Tuổi trẻ Yên Bình xóa đói giảm nghèo
- Cập nhật: Thứ ba, 15/12/2009 | 12:00:00 AM
YênBái - YBĐT - Nhìn những viên gạch đang được sản xuất để xuất bán cho kịp đơn đặt hàng, anh Phạm Huy Du ở thôn Hồng Xuân, xã Đại Đồng, huyện Yên Bình (Yên Bái) nhớ lại những năm tháng khởi nghiệp gian khó...
Xưởng sản xuất gạch của anh Phạm Huy Du ở xã Đại Đồng tạo việc làm cho 7 lao động có thu nhập từ 1,8 - 2 triệu đồng/người/tháng.
|
Năm 1993, sau khi xuất ngũ trở về địa phương, anh Du luôn trăn trở tìm hướng thoát nghèo và làm giàu. Nhận thấy đời sống của nhân dân trong vùng ngày càng khởi sắc, nhiều ngôi nhà mới được xây dựng to đẹp, thị trường vật liệu xây dựng có nhu cầu lớn nên cuối năm 2007, được sự giúp đỡ của Huyện Đoàn Yên Bình, anh đã vay ngân hàng10 triệu đồng cùng với nguồn vốn tự có, vay bạn bè để đầu tư máy móc, thiết bị mở xưởng sản xuất gạch pa-panh. Đến nay, xưởng gạch của anh mỗi ngày sản xuất trên 2.000 viên, sản phẩm dần chiếm lĩnh thị trường ở các xã trong huyện và mở rộng sang các huyện lân cận. Anh Du cho biết, năm 2008, tổng thu nhập của xưởng đạt trên 300 triệu đồng và ước tính năm 2009 là hơn 400 triệu đồng. Xưởng sản xuất gạch tạo việc làm cho 7 lao động, thu nhập từ 1,8 - 2 triệu đồng/tháng/người.
Cũng với quyết tâm làm giàu chính đáng, anh Lê Thanh Hùng ở thôn Khuôn Giỏ, xã Tân Hương lại chọn mô hình phát triển kinh tế tổng hợp VACR. Khai thác lợi thế của hơn 10 ha đất đồi, anh quyết định trồng keo, bồ đề. Năng động, cần cù, anh Hùng còn tích cực học hỏi kiến thức, kỹ thuật nông, lâm nghiệp từ các lớp tập huấn do Huyện Đoàn và xã phối hợp tổ chức. Ngoài ra, anh kết hợp chăn nuôi lợn, gà và nuôi cá trắm, rô phi. Trừ chi phí, mô hình của anh cho thu nhập trên 60 triệu đồng/năm.
Ngoài anh Du, anh Hùng, còn có nhiều mô hình phát triển kinh tế của các đoàn viên thanh niên tiêu biểu như: Nguyễn Văn Sơn, Lê Văn Nhen ở Lâm trường Thác Bà; Nguyễn Minh Quý ở xã Hán Đà; Hà Quốc Việt ở xã Vĩnh Kiên; Vũ Thanh Tùng ở thị trấn Yên Bình... đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động có thu nhập bình quân từ 1,2 - 2 triệu đồng/tháng/người.
Anh Vũ Hồng Hải - Bí thư Huyện Đoàn Yên Bình cho biết: "Hiện toàn huyện có 52 cơ sở Đoàn và Đoàn trực thuộc, 462 chi đoàn, thu hút 20.000 đoàn viên thanh niên tham gia sinh hoạt. Xác định chương trình phát triển kinh tế cho thanh niên là yếu tố quan trọng để từng bước xóa đói giảm nghèo, Huyện Đoàn đã triển khai nhiều phong trào, nổi bật là cuộc vận động “Giúp nhau lập nghiệp, làm giàu chính đáng”. Với nhiều chương trình, kế hoạch cụ thể, thiết thực, trong thời gian qua, Huyện Đoàn đã phối hợp với các ngành liên quan tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển kinh tế. Từ năm 2004 - 2009, Huyện Đoàn phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện giải ngân gần 3 tỷ đồng cho 212 hộ gia đình là đoàn viên thanh niên vay vốn. Từ nguồn vốn này, nhiều thanh niên được giải quyết việc làm tại chỗ và nhiều mô hình trang trại trẻ tiếp tục phát triển, mở rộng.
Đến nay, toàn huyện Yên Bình có trên 200 trang trại trẻ, thu nhập từ 50 đến 100 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 12 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo là 12,05%. Có được kết quả đó không thể không kể đến đóng góp tích cực của lực lượng tuổi trẻ Yên Bình.
Hà Tĩnh
Các tin khác
YBĐT - Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá” ở huyện Văn Yên (Yên Bái) thực sự đã đi vào chiều sâu, làm chuyển biến cơ bản về nhận thức, tư tưởng và nâng cao đời sống tinh thần của người dân. Trong đó thôn Cầu Có, xã Đông Cuông là một trong những điển hình trong phong trào xây dựng làng bản văn hoá ở địa phương.
YBĐT - Mới đây, đoàn cán bộ y, bác sĩ Khoa Mắt của Trung tâm Phòng chống bệnh xã hội tỉnh Yên Bái đã thực hiện thành công 21 ca mổ đục thủy tinh thể bằng máy mổ Phaco do Tổ chức ORBIS tài trợ tại huyện Mù Cang Chải. Các bác sĩ đã thắp lại “nguồn sáng” cho người nghèo ở vùng cao này.
Chiều 14/12 Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức họp báo, thông tin một số kết quả 1 năm thực hiện Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo.
Ngày 14-12, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) cho biết, Ban Giám đốc ADB đã phê chuẩn kế hoạch cấp vốn nhiều giai đoạn trị giá 630 triệu USD cho Chương trình Tạo thuận lợi cho quản trị và đổi mới doanh nghiệp nhà nước (DNNN) của Việt Nam. Kế hoạch này tiếp nối các hỗ trợ của ADB đối với chương trình đổi mới doanh nghiệp của Chính phủ thông qua các hỗ trợ tài chính và kỹ thuật.