có Quyết định số 86/1998/QĐ-UB về việc chuyển một số trường thành đơn vị dự toán. Tại thời điểm triển khai thực hiện Quyết định trên, toàn tỉnh có 57 cơ sở giáo dục được tách tài khoản, chiếm 15% tổng số trường. Tuy nhiên đến năm 2005 - 2006 triển khai thực hiện Nghị quyết 05/2005/NQ-CP và Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ thì việc thực hiện nhiệm vụ tự chủ về tài chính đối với các cơ sở giáo dục công lập được quan tâm và thực hiện đầy đủ hơn. Tính đến 31/12/2008, có 271 trường được giao quyền tự chủ về tài chính.
Giờ học tin học của học sinh Trường THPT Nguyễn Luơng Bằng (Văn Yên).
Đến ngày 30/7/2009, trong tổng số 564 trường thì đã có 460 trường đã tách tài khoản, chiếm 81,5%; có 483 đã được bố trí kế toán, trong đó biên chế là 220 người. Hiện nay, các huyện đang nỗ lực thực hiện, phấn đấu đến 31/8/2009, các cơ sở giáo dục còn lại sẽ hoàn thành việc tách tài khoản theo quy định. |
Việc thực hiện tự chủ về tổ chức bộ máy, biên chế đã được triển khai theo Quyết định số 13/2009/QĐ-UBND ngày 25 tháng 6 năm 2009 của UBND tỉnh. Hiện nay, tất cả các cơ sở giáo dục công lập thuộc các huyện, thị xã, thành phố đang triển khai thực hiện quyết định này. Như vậy, việc thực hiện đầy đủ các nội dung theo tinh thần Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập đã được thực hiện đối với tất cả các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh.
Qua nắm bắt tình hình triển khai việc thực hiện tự chủ ở một số cơ sở giáo dục công lập thấy rằng, để thực hiện tốt công tác tự chủ, cần các điều kiện. Đó là: Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn phải đồng bộ, hoàn thiện là cơ sở tạo điều kiện để các cơ sở giáo dục được giao tự chủ vận hành theo cơ chế tự chủ một cách tốt nhất. Năng lực của đội ngũ cán bộ quản lý, kế toán, nhất là người đứng đầu (hiệu trưởng nhà trường, giám đốc các trung tâm) phải đáp ứng với yêu cầu để thực hiện nhiệm vụ tự chủ. Thực hiện tốt quy chế dân chủ; thực hiện công khai, minh bạch. Thực hiện tốt công tác hướng dẫn, kiểm tra, đặc biệt là việc đánh giá, xếp loại đội ngũ, kiểm định chất lượng giáo dục của các cơ quan quản lý để khẳng định kết quả tự chủ, tự chịu trách nhiệm gắn với nâng cao chất lượng giáo dục.
Tuy nhiên, là năm đầu tiên triển khai đến tất cả các cơ sở giáo dục nên việc tiếp cận và vận hành cơ chế mới của một số cơ sở giáo dục còn có những lúng túng. Hệ thống văn bản hướng dẫn chưa thực sự hoàn thiện và đi vào vận hành trơn tru; cơ chế phối hợp quản lý ở một số bộ phận chưa đồng bộ, trách nhiệm chưa thực sự rõ ràng. Năng lực của một số cán bộ quản lý cơ sở giáo dục, kế toán chưa đáp ứng yêu cầu; một số trường ở vùng cao có quy mô nhỏ, ở xa trung tâm huyện khó khăn khi giao dịch.
Việc phân bổ dự toán ngân sách ở một số nơi chưa thực hiện theo quy mô như quy định của tỉnh và chưa đảm bảo tỷ lệ chi phục vụ cho các hoạt động dạy và học. Nhìn chung, tình hình đội ngũ của các cơ sở giáo dục khi thực hiện tự chủ đều trong tình trạng thừa về số lượng và chưa đảm bảo yêu cầu về chất lượng, cơ sở vật chất còn thiếu thốn. Công tác hướng dẫn, đôn đốc thực hiện, kiểm tra, giám sát còn hạn chế.
Nhiều lớp tiểu học còn phải học ghép do thiếu giáo viên.
