Yên Bái: Vì sao số người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đạt thấp?

  • Cập nhật: Thứ hai, 14/12/2009 | 12:00:00 AM

YênBái - YBĐT - Bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước nhằm thực hiện công bằng và bảo đảm an sinh xã hội. BHXH tự nguyện được triển khai mở ra cơ hội được thụ hưởng tới đông đảo nhân dân, nhất là bộ phận người dân có thu nhập thấp. Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai, đến nay trên toàn tỉnh Yên Bái mới có 277 người tham gia, đạt 32,1% kế hoạch.

Thực hiện chỉ đạo của BHXH Việt Nam về việc triển khai chính sách BHXH tự  nguyện được Luật BHXH quy định có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2008, BHXH tỉnh có văn bản chỉ đạo tới BHXH các huyện, thị, thành phố triển khai công tác tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện tới người dân. Đồng thời tổ chức các hội nghị triển khai tại các huyện, mời lãnh đạo UBND huyện, UBND các xã, thị trấn cùng các ban, ngành, đoàn thể tham gia. BHXH tỉnh cũng đã in 4.000 tờ rơi phục vụ cho việc triển khai loại hình bảo hiểm này.

Có thể nói, công tác chỉ đạo triển khai chính sách BHXH tự nguyện được ngành chức năng triển khai khá bài bản. Thế nhưng, sau gần 2 năm triển khai Luật BHXH về BHXH tự nguyện, kết quả còn đạt rất thấp. Năm 2008 không có đối tượng nào tham gia, đến hết tháng 11 năm 2009 có 277 người tham gia, trong đó thành phố Yên Bái 40 người, huyện Trấn Yên 33 người, huyện Văn Yên 62 người, huyện Văn Chấn 20 người, huyện Lục Yên 11 người... Đối tượng tham gia chủ yếu là những người đã tham gia BHXH bắt buộc nhưng chưa đủ 20 năm tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí… Trong đó, nhiều địa phương có số lượng người tham gia rất ít như: Trạm Tấu 1 người, Mù Cang Chải 1 người, thị xã Nghĩa Lộ 7 người.

Theo lãnh đạo Phòng thu thuộc BHXH tỉnh thì có nhiều nguyên nhân khiến tỷ lệ người tham gia BHXH tự nguyện đạt thấp, đó là, do trình độ dân trí cũng như điều kiện kinh tế của người dân trong tỉnh còn thấp. Thời gian tham gia dài (20 năm mới được nghỉ hưu), trong khi đại bộ phận người dân còn nặng quan niệm chỉ lo cuộc sống trước mắt mà chưa có điều kiện lo cho tương lai khi không còn sức lao động. Bên cạnh đó, một số cấp uỷ, chính quyền địa phương các cấp cũng chưa thực sự quan tâm đến công tác này. Ngoài ra, lực lượng cán bộ làm công tác thu của BHXH các huyện, thị, thành phố còn mỏng. Mặt khác, công tác tuyên truyền, vận động về loại hình BHXH này chưa sâu rộng, thiếu hình thức phù hợp nhằm tác động trực tiếp đến đối tượng, đặc biệt là khu vực nông thôn, cơ sở dịch vụ…

Tìm hiểu thực tế tại huyện Yên Bình, được biết, thời gian qua, cơ quan BHXH rất tích cực trong việc tham mưu, đề xuất các gải pháp lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc cơ sở thực hiện, ngành cũng phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các xã, thị trấn triển khai chính sách BHXH tự nguyện và đến thời điểm này huyện Yên Bình có số người tham gia cao nhất tỉnh là 102 người.

BHXH tự nguyện là chính sách mới, lần đầu tiên triển khai thực hiện cho một nhóm đối tượng hoàn toàn mới. Trong khi nhận thức chung của mọi người về BHXH tự nguyện còn hạn chế thì kết quả sẽ phụ thuộc nhiều vào công tác tuyên truyền, vận động, giải thích mục đích, ý nghĩa và nghĩa vụ, quyền lợi của người tham gia. Vì vậy, để thu hút nhiều đối tượng tham gia, ngành chức năng nên tổ chức các hội nghị chuyên sâu, chuyên đề để nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giúp mọi người thay đổi nhận thức, thói quen vốn xem nhẹ việc tham gia BHXH.

Quá trình triển khai chính sách mới này cần tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương. Ngoài ra, để đẩy mạnh việc tuyên truyền và tạo thuận lợi cho người tham gia, ngành chức năng nên mở các địa lý thu ngay tại xã, phường, thị trấn theo mô hình BHYT tự nguyện.

H.D

Các tin khác

YBĐT - Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Yên Bái có trên 7.000 hộ dân đang sinh sống tại vùng thiên tai nguy hiểm, trong đó có trên 2.000 hộ nằm trong vùng thiên tai đặc biệt nguy hiểm. Để bố trí 7.000 hộ dân ra khỏi vùng thiên tai, tỉnh cần đầu tư trên 350 tỷ đồng, đặc biệt bố trí cấp bách cho gần 2.000 hộ sống trong vùng thiên tai đặc biệt nguy hiểm cần khoảng 120 tỷ đồng.

YBĐT - Sáng ngày 07/12/2009, Khoa Hồi sức cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh Yên Bái) tiếp nhận bệnh nhân Cự Thị Ly, dân tộc Mông ở thôn Làng Khoang, xã Lang Thíp, huyện Văn Yên vào viện trong tình trạng thiếu máu trầm trọng (chỉ còn 420 nghìn hồng cầu, 13 huyết sắc tố, 10 nhìn tiểu cầu); rối loạn chức năng gan PT kéo dài. Tập thể y, bác sỹ bệnh viện chẩn đoán bệnh nhân mắc hội chứng HELP (thiếu máu sau đẻ).

YBĐT - Những lao động trên đã xuất cảnh sang Libya làm việc từ tháng 8/2009. Sau 2 tháng làm việc, 10 lao động của 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải đã có tổng số tiền lương do đối tác chuyển về là 8.036 USD; tính bình quân thu nhập khoảng 7 triệu đồng/ người/ tháng.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết từ ngày 1/1/2010, toàn bộ thẻ bảo hiểm y tế đã phát hành theo mẫu, mã cũ dù còn thời hạn sử dụng sẽ không còn giá trị lưu hành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục