Mô hình lớp bán trú dân nuôi ở Động Quan: Từ không thành có

  • Cập nhật: Thứ tư, 9/12/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Động Quan không phải là xã vùng ba của huyện Lục Yên (Yên Bái) nhưng có tới 8/16 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Toàn xã có trên 5000 nhân khẩu, trong đó dân tộc Dao chiếm 54%, hầu hết là đồng bào Dao trắng. Dân cư thưa thớt, địa bàn cách trở cộng với những tập quán lạc hậu lâu đời đã làm cho cái đói, cái nghèo ở đây cứ đeo bám dai dẳng với trên 50% hộ nghèo.

Học sinh Trường THCS xã Động Quan (Lục Yên) tham gia lớp diễn tập phòng chống thảm họa thiên tai cho trẻ em năm 2009.
Học sinh Trường THCS xã Động Quan (Lục Yên) tham gia lớp diễn tập phòng chống thảm họa thiên tai cho trẻ em năm 2009.

Đi từ thôn 11 đến thôn 15 của Động Quan mới thấy cuộc sống của đồng bào có khoảng cách khá xa so với mặt bằng chung trong huyện. Đời sống khó khăn, đi lại không thuận tiện và nhận thức hạn chế nên tỷ lệ học sinh bỏ học ở khu vực này khá cao. Thầy giáo Đỗ Xuân Xếp – Hiệu trưởng Trường THCS xã Động Quan cho biết: “Học sinh là người dân tộc thiểu số bỏ học năm nào cũng có, nhiều em mới 13, 14 tuổi phải ở nhà làm nương rẫy, một số em gái 16, 17  tuổi đã lấy chồng. Năm học 2007 – 2008, cả xã có 30 học sinh hết lớp 5 không học tiếp lớp 6 và sau cơn bão số 4 hồi tháng 8/2008, thêm 37 học sinh lớp 6 bỏ học. Khó duy trì số lượng học sinh trong độ tuổi đến lớp đã gây không ít khó khăn cho việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục của địa phương”.

Từ năm học 2008 – 2009, thực hiện sự chỉ đạo của lãnh đạo huyện và Phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Lục Yên, Đảng ủy - HĐND - UBND xã phối hợp chỉ đạo Trường THCS xã Động Quan xây dựng thí điểm mô hình lớp bán trú dân nuôi nhằm tạo điều kiện cho học sinh các thôn đặc biệt khó khăn ở xa trường có chỗ ở nội trú. Nói xây dựng mô hình thí điểm nhưng thực ra, lúc đó chưa có một văn bản nào của cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền để địa phương làm cơ sở chỉ đạo và nhà trường có cơ chế để thực hiện. Vậy là với tinh thần “Việc gì lợi cho dân thì phải hết sức làm” như lời dạy của Bác Hồ, mô hình bán trú dân nuôi hình thành từ đầu năm học 2008 – 2009.

Ông Hoàng Văn Thịnh – Bí thư Đảng ủy xã Động Quan cho biết: “Trường trung học cơ sở mới được tách ra từ Trường Liên cấp II – III Hồng Quang từ năm học 2007 – 2008 nên mới có một số phòng học xây, chưa có nhà ở nội trú. Chúng tôi đã huy động mọi nguồn lực của xã và nhà trường làm một nhà ở 4 gian lợp lá cọ, trị giá 20 triệu đồng. Huyện hỗ trợ kinh phí xây dựng công trình vệ sinh và bể chứa nước; Phòng Giáo dục hỗ trợ bàn ghế và giường nằm; nhà trường trang bị màn, chiếu, dụng cụ cấp dưỡng, thuê một cấp dưỡng phục vụ các em ngày hai bữa cơm và cử giáo viên mỗi ngày hai người luân phiên thường trực để quản lý, nhắc nhở các em học tập”.

Cái khó nữa là địa phương không phải xã vùng ba nên không được hưởng các chế độ trợ cấp như sách giáo khoa, học phổ cập... Cũng do đời sống khó khăn, một số phụ huynh còn tư tưởng trông chờ nên thiếu tự giác trong việc đóng góp. Để duy trì được mô hình này, lãnh đạo xã và nhà trường đã tìm mọi biện pháp để tháo gỡ khó khăn.