Để thực hiện tốt công tác tự chủ trong các cơ sở giáo dục, cần: Hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp quy, văn bản hướng dẫn; giải quyết tốt các khó khăn, vướng mắc và những vấn đề nảy sinh trong quá trình thực hiện tự chủ tại cơ sở giáo dục. Đẩy mạnh việc tuyên truyền, trước hết là trong đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trường học, học sinh, học viên và nhân dân hiểu được tự chủ là chủ trương của Nhà nước và là giải pháp quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục.
Làm tốt công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển giáo dục-đào tạo từ phát triển quy mô, nâng cao chất lượng giáo dục đến các điều kiện đảm bảo cho thực hiện nhiệm vụ, lấy đó làm cơ sở cho việc định hướng chủ động thực hiện nhiệm vụ tự chủ cho cả giai đoạn và hàng năm. Tăng cường bồi dưỡng nâng cao nhận thức, năng lực, nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ kế toán. Gắn tự chủ với xây dựng “thương hiệu” của các cơ sở giáo dục; hàng năm có đánh giá, xếp thứ tự các cơ sở giáo dục theo vùng miền; thực hiện tốt công tác thi đua trong việc thực hiện tự chủ. Thực hiện tốt công tác phối hợp của các ban, ngành chức năng trong việc hướng dẫn, kiểm tra các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ.
Việc thực hiện quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với các cơ sở giáo dục đang tạo nên sự chuyển biến trong các cơ sở giáo dục. Điều này đã làm thay đổi nhận thức và hành động ở các cơ sở giáo dục trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ được giao, đồng thời đã khắc phục được tình trạng chỉ biết kêu khó khăn, trông chờ, ỷ lại vào cấp trên. Việc thực hiện tốt công tác tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập sẽ phát huy và thúc đẩy sự chủ động, linh hoạt, sáng tạo của người đứng đầu và tập thể của cơ sở giáo dục; phát huy sức mạnh tập thể trong việc xây dựng cơ sở giáo dục vững mạnh, có “thương hiệu”, có chất lượng. Việc thực hiện tốt công tác tự chủ đối với các cơ sở giáo dục công lập cũng chính là để phát huy nội lực, thu hút các nguồn lực từ bên ngoài nhằm nâng cao chất lượng giáo dục.
Muốn sự nghiệp giáo dục-đào tạo tốt thì mỗi học sinh, giáo viên, mỗi cơ sở giáo dục đều phải thật tốt. Với tinh thần đó chắc chắn rằng, việc triển khai mạnh mẽ công tác tự chủ đến các cơ sở trường học sẽ tạo ra luồng sinh khí mới thúc đẩy sự nghiệp giáo dục-đào tạo phát triển, đáp ứng yêu cầu về nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Vương Văn Bằng - Phó giám đốc sở Giáo dục - Đào tạo
Các tin khác
YBĐT - Năm học 2009 - 2010, toàn huyện Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái có 13 trường mầm non, 8 trường tiểu học, 8 trường THCS và 7 trường phổ thông cơ sở. Từ ngày 3/8 tất cả các trường học trên địa bàn huyện tiến hành khai giảng. Thày và trò nơi đây lại tiếp tục nỗ lực cố gắng để thực hiện thắng lợi chủ đề năm học mới, năm học “Đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng giáo dục”.
YBĐT - Sáng 4/9, Trường Trung học cơ sở Lê Hồng Phong, huyện Lục Yên đã tổ chức khai giảng năm học mới 2009-2010. Tới dự có đồng chí Ngô Thị Chinh- Phó chủ tịch HĐND tỉnh.
Từ 1-1-2010, phí tham gia bảo hiểm y tế tự nguyện bằng 4,5% lương tối thiểu, tăng mạnh so với hiện hành từ 120.000-320.000 đồng/người tùy khu vực nông thôn hay thành thị. Đây là một trong những nội dung đáng chú ý của thông tư liên bộ Y tế - Tài chính hướng dẫn thực hiện nghị định mới về bảo hiểm y tế.
Bộ GD-ĐT vừa yêu cầu các Sở GD-ĐT báo cáo tình hình đầu năm học đối với các cấp THCS, THPT trước ngày 20/9.