Vừa tích cực tuyên truyền, vận động phụ huynh học sinh đóng góp, các nhà hảo tâm tài trợ và vừa vận động cán bộ, công chức, giáo viên ở tất cả bốn trường trên địa bàn xã ủng hộ, kết quả đã thu được 5 tạ gạo, trên 3 triệu đồng. Đến cuối năm, những học sinh là con hộ nghèo ở thôn đặc biệt khó khăn lại được chi trả trợ cấp theo chính sách. Tất cả các nguồn lực vật chất được nhà trường tính toán, chi tiêu tiết kiệm, hợp lý nên đã duy trì số lượng 29 học sinh suốt năm học.

Bước vào năm học mới 2009 – 2010, rất nhiều gia đình có nguyện vọng cho con học bán trú. Xã Động Quan đã tiếp tục làm thêm một nhà ở cho học sinh và tiếp nhận 48 em thuộc diện con hộ nghèo ở các thôn đặc biệt khó khăn. Thầy Xếp cho biết thêm, từ ngày có lớp bán trú đã thu hút 100% học sinh học hết lớp 5 vào học lớp 6 và không những không có học sinh bỏ học mà còn thu hút 18 học sinh năm trước bỏ học trở lại học bán trú. Hai năm qua, học sinh bỏ học ở Động Quan đã không còn là chuyện “nóng” nữa.

Trong khi đang tìm hiểu những kinh nghiệm của mô hình “Dân vận khéo” này, chúng tôi được ông Đỗ Xuân Tiến – Chủ tịch UBND xã Động Quan thông báo một tin vui, xã đã được UBND tỉnh Yên Bái cho xây dựng nhà nội trú và trong tháng 10 vừa qua, Sở Giáo dục & Đào tạo đã cử cơ quan chuyên môn đến tư vấn, khảo sát và thống nhất với địa phương thiết kế 10 gian nhà ở cấp 4, có nhà bếp, tường bao và công trình vệ sinh. Tuy mới khởi động bước đầu nhưng đây là một niềm vui lớn, là động lực cả về tinh thần và vật chất dành cho Động Quan, giúp cho thầy và trò nơi đây thêm yên tâm, phấn khởi.

Có thể nói, lớp học bán trú dân nuôi ở xã Động Quan từ không thành có. Đó là từ không có cơ sở vật chất, thiếu hành lang pháp lý, thiếu cả con người và kinh nghiệm... nhưng với ý chí quyết tâm, lòng yêu trẻ và cách thức dân vận kiên trì, cụ thể đã giúp lãnh đạo xã và nhà trường duy trì lớp học thành công. Cùng với những đầu tư có hiệu quả của Nhà nước, mong rằng các bậc phụ huynh sẽ quan tâm nhiều hơn đến việc chăm sóc, quản lý, giáo dục, vận động con em chuyên cần học tập cũng như chung tay đóng góp đầy đủ phần “dân nuôi” để san sẻ khó khăn cùng nhà trường. Và cũng mong rằng, các chế độ trợ cấp của Nhà nước được chi trả kịp thời, giúp địa phương gánh nặng về kinh phí để cùng nhà trường tập trung nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo.

Bùi Văn Tòng

Các tin khác

YBĐT - Vừa qua, Hội Khuyến học thị xã Nghĩa Lộ đã tổ chức Đại hội lần thứ II nhiệm kỳ 2009 - 2014.

Ngày 8-12 tại TP.HCM, Phân ban đặc trách ni giới trung ương cùng các đơn vị của Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức họp báo về việc tổ chức hội nghị nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11 tại Việt Nam.

Cảnh sát cơ động tập luyện nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

YBĐT - Với nhiệm vụ bảo vệ an toàn các mục tiêu chính trị, kinh tế - xã hội; thường trực cơ động sẵn sàng đấu tranh với các loại tội phạm; dẫn giải, di lý các phạm nhân xét xử tại các phiên toà; bảo vệ thi hành án… nhiều năm qua, Phòng Cảnh sát cơ động, bảo vệ và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh liên tục được công nhận là đơn vị tiên tiến. Nhiều lượt tập thể, cá nhân được Bộ Công an, UBND tỉnh, Công an tỉnh tặng bằng khen, giấy khen vì thành tích xuất sắc trong hoạt động chuyên môn nghiệp vụ, là đơn vị kiểu mẫu về thực hiện Điều lệnh Công an nhân dân (CAND).

Từ năm học 2010 - 2011 trở đi, 5 thành phố Cần Thơ, TP. HCM, Đà Nẵng, Hà Nội, Hải Phòng sẽ được chọn triển khai thí điểm đưa chương trình dạy tiếng Anh vào lớp 3.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